Sử dụng hiệu quả men vi sinh trong nuôi tôm

Chưa có đánh giá về bài viết

Sử dụng chế phẩm từ vi sinh vật hữu ích là hướng đi có ý nghĩa thực tiễn đối với người nuôi tôm, để bảo vệ môi trường và đảm bảo hiệu quả sản xuất. Tuy nhiên, việc nhận diện đúng và phương pháp sử dụng khoa học để phát huy tác dụng từng chủng loài vi sinh, mang lại hiệu quả thiết thực là vấn đề cần lưu ý.

Nhận diện

Chế phẩm vi sinh vật hữu ích có hai loại: loại dùng để xử lý môi trường và loại trộn vào thức ăn cho tôm cá. Đối với xử lý môi trường, vi sinh vật hữu ích thường được sử dụng bao gồm một số loài: Lactobacillus plantarum, L.acidophillus, L.casei, L.rhamnosus, L.bulgaricus, Bacillus subtilis, B.licheniformis, B. megaterium, B.polymyxa, Actinomycetes, Nitrobacteria, Nitrosomonas… Hầu hết những loài Bacillus không độc hại đối với động vật, khả năng sinh ra kháng sinh và enzyme. Enzyme do vi khuẩn Bacillus tiết ra phân hủy rất có hiệu quả các chất như carbonhydrate, chất béo và đạm thành những đơn vị nhỏ hơn. Giống Bacillus có thể sinh trưởng tốt với nguồn carbon và nitơ thấp. Giống Bacillus cũng có khả năng phân hủy chất hữu cơ tích lũy trong nền đáy ao nuôi tôm. Các nhóm vi khuẩn tham gia chuyển hóa các chất hữu cơ thành CO2 và nước bao gồm Bacillus, Pseudomonas; nhóm vi khuẩn Nitrosomonas và Nitrobacter chuyển các chất độc hại như NH3, NO2–  thành các chất không độc, như NO3-.

Chúng còn được sử dụng trộn vào thức ăn (được tổng hợp có thể khác với dạng bổ sung vào môi trường nước), khi vào cơ thể tôm để hạn chế vi khuẩn có hại trong đường ruột, giúp chuyển hoá thức ăn và khống chế vi khuẩn gây bệnh.

 

Sử dụng men vi sinh đúng cách cho hiệu quả cao trong nuôi tôm – Ảnh: Phan Thanh Cường

Nâng cao hiệu quả sử dụng

Mỗi sản phẩm đều có hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất, người sử dụng nên hiểu rõ bản chất, quan tâm một số vấn đề để tăng hiệu quả sử dụng. Tùy theo thành phần chế phẩm vi sinh mà hoạt động sống, sinh sản có ảnh hưởng bởi các yếu tố môi trường (nhiệt độ, độ mặn, ánh sáng, hóa chất, kháng sinh…). Nồng độ muối thích hợp tùy thuộc giống vi khuẩn, giống Bacillus có thể 0 – 40‰; do đó, vi khuẩn này có khả năng phân bố rộng và chiếm ưu thế. Nhiệt độ trong ao nuôi cũng ảnh hưởng đến hoạt động của vi khuẩn và tốc độ phân hủy hữu cơ. Nhiệt độ càng cao (trong khoảng thích hợp) thì tốc độ phân hủy càng nhanh, nhiệt độ 25 – 30oC là thích hợp cho sự phát triển của hầu hết các nhóm vi sinh vật, nếu nhiệt độ ở 18oC vào mùa đông thì tỷ lệ sinh trưởng bị giảm 50%.

Nitrosomonas và Nitrobacter là vi khuẩn mẫn cảm ánh sáng. Khoảng pH thích hợp cho Nitrosomonas là 7,8 – 8, Nitrobacter là 7,3 – 7,5. Nitrobacter sẽ tăng trưởng chậm hơn ở các mức pH cao đặc trưng ao nuôi giai đoạn cuối. Nitrosomonas sống ở nơi có hàm lượng NH3 tương đối cao (như trong bùn đáy ao). Trong nước, có thể tồn tại trong khoảng thời gian ngắn ở các điều kiện bất lợi, nhờ dùng các vật chất dự trữ bên trong tế bào và khi các vật chất này cạn kiệt chúng sẽ chết.

 Đa số các nhóm vi sinh vật này đều ảnh hưởng dễ thấy là có sự thay đổi yếu tố pH, ôxy hòa tan (theo xu hướng giảm) trong môi trường nước khi chúng bắt đầu có tác dụng. Các chất ôxy hóa mạnh như BKC, thuốc tím, Chlorine, Iodine… và kháng sinh có tác dụng diệt khuẩn làm giảm hiệu quả của chế phẩm vi sinh vật hữu ích. Do đó, không dùng các loại hóa chất này sau khi đã sử dụng chế phẩm vi sinh vật hữu ích.

Phạm Thanh Nhân (Chi cục NTTS Bình Định)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!