Sử dụng thuốc, hóa chất đúng cách

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Hỏi: Một số lưu ý khi sử dụng thuốc, hóa chất trong thủy sản?

(Nguyễn Đức Cảnh, xã Chi Lăng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh)

Trả lời:

Điều kiện của những hộ nuôi rất khác nhau tùy thuộc vào đối tượng, hệ thống hay loại hình nuôi, thiết bị, chất lượng nước và địa điểm, vì thế các phương pháp áp dụng trong việc sử dụng thuốc, hóa chất cần phải được điều chỉnh phù hợp, nhưng nhìn chung khi xử lý cần tuân thủ theo những nguyên tắc nhất định:

– Chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh. Đây là nguyên tắc rất quan trọng, vì khi xác định chính xác tác nhân gây bệnh sẽ giúp cho việc điều trị được hiệu quả, ít tốn kém chi phí và thời gian. Tuy nhiên, nếu người nuôi không đủ khả năng xác định nguyên nhân cần tham khảo ý kiến của các nhà chuyên môn, tránh việc chẩn đoán sai dẫn đến điều trị không đạt kết quả.

– Quyết định áp dụng điều trị thông thường sẽ bao gồm 2 hình thức: Nếu đã chẩn đoán chính xác tác nhân gây bệnh, cần lựa chọn loại hóa chất đặc trị để loại trừ tác nhân đó. Trong trường hợp vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính, bệnh có thể cùng lúc do nhiều tác nhân gây ra, cần tiến hành điều trị triệu chứng và phối hợp nhiều loại hóa chất để loại trừ tất cả tác nhân gây bệnh. Tôm, cá mắc bệnh thường do một số tác nhân chủ yếu bao gồm ký sinh trùng, vi khuẩn, virus, nấm… hoặc do các yếu tố môi trường không phù hợp. Tùy theo từng loại tác nhân, sẽ có các loại thuốc, hóa chất đặc trị riêng biệt.

– Trong quá trình sử dụng thuốc, hóa chất cũng cần lưu ý đến các quy định của nhà nước như không sử dụng các loại hóa chất nằm trong danh mục cấm sử dụng, có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng hoặc hết hạn sử dụng. 

– Sau quá trình điều trị cần có những đánh giá về tình trạng sức khỏe của tôm, cá và khả năng tác dụng của hóa chất. Tùy theo điều kiện, đối tượng nuôi mà khả năng tác dụng của các loại hóa chất cũng khác nhau, vì vậy cần có những đánh giá về tính hiệu quả để tích lũy kinh nghiệm cho những lần điều trị tiếp theo.

– Đối với người nuôi chưa có nhiều kinh nghiệm, mới sử dụng thuốc lần đầu nên thử điều trị với liều lượng thấp trong diện tích nhỏ trước khi tiến hành điều trị toàn bộ. Điều này nhằm làm giảm đến mức thấp nhất rủi ro có thể xảy ra do việc tính nhầm liều lượng sử dụng.

Hỏi: Các phương pháp sử dụng thuốc, hóa chất trong thủy sản?

(Hồ Thanh Phương, xã Lộc Bình, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế)

Trả lời:

– Tắm: Dùng thuốc hoặc hóa chất tắm cho vật nuôi với thời gian và liều lượng nhất định (thường là liều lượng tương đối cao). Phương pháp này chủ yếu áp dụng trong trại sản xuất giống hoặc nuôi lồng bè.

– Ngâm: Thuốc và hóa chất được dùng với nồng độ thấp, thời gian xử lý kéo dài. Phương pháp này thường áp dụng cho các ao, đầm nuôi với diện tích lớn. Để giảm lượng hóa chất sử dụng, cần hạ thấp mực nước trong ao, đầm. Cần đảm bảo sục khí đầy đủ và nguồn nước cấp dự phòng khi cần thiết.

– Trộn vào thức ăn: Dùng thuốc, hóa chất trộn vào thức ăn, đây là một trong những phương pháp mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp này là có thể đối tượng nuôi sẽ bỏ ăn hoặc kém ăn nên kết quả điều trị không như mong muốn. Khi sử dụng phương pháp này, cần bao ngoài thức ăn bằng dầu để thuốc và hóa chất không bị mất đi hoặc bị hòa tan trong môi trường nước. Lưu ý: Thuốc và hóa chất được trộn đều với thức ăn, tuy nhiên có nhiều loại thuốc hoặc hóa chất có đặc tính kém tan trong nước, do vậy, người sử dụng cần thận trọng.

– Treo túi thuốc: Phương pháp này thường dùng với các loại thuốc sát trùng có khả năng hòa tan trong nước. Một lượng thuốc nhất định được đựng trong một túi, chất lượng của túi cho phép các phân tử thuốc sau khi đã hòa tan có thể đi qua và vào môi trường nước. Treo túi thuốc thường được áp dụng trong hình thức nuôi lồng bè. Túi thuốc được treo ở góc lồng, đầu dòng chảy… Cách này có ưu điểm là tiết kiệm thuốc, thao tác đơn giản, động vật ít bị ảnh hưởng bởi thuốc.

– Bôi trực tiếp: Động vật thủy sản bị nhiễm một số bệnh ngoài cơ thể thường dùng thuốc có nồng độ cao bôi trực tiếp vào vết loét để giết chết sinh vật gây bệnh như: bệnh đốm đỏ, bệnh lở loét, bệnh do trùng mỏ neo, giun tròn ký sinh. Ưu điểm tốn ít thuốc, độ an toàn lớn, thuận lợi và ít ảnh hưởng đến vật nuôi.

– Tiêm: Phương pháp này ít được áp dụng trong phòng và trị bệnh cho vật nuôi thủy sản. Chỉ áp dụng đối với một số ít loài cá như tiêm vaccine.

Ban KHKT

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!