(TSVN) – Trong nuôi trồng thủy sản, mục đích chính của enzyme là cải thiện tiêu hóa. Điều này đặc biệt quan trọng trong giai đoạn phát triển ban đầu, vì khi ấu trùng thiếu một số enzyme quan trọng, dẫn đến thiếu chất dinh dưỡng. Một số tôm/cá trưởng thành cũng thiếu một số enzyme nhất định. Đó là lý do tại sao các enzyme trong thức ăn có thể có lợi cho tất cả các giai đoạn tăng trưởng.
Trong nuôi trồng thủy sản, mục đích chính của enzyme là cải thiện tiêu hóa. Điều này đặc biệt quan trọng trong giai đoạn phát triển ban đầu, vì khi ấu trùng thiếu một số enzyme quan trọng, dẫn đến thiếu chất dinh dưỡng. Một số tôm/cá trưởng thành cũng thiếu một số enzyme nhất định. Đó là lý do tại sao các enzyme trong thức ăn có thể có lợi cho tất cả các giai đoạn tăng trưởng.
Các enzyme nội sinh được tìm thấy trong hệ tiêu hóa của tôm/cá giúp phân hủy các phân tử hữu cơ lớn như tinh bột, cellulose và protein thành các chất đơn giản hơn.
Ứng dụng của enzyme là một giải pháp cho tình trạng tỷ lệ chết cao ở ấu trùng động vật thủy sản. Đường ruột của ấu trùng động vật thủy sản ngắn hơn và tương đối kém phát triển so với đường ruột của con trưởng thành. Việc bổ sung enzyme cho ấu trùng là cần thiết.
Các enzyme thường được sử dụng trong nuôi trồng thủy sản bao gồm protease, amylase, lipase, esterase, cellulase, xylanase và urease. Chúng được sử dụng vì chúng có thể làm tăng sự sẵn có của các chất dinh dưỡng, cải thiện sự hấp thụ chất dinh dưỡng trong hệ tiêu hóa và thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của tôm/cá nhanh hơn.
Phytase: Tối ưu hóa phospho. Phospho là một yếu tố đặc biệt quan trọng đối với sự tăng trưởng, hiệu quả sử dụng thức ăn và sự trao đổi chất thích hợp của các loài thủy sản. Tuy nhiên, phần lớn phospho được liên kết dưới dạng phytate (40 – 80%). Nhiều loài động vật không thể phân hủy phytate. Phytase là một loại enzyme làm tăng đáng kể sự sẵn có của phospho bằng cách xúc tác sự giải phóng của nó từ phytate.
Phytase làm giảm việc giải phóng các chất dinh dưỡng vào môi trường bằng cách tạo ra phospho liên kết có sẵn cho tôm/cá hấp thụ . Phytase bổ sung vào khẩu phần giúp cải thiện quá trình tiêu hóa protein và axit amin và có thể cải thiện năng lượng có thể chuyển hóa của thức ăn bằng cách phá vỡ phức hợp phytate-lipid.Ngoài ra, Phytase làm giảm lượng phospho trong phân của cá, tôm giúp cải thiện khả năng tiêu hóa phospho và protein.
Protease: Tối ưu hóa protein. Protein cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển của mọi sinh vật sống, và các loài thủy sản cũng không ngoại lệ. Protease là enzyme phá vỡ các chuỗi protein dài thành các protein nhỏ hơn, peptit và axit amin, mà các loài thủy sản dễ tiêu hóa so với hợp chất ban đầu. Protease giúp tăng cường sức đề kháng của động vật thủy sản, góp phần làm tăng khả năng hấp thụ dinh dưỡng, thúc đẩy tăng trưởng, giúp duy trì nguồn dưỡng chất giúp tôm/cá phục hồi sau giai đoạn điều trị bệnh và làm giảm đáng kể lượng chất thải tích tụ trong nước ao.
Cabohydrase: Tối ưu hóa carbonhydrate. Carbohydrate là nguồn năng lượng chính của nhiều loài thủy sản. Việc bổ sung các enzyme carbohydrase ngoại sinh vào thức ăn làm tăng việc sử dụng các loại carbohydrate không có sẵn trong chế độ ăn. Carbohydrase được sử dụng trong nuôi trồng thủy sản bao gồm amylase, chitinase, cellulase và xylanase. Amylase phân hủy các đường đa phân tử (polysaccharides) và thành phần thức ăn có bản chất là tinh bột giúp tôm/cá hấp thụ tốt hơn. Xylanase cải thiện khả năng tiêu hóa chất béo, tăng giá trị dinh dưỡng của khẩu phần ăn. Làm giảm độ nhớt trong đường tiêu hóa, cải thiện hệ vi sinh vật đường ruột
Lipase: Tối ưu hóa lipid. Lipid đặc biệt quan trọng trong giai đoạn đầu của sự phát triển. Sự hấp thụ lipid thích hợp có thể làm tăng tỷ lệ sống sót của ấu trùng. Lipase thực hiện các vai trò thiết yếu trong quá trình tiêu hóa, vận chuyển và xử lý lipid. Lipase sẽ phân hủy lipid bằng cách thủy phân acid béo và glycerol. Lipase giúp chuyển đổi chất béo không hòa tan thành dạng hòa tan để chúng có thể được tiêu hóa và đồng hóa đúng cách. Thêm enzyme lipase vào thức ăn nuôi trồng thủy sản, người ta có thể tăng đáng kể sự hấp thụ lipid trong tất cả các giai đoạn phát triển của động vật.
Protease cạnh tranh nguồn năng lượng với vi khuẩn có hại. Hạn chế vi khuẩn xâm nhập vào đường ruột tôm. Ổn định độ pH, duy trì màu nước, phân hủy chất hữu cơ, xác tảo tàn.
Cellulase có khả năng phân hủy vách cellulose, có tác dụng trong việc xử lý xác tảo tàn, giúp duy trì màu nước.
Urease phân hủy amoniac, nitrit và nitrat do cá và động vật giáp xác bài tiết, tránh sự tích tụ nitơ trong nước.
Ưu điểm khi cắt tảo bằng enzyme sẽ không gây sụp tảo đột ngột, không gây sốc cho tôm. Khi cắt tảo, lượng tảo chết sẽ tiếp tục được enzyme phân hủy. Enzyme có tác động nhanh hơn, hoạt động tốt trong nhiều môi trường khác biệt. Ngoài ra, việc bổ sung enzyme vào ao nuôi thâm canh còn giúp làm sạch đáy ao, giảm độ keo đục của nước, giúp sang nước, sạch nhá. Hạn chế được mầm bệnh.
Giai đoạn ấu trùng: Lúc này các cấu trúc, chức năng hệ tiêu hóa của vật nuôi chưa phát triển đầy đủ. Việc thiếu một số enzyme quan trọng sẽ dẫn đến tình trạng thiếu chất dinh dưỡng.
Giai đoạn phục hồi: Cơ thể vật nuôi sau khi điều trị bệnh sẽ bị suy yếu do đó cần được bổ sung enzyme để cung cấp lại lượng năng lượng đã mất và tăng khả năng hấp thụ dinh dưỡng
Môi trường bất lợi ảnh hưởng sức khỏe tôm/cá: Cần bổ sung enzyme để hỗ trợ chức năng tiêu hóa của vật nuôi, cũng như phân hủy đi lượng thức ăn dư thừa, hạn chế sự xâm nhập của vi khuẩn gây bệnh.
Nuôi mật độ cao: Bổ sung enzyme làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước
Mục đích của việc sử dụng enzyme trong thức ăn là để cải thiện tiêu hóa giúp cho các quá trình tiêu hóa sẽ hoạt động tốt hơn và mang lại hiệu quả về năng suất và chất lượng. Khi tôm gặp các vấn đề sau thì cần bổ sung enzyme (đối với quy trình nuôi không dùng enzyme thường xuyên): khi có hiện tượng đường ruột đứt khúc, lỏng lẻo, kém ăn, giảm ăn, tiêu hóa kém, chậm lớn. Trong trường hợp nếu sử dụng nhiều kháng sinh điều trị thì enzyme giúp hỗ trợ và giảm tải cho hệ thống gan tụy.
Nuôi trồng thủy sản thành công và bền vững phụ thuộc vào thức ăn có hiệu quả kinh tế và thân thiện với môi trường. Thức ăn là chi phí vận hành chính, chiếm 50 đến 60% tổng chi phí trong nuôi thâm canh. Do đó, việc sử dụng enzyme làm phụ gia thức ăn đã nhanh chóng mở rộng và là công cụ quan trọng trong nuôi trồng thủy sản. Lợi ích kinh tế và xã hội của enzyme đã được khẳng định đặc biệt là nó vẫn đảm bảo các yếu tố bền vững đối với môi trường nuôi.
Tôm Việt