(TSVN) – Ngành thủy sản Việt Nam đang có nhiều cơ hội để phục hồi xuất khẩu những tháng cuối năm. Hiện nay, cơ hội tại nhiều thị trường lớn đã rộng mở, nhu cầu đối với thủy sản Việt Nam đang tăng tích cực; đặc biệt, Hiệp định EVFTA đã mang lại những khởi đầu tốt cho thủy sản nước ta tại các nước EU.
Chia sẻ tại Hội nghị Đảm bảo chất lượng, ATTP, an toàn dịch bệnh thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ thủy sản do Bộ NN&PTNT tổ chức tại Cần Thơ mới đây; ông Như Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng Thủy sản (Tổng cục Thủy sản) cho biết, để thủy sản Việt Nam xuất khẩu thuận lợi trước mắt phải đặt lên hàng đầu về khâu đảm bảo chất lượng, ATTP trong khai thác, NTTS cần đáp ứng đủ các quy định của thị trường tiêu thụ, quản lý điều kiện cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống và chất lượng sản phẩm. Con giống khi lưu thông trên thị trường phải đáp ứng theo 4 yêu cầu như: Thuộc danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh ở Việt Nam, được công bố tiêu chuẩn áp dụng và công bố hợp quy theo quy định, chất lượng phải phù hợp tiêu chuẩn công bố áp dụng và được kiểm dịch. Đối với cơ sở sản xuất, ương giống tuân thủ theo Điều 24 Luật Thủy sản năm 2017.
Bà Tô Tường Lan, Phó Tổng Thư ký VASEP thông tin, từ đầu năm đến nay xuất khẩu thủy sản vẫn giảm so cùng kỳ năm 2019. Đối với mặt hàng tôm, kim ngạch xuất khẩu vẫn giữ được sự ổn định từ trong quý II/2020 đến nay sau khi các nước gần như bắt đầu kiểm soát được dịch bệnh. 8 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu tôm đạt 2,3 tỷ USD, tăng 8,4% so cùng kỳ năm ngoái; trong tháng 8/2020, trừ xuất khẩu sang Nhật Bản và Trung Quốc giảm, xuất khẩu tôm Việt Nam sang các thị trường chính khác đều tăng như: Hoa Kỳ, EU, Hàn Quốc, Anh, Canada, Australia. Trong khi đó, mặt hàng cá tra lại giảm mạnh từ đầu năm đến nay, hiện chỉ đạt trên 849 triệu USD, xấp xỉ gần 30% so cùng kỳ năm 2019.
Xuất khẩu thủy sản cũng chịu nhiều ảnh hưởng bởi dịch COVID-19
Theo bà Lan, dịch COVID-19 đang tác động là cơ hội để ngành thủy sản thích ứng, phục hồi và phát triển trong giai đoạn mới. Các quốc gia cạnh tranh thủy sản với Việt Nam như: Ấn Độ, Ecuador, Indonesia… phải phong tỏa, cách ly chống dịch làm giảm 30 – 50% sản lượng sản xuất và xuất khẩu. Đây là thời cơ lớn cho thủy sản Việt Nam gia tăng thị phần trên các thị trường; cùng đó cũng là cơ hội tăng xuất khẩu các sản phẩm đồ hộp và hàng đông lạnh vào thị trường EU rất thuận lợi khi Hiệp định EVFTA đã có hiệu lực.
Vì vậy, để khơi thông xuất khẩu thủy sản vào các thị trường khó tính, trước mắt vùng NTTS Việt Nam phải quản lý từ con giống đầu vào đạt chất lượng tốt, thức ăn đến các công đoạn nuôi thành phẩm. Các chương trình kiểm soát dư lượng hóa chất, kháng sinh trong khâu nuôi, các vấn đề về mạ băng, tăng trọng cần được lưu ý; đồng thời đẩy mạnh tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc công bố thông tin trên nhãn hàng hóa.
Bà Lê Thị Diệu Thi, Giám đốc Chất lượng Công ty CP Vĩnh Hoàn cho rằng, khó khăn Vĩnh Hoàn gặp phải hiện nay đó là giá trị xuất khẩu cá tra vào các thị trường thế giới có phần giảm. Nguyên nhân là do ảnh hưởng dịch COVID-19, có một số khách hàng và chuyên gia không qua được Công ty để đàm phán đơn hàng do không có chuyến bay. Theo đó, đề nghị với Bộ NN&PTNT hỗ trợ có kiến nghị với Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch COVID-19 giúp giải quyết một số trường hợp cho khách hàng sang ký kết hợp đồng với doanh nghiệp. Ngoài ra, liên quan việc thực hiện Quyết định số 1802/QĐ-BNN-QLCL của Bộ NN&PTNT Ban hành “Chương trình kiểm soát an toàn thực phẩm cá và các sản phẩm cá bộ Siluriformes xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ” có hiệu lực từ ngày 6/7/2020, còn tồn đọng 2 vấn đề đó là Giấy chứng cơ sở nuôi giống nhỏ lẻ hầu hết chưa thực hiện theo quy định từ ngày 1/1/2020 nên doanh nghiệp cũng gặp khó khăn.
Để giải quyết vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến yêu cầu các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ, các địa phương và doanh nghiệp cùng nỗ lực hành động, kịp thời tháo gỡ khó khăn và chủ động thực hiện giải pháp nhằm nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm thủy sản của Việt Nam. Ổn định và tăng cường sản xuất, xuất khẩu thủy sản trong những tháng cuối năm, phấn đấu hoàn thành tốt chỉ tiêu, kế hoạch xuất khẩu thủy sản của cả năm nay.
>> Dự báo, xuất khẩu thủy sản Việt Nam 4 tháng cuối năm sẽ đạt khoảng 3,4 tỷ USD giảm 0,8% so cùng kỳ năm ngoái; kim ngạch xuất khẩu năm 2020 khoảng 8,3 tỷ USD giảm 3,9%. |