T2, 06/07/2020 09:47

Sức lan tỏa của một cuộc thi viết về người lao động

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Ra đời cách đây gần 2 năm, Thủy sản Việt Nam đã thực sự là người bạn của ngư dân, nông dân và doanh nghiệp thủy sản cả nước, mang đến cho độc giả những thông tin phong phú, nhiều chiều, thiết thực về mọi mặt hoạt động của ngành thủy sản. Không chỉ làm cầu nối giữa 4 nhà: Nhà nước – nhà khoa học – nhà doanh nghiệp – nhà nông, Tạp chí đã giới thiệu nhiều điển hình, nhân tố mới, cách làm mới trong ngành thủy sản, giúp nông dân, ngư dân học cách làm giàu…

Cuộc thi "Điển hình tiên tiên trong ngành thủy sản Việt Nam" do Tạp chí phát động – một việc làm cần thiết và đúng lúc – vì thế mà có sức lan tỏa lớn.

Sau 9 tháng phát động, Ban tổ chức đã nhận được sự hưởng ứng rộng rãi của cộng tác viên, của các đồng nghiệp báo chí trong cả nước. Hầu hết các địa phương có biển (26 trong tổng số 28 tỉnh, thành có biển) đã được phản ánh trong hàng trăm tác phẩm dự thi. Không rầm rộ như các cuộc thi khác, nhưng sự góp mặt này của các tác giả rõ ràng là một con số có ý nghĩa thể hiện sức lan tỏa lớn của cuộc thi vì người lao động, hướng về người lao động trong ngành thủy sản. Các địa phương được phản ánh trong các tác phẩm dự thi là: Quảng Ninh, Hải Dương, Nam Định, Hà Nội, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang, Hậu Giang, Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Đồng Tháp, Cà Mau, TP. Hồ Chí Minh và Bộ đội Hải quân Trường Sa.

Xuất xứ các tác giả là hội viên Hội Nghề cá Việt Nam, là phóng viên, CTV, kĩ sư,…

Một số tác giả đã gửi nhiều bài dự thi, thể hiện sự gắn bó với ngành thủy sản: Trần Trọng Trung (8 bài về người lao động giỏi ngành thủy sản ở Đồng bằng Sông Cửu Long), Trương Văn Hà (5 bài ở Quảng Bình), Huỳnh Văn Nguyệt (5 bài ở Đồng bằng Sông Cửu Long), Dương Nam Anh (5 bài về nhiều địa phương khác nhau), Lê Hoàng Vũ (3 bài về Đồng bằng Sông Cửu Long), Việt Hương (3 bài về nhiều địa phương khác nhau ở miền Trung). Địa phương được phản ánh nhiều nhất: Đồng Tháp, Quảng Bình, Bạc Liêu…

Bài dự thi được thực hiện tại nơi đặc biệt nhất: Nuôi cá lồng giữa Trường Sa, của tác giả Dương Hà. Bài viết về người có hoàn cảnh đặc biệt nhất, là của tác giả Trần Hoàng Anh: Viết về người khiếm thị giàu nghị lực – anh Nguyễn Văn Mỵ ở làng biển Xuân Hòa, xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình; đã lập đài canh cá nhân "Biển gọi", cung cấp thông tin miễn phí cho tàu thuyền gặp nạn trên biển.


Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam Nguyễn Việt Thắng tại lễ phát động Cuộc thi

Qua vòng Sơ khảo, Ban Tổ chức đã chọn được những tác phẩm tiêu biểu vào Chung khảo. Đó là những tác phẩm viết về những con người thật sự tiêu biểu, có uy tín trong ngành thủy sản, hay những con người bình dị nhưng có những việc làm có ý nghĩa lớn, đáng để học tập, nhân rộng trong đời sống hiện nay. Có thể kể một số tác phẩm, như: “Chuyện về tỉ phú "Hùng cá"” của tác giả Trần Trọng Trung, viết về Doanh nhân tiêu biểu Trần Văn Hùng – Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Hùng Cá (Đồng Tháp) – một doanh nhân tiêu biểu, thành đạt và là người có tấm lòng nhân ái, tích cực hoạt động xã hội từ thiện, với các phong trào khuyến học, khuyến tài, văn nghệ, thể thao… Tác phẩm “Tỷ phú… cát” của tác giả Tâm Phùng; tác phẩm “Sao thần nông trên miền cát trắng” của tác giả Trương Văn Hà, viết về ông Võ Đại Nghĩa, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thanh Hương (Quảng Bình). Các tác phẩm “Dùng con tôm giống để quảng bá cho thương hiệu của mình” của tác giả Phan Thanh Cường (TT KN – KN Bạc Liêu); “Tỷ phú và những đầm tôm “bất bại”” của tác giả Diệu Hiền; “Vua nghêu xứ Gò Công” của tác giả Nguyễn Quang Trí (Chi cục Thủy sản Tiền Giang); “Mật danh "21 Khỏe" giữa Biển Đông” của tác giả Hải Luận; “A lô, đài “Biển gọi” ở Xuân Hòa đây!” của tác giả Trần Hoàng Anh (Quảng Bình); “Nuôi cá lồng giữa Trường Sa” của tác giả Dương Hà; ““Bà mụ cá” Tống Minh Chánh” của tác giả Hoài Phương – Huỳnh Văn Nguyệt (An Giang); “Nhãn hiệu tôm sú sạch Sáu Ngoãn Bạc Liêu" của tác giả Hồng Giang; “Từ thợ hồ trở thành triệu phú trại cá” của tác giả Việt Hương; “Bãi cát đìu hiu hóa thành làng” của tác giả Phan Thế Cải (Hà Tĩnh); “Dũng “khùng” duyên với cá” của tác giả Bùi Định (Đà Nẵng); ““Tân Thiên Phú” – thương hiệu từ làng nghề Kiên Lao” của tác giả Thu Vũ (Nam Định); ““Vua” cá sấu đất Bắc” của tác giả Bùi Ngọc Đức (Hải Phòng); “Khởi nghiệp từ bãi vắng” của tác giả Ngọc Hà (Quảng Ninh); “Làm giàu từ con cua đinh” của tác giả Thành Hiệp – Hoàng Vũ (Hậu Giang); “Làm ăn lớn, tính chuyện đi xa” của tác giả Khắc Hiển (Hà Tĩnh); “Tỷ phú trên vùng đất “chết” đầy bom mìn” của tác giả Dương Thanh Hải (Tiền Giang); “Người thương binh – Với thành công mô hình di ương cá lóc giống bằng đường hàng không”, của tác giả Nguyễn Dũng – Tân Thành (Thanh Hóa); “Kỳ tích vùng tôm ngàn tỷ” của tác giả Đình Cảnh (Trà Vinh); ““Cha đẻ” của nước mắm siêu sạch” của tác giả Anh Tùng (Ninh Thuận); “Ông chủ trẻ trên vùng cát trắng” của tác giả Trương Văn Hà (Quảng Bình). Phóng sự ảnh: “Tỷ phú tôm sú vùng biển Tây” của tác giả Lê Hoàng Vũ (Cần Thơ); “Vua tôm Sáu Ngoãn” của tác giả Phan Thanh Cường (Bạc Liêu); “Lập nghiệp từ cá rô phi đơn tính” của tác giả Vũ Mưa…

Nhiều ý kiến của Ban tổ chức, Ban Giám khảo đánh giá cuộc thi đã thành công xét ở các khía cạnh khác nhau: Các nhân vật đều đặc sắc, đáng để viết. Đó là những con người đi lên từ nghèo khó, từng nếm trải thất bại rồi mới thành đạt như ngày nay. Có người đi lên từ mồ hôi, nước mắt. Nhưng nét đẹp của họ là phú quý không quên bần hàn, thành đạt nhưng vẫn tích cực làm công tác xã hội, từ thiện, v.v… Các nhân vật được phản ánh đại diện được cho các tổ chức sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp thủy sản tiêu biểu trong các lĩnh vực khai thác, nuôi trồng, chế biến, tiêu thụ, dịch vụ hậu cần nghề cá,…

Cuộc thi càng có ý nghĩa vì xuất hiện đúng vào thời điểm Đảng và Nhà nước ta đang thực hiện chủ trương “tam nông”, thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 5-8-2008 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trong “tam nông”, những người trực tiếp lao động trong ngành thủy sản chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng – vị trí ngành kinh tế mũi nhọn. Tại Hội nghị báo chí toàn quốc ngày 5/5/2010 ở Hà Nội, đồng chí Tô Huy Rứa – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, đã nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo của Đảng ta đối với nhiệm vụ của báo chí hiện nay là: gương người tốt việc tốt, nhân tố mới, điển hình tiên tiến, thành tựu công cuộc đổi mới, hình ảnh đất nước tươi mới, năng động, giàu sức vươn lên, phải là chủ đề nổi bật, là dòng thông tin chủ lưu xuyên suốt trên báo chí…

 

 

TS. Nhà báo Trần Bá Dung

 Trưởng Ban Giám khảo Cuộc thi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!