(Tạp chí Thủy sản VN) – Trong những năm gần đây, tình hình khai thác hải sản trong tỉnh nói chung và huyện Hoài Nhơn nói riêng gặp rất nhiều khó khăn do nguồn lợi hải sản giảm sút, tàu thuyền bám biển dài ngày, công tác bảo quản sau thu hoạch chưa được quan tâm đúng mức…Với việc ra đời mô hình “Tổ cộng đồng khai thác thuỷ sản”, nghề khai thác cá ngừ đại ở Bình Định đã có những tín hiệu phát triển mới.
Hướng dẫn chủ tàu sử dụng bộ đàm và máy định vị dò cá
Tự nguyện vì sự phát triển của nghề cá
Hoài Nhơn là một huyện có nghề khai thác hải sản phát triển khá mạnh ở Bình Định với hơn 2217 tàu có công suất 278.464 CV, các tàu thuyền đi đánh bắt theo nhiều nghề truyền thống như câu cá ngừ đại dương, câu mực, vây rút chì, mành, lưới chuồn… Trước những khó khăn, thách thức và yêu cầu phát triển nghề khai thác hải sản trong giai đoạn mới, cần xây dựng các tổ chức hợp tác để liên kết trong sản xuất, hỗ trợ trong tìm kiếm ngư trường, vận chuyển tiêu thụ sản phẩm, trao đổi kinh nghiệm, nhất là khi gặp sự cố kỹ thuật, thiên tai trên biển là việc làm hết sức cấp bách và thiết thực. Năm 2010, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh Bình Định đã đầu tư kinh phí và phối hợp với Phòng Kinh tế, Trạm Khuyến nông Hoài Nhơn và UBND xã Hoài Hương khảo sát lập phương án, chọn các chủ thuyền trên cơ sở đồng thuận để xây dựng mô hình “Tổ cộng đồng khai thác thủy sản” với quy mô 5 tàu, tổng số thành viên 45. Tổ gồm ông Lê Reo, chủ tàu BĐ-95627TS làm tổ trưởng; ông Phan Văn Bảng, chủ tàu BĐ-95609TS làm tổ phó; ông Nguyễn Văn Việt, chủ tàu BĐ-91017TS; ông Nguyễn Thi, chủ tàu BĐ-95152TS và ông Cao Văn Hải, chủ tàu BĐ-95489TS là tổ viên. Kinh phí Nhà nước hỗ trợ gồm 5 máy bộ đàm đường dài và 5 máy định vị dò cá 3 chức năng (tỷ lệ hỗ trợ 42%).
Hoạt động của tổ cộng đồng khai thác thủy sản mang tính chất tự nguyện, là tổ chức nghề có tính nghề nghiệp quần chúng, được UBND xã có quyết định thành lập và thông qua nội quy của tổ. Nội quy của tổ được các thành viên trong tổ thống nhất đưa ra nhằm tăng cường quan hệ với các tổ chức, cá nhân trong việc phát triển đánh bắt và tiêu thụ sản phẩm. Vấn đề tài chính được công khai, phương thức ăn chia rõ ràng và thỏa thuận đóng góp lệ phí hỗ trợ cho các tàu trong tổ khi bị rủi ro hoặc sự cố phải nằm bờ. Trong mỗi chuyến biển, nếu như có tàu nào phát hiện cá nhiều thì liên lạc với các tàu khác trong tổ để cùng nhau đánh bắt; khi gặp sự cố rủi ro trên biển thì gọi các tàu trong tổ đến hỗ trợ; khi các tàu đánh bắt đủ sản lượng thì gom cá lại cho 1 tàu vận chuyển kịp thời vào bờ, thông qua đó giảm chi phí và bảo quản chất lượng cá tốt, chủ động cung cấp nguyên nhiên liệu, lương thực, giúp tăng thời gian bám biển, giữ vững an ninh quốc phòng. Trước và sau mỗi chuyến biển, các thành viên đều tiến hành thảo luận, bàn bạc để trao đổi rút kinh nghiệm, định hướng sản xuất cho chuyến biển tiếp theo, bao gồm chọn ngư trường, cách thức bảo quản sản phẩm, tìm giải pháp tiết kiệm và có lợi nhất trong dịch vụ hậu cần, phương án phối hợp, hỗ trợ nhau khi có sự cố trên biển… nhằm giảm được mức thấp nhất các yếu tố rủi ro do chủ quan và khách quan, đạt hiệu quả khai thác cao nhất.
Tổ cộng đồng khai thác tại Hoài Hương
Mô hình quản lý khai thác mới
Từ kết quả thực tiễn mô hình đã tạo nên bước thay đổi nhận thức, xây dựng tinh thần tự giác, tự nguyện, tương thân tương ái, giúp đỡ nhau trong sản xuất cho nghề đánh bắt khơi xa, nhất là khai thác cá ngừ đại dương được hiệu quả và an toàn hơn. Nhìn chung, tổ cộng đồng khai thác thủy sản bước đầu đã đem lại những hiệu quả thiết thực cho ngư dân làm nghề khai thác xa bờ, tạo tiền đề cho việc hình thành và phát triển một hình thức quản lý khai thác mới, có sự tự nguyện đồng thuận của các chủ tàu và thuyền viên, sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau trong quá trình chuẩn bị, đánh bắt, tiêu thụ sản phẩm, chia sẻ thông tin, áp dụng các trang thiết bị kỹ thuật hiện đại phù hợp với điều kiện sản xuất. Ngoài ra, xây dựng công tác phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai và giữ cho thông tin liên lạc giúp các chủ trương chính sách Nhà nước được thực hiện tốt…
Để mô hình này được nhân rộng, thiết nghĩ trong tương lai, cần có những hướng dẫn được coi là khung pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc chỉ đạo tại các địa phương, đồng thời có cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp để phát triển hình thức quản lý này, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất theo hướng an toàn, hiệu quả, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế thủy sản theo hướng bền vững.
>> Sau 4 tháng triển khai, mô hình tổ cộng đồng đã thực hiện được 10 chuyến biển (thời gian cho mỗi chuyến từ 30 – 35 ngày), tổng sản lượng khai thác là 14,316 tấn, giá trị 1,559 tỷ đồng. Sau khi trừ các chi phí gồm dầu, nhớt máy, đá, gạo, thức ăn và các chi phí khác (bình quân 114-122 triệu/mỗi chuyến), tổng lợi nhuận thu được hơn 370 triệu đồng.
Nguyễn Ngọc Tú