Tại đất nước có nền kinh tế phát triển hiện đại như Singapore hay Malaysia vẫn còn một bộ phận nhỏ cư dân sinh sống trong những căn nhà gỗ xiêu vẹo trên biển, tiếp tục duy trì nếp sinh hoạt của tổ tiên họ những năm 1300 – cuộc sống trên nhà gỗ Kelong.
Những năm 1300, Singapore còn là một “thành phố biển” ở Malay tới khi bị thực dân Anh xâm chiếm vào năm 1918, mảnh đất này dường như vẫn là một làng chài chưa được đánh thức. Người dân quanh năm sống bám biển với nguồn thức ăn duy nhất do biển mang lại. Sau khi thành thuộc địa Anh, quốc đảo Singapore được công nghiệp hóa và phát triển với tốc độ chóng mặt. Ngày nay, Singapore trở thành một trong những quốc gia hiện đại và phát triển bậc nhất. Những nhà gỗ Kelong thấp thoáng trên biển tại quốc đảo này đã được thay bằng các cao ốc xa hoa, cao chọc trời. Hình ảnh những bãi biển đẹp tinh khôi, nguyên sơ, nước trong xanh hiền hòa cũng mờ dần trước sự xuất hiện của những con tàu công nghiệp nặng nề, xô lấn nhau trên những cảng biển ngột ngạt.
Nhà gỗ Kelong không phải thứ xa lạ với ngư dân Đông Nam Á. Nó từng được goi là “bẫy đánh cá” lợi hại của ngư dân trên biển thời xưa. Nhà có kết cấu bằng gỗ cứng, được xây ở vùng nước sâu gần bờ. Mô hình này tập trung chủ yếu ở Malaysia, Singapore, Indonesia. Cột trụ chống đỡ toàn bộ ngôi nhà dài 20 m, làm từ cây cọ nilon. Cột cắm sâu xuống nước khoảng 6 m và được cột chặt với sàn nhà bằng dây song hoặc mây. Kelong có trang bị lưới để bẫy cá cơm, cá mú, cá chim…
Những năm 1960, ngư dân thu được hàng tấn cá cơm mỗi ngày nhờ Kelong. Tại Mersing, một làng chài nhỏ ở tây nam Malaysia, Kelong vẫn nằm rải rác nhưng chỉ để thu hút khách du lịch. Một ngư dân trong làng cho biết, những năm 1950, làng có hàng trăm Kelong, giúp ngư dân kiếm được 3 – 4 RM (1 USD) cho mỗi kg cá cơm. Nhưng ngày nay, nguồn thủy sản dần cạn kiệt, 1 xô cá cơm mỗi tối cũng là điều xa vời với ngư dân nơi đây nếu chỉ dựa vào Kelong.
Ngày nay, Malaysia chỉ còn 2 Kelong tồn tại, chủ yếu phục vụ khách du lịch. Một thách thức nữa là chi phí để giữ chỗ trên biển cho những Kelong lên tới 300.000 RM (tương đương 90.000 USD) mỗi năm. Năm 2013, Kelong Ah Yew tại vùng biển Mersing đã bị bão phá hủy hoàn toàn. Những cọc chống bằng gỗ không chịu nổi sức tàn phá của cơn bão.
Trong khi đó, Singapore vẫn còn 6 Kelong có giấy phép hoạt động nhưng Chính phủ nước này đã ngừng cấp phép mới cho Kelong từ năm 1965; đồng thời khuyến khích nông dân chuyển sang bè cá nổi làm từ những thùng phuy tái chế. Mong ước giữ gìn mô hình Kelong như một nét văn hóa truyền thống của ngư dân trở nên xa vời bởi việc đưa Kelong hòa nhập thế giới mới là điều không đơn giản. Kelong đang lụi tàn và sẽ biến mất, chỉ còn là vấn đề thời gian.
>> Tại Malaysia, Indonesia, Singapore, Kelong là một kiểu nhà bằng gỗ trên mặt nước, nơi ở xa bờ cho ngư dân. Sự ra đời của cảng công nghiệp tại Port Klang, Malaysia chính là thủ phạm giết chết Kelong, bắt đầu từ năm 1995. Hàng trăm tàu khai thác bằng lưới kéo đáy công nghiệp đã tàn phá Port Klang và phá hủy hàng loạt Kelong. |