(TSVN) – Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 1539/QĐ-TTg phê duyệt Đề án mở rộng, thành lập mới các khu bảo tồn biển, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phục hồi các hệ sinh thái biển đến năm 2030, để đảm bảo diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt 6% diện tích tự nhiên vùng biển Việt Nam.
Theo nội dung Đề án, sẽ mở rộng diện tích, thành lập mới và quản lý hiệu quả 27 khu bảo tồn biển để đảm bảo đến năm 2030 tổng diện tích biển được bảo tồn đạt khoảng 0,463% diện tích tự nhiên vùng biển Việt Nam.
Cùng đó, quản lý hiệu quả 59 khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản và 63 khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn ở vùng biển, đảm bảo tổng diện tích khu vực được khoanh vùng bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ khu vực tập trung sinh sản, khu vực thủy sản còn non tập trung sinh sống của các loài thủy sản đạt khoảng 2,303% diện tích tự nhiên vùng biển Việt Nam.
Đến năm 2030, tổng diện tích biển được bảo tồn đạt khoảng 0,463% diện tích tự nhiên vùng biển Việt Nam. Ảnh minh họa
Xác lập được các khu vực áp dụng biện pháp bảo tồn hiệu quả khác để đảm bảo tổng diện tích khu vực biển được bảo tồn đạt khoảng 1,534% diện tích tự nhiên vùng biển Việt Nam.
Mở rộng diện tích, thành lập mới và quản lý hiệu quả các khu Ramsar, khu bảo tồn đất ngập nước, vùng đất ngập nước quan trọng ven biển để đảm bảo tổng diện tích các khu Ramsar, khu bảo tồn đất ngập nước, vùng đất ngập nước quan trọng ven biển đạt khoảng 1,5% diện tích tự nhiên vùng biển Việt Nam.
Nuôi cấy san hô, trồng cỏ biển, rừng ngập mặn nhằm tái tạo, phục hồi hệ sinh thái biển, tạo môi trường sống cho các loài thủy sinh; quản lý và bảo vệ tốt các hệ sinh thái biển, đảm bảo diện tích vùng biển được phục hồi và bảo tồn đạt khoảng 0,2% diện tích tự nhiên vùng biển Việt Nam.
Để thực hiện các mục tiêu này, Đề án đưa ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể: Điều chỉnh, mở rộng diện tích các khu bảo tồn biển, khu Ramsar, khu bảo tồn đất ngập nước ven biển đang hoạt động theo các quy hoạch đã được phê duyệt; Thành lập mới và mở rộng mạng lưới các khu bảo tồn biển, khu Ramsar, khu bảo tồn đất ngập nước ven biển theo các quy hoạch đã được phê duyệt; Xây dựng quy định và tổ chức quản lý các khu vực áp dụng biện pháp bảo tồn hiệu quả khác ở vùng biển Việt Nam.
Nuôi cấy san hô tạo môi trường sống cho các loài thủy sinh. Ảnh: Zing
Phục hồi các hệ sinh thái biển điển hình như hệ sinh thái san hô, cỏ biển, rừng ngập mặn. Trong đó, thực hiện nuôi cấy, trồng phục hồi san hô, cỏ biển, rừng ngập mặn và giám sát, đánh giá tại khu vực có các hệ sinh thái điển hình bị suy thoái ở vùng biển Việt Nam; Hình thành khu vực cư trú nhân tạo cho các loài thủy sản ở vùng biển. Đồng thời đánh giá khả năng lưu trữ các-bon của các hệ sinh thái biển điển hình như hệ sinh thái san hô, cỏ biển, rừng ngập mặn/hệ sinh thái đất ngập nước ven biển.
Thí điểm thực hiện các mô hình quản lý; mô hình đa dạng hóa sinh kế có sự tham gia của doanh nghiệp, cộng đồng tại một số khu vực biển được bảo tồn, bảo vệ và phục hồi; Tổ chức thực hiện đồng quản lý, mô hình quản lý có sự tham gia của cộng đồng trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo tồn đa dạng sinh học biển…
Bên cạnh đó, tích hợp cơ sở dữ liệu tổng thể về đa dạng sinh học biển, nguồn lợi thủy sản, môi trường, cơ chế chính sách, mô hình quản lý của các khu bảo tồn biển, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn, khu vực áp dụng biện pháp bảo tồn hiệu quả khác và khu phục hồi các hệ sinh thái biển ở vùng biển Việt Nam vào cơ sở dữ liệu thành phần về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; các khu Ramsar, khu bảo tồn đất ngập nước, vùng đất ngập nước quan trọng ven biển vào cơ sở dữ liệu biển, hải đảo Việt Nam.
Để thực hiện được các nhiệm vụ đặt ra, Đề án vào các giải pháp về cơ chế, chính sách và thực thi pháp luật, như: Rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật, cơ chế, chính sách về quản lý các khu vực biển được bảo tồn, bảo vệ và phục hồi; Xây dựng chính sách chuyển đổi nghề, tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng dân cư sống trong và xung quanh khu bảo tồn biển, ven biển; khu vực biển được bảo tồn, bảo vệ và phục hồi khác; Tổ chức phối hợp, tăng cường sự tham gia của các lực lượng chức năng (kiểm ngư, kiểm lâm, cảnh sát biển, bộ đội biên phòng…) thực hiện tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn và xử lý vi phạm tại các khu vực biển được bảo vệ, bảo tồn và phục hồi…
Huy động các tổ chức xã hội – nghề nghiệp tham gia các hoạt động tuyên truyền thông qua các hình thức phù hợp với văn hóa, tập quán, điều kiện của địa phương, từng bước nâng cao nhận thức cho cộng đồng cư dân; khuyến khích người dân chủ động, tự giác tham gia công tác bảo tồn biển, bảo vệ hệ sinh thái biển, hệ sinh thái đất ngập nước ven biển, bảo vệ nguồn lợi thủy sản; Kiện toàn, nâng cao năng lực hệ thống cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức của các ban quản lý khu bảo tồn biển, khu Ramsar, khu bảo tồn đất ngập nước ven biển theo hướng thống nhất, đồng bộ; Tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao lĩnh vực bảo tồn, bảo vệ, phục hồi và phát triển hệ sinh thái biển…
Xây dựng và triển khai có hiệu quả các dự án điều tra, nghiên cứu khoa học làm cơ sở xác định các khu vực có tiềm năng đa dạng sinh học để đề xuất các mô hình quản lý phù hợp, hiệu quả.
Triển khai các nghiên cứu khoa học về các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm, đề xuất biện pháp quản lý, bảo tồn phù hợp; nghiên cứu lượng giá giá trị kinh tế của các hệ sinh thái biển, hệ sinh thái đất ngập nước ven biển làm cơ sở tính mức thu phí dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên.
Ứng dụng công nghệ số, công nghệ vệ tinh, viễn thám trong công tác quản lý, giám sát các hành vi vi phạm pháp luật tại các khu vực biển được bảo tồn, bảo vệ và phục hồi.
Tăng cường hợp tác quốc tế, thu hút các nguồn tài trợ về tài chính và kỹ thuật trong công tác tuyên truyền, nghiên cứu khoa học, đào tạo về bảo tồn, bảo vệ và phục hồi hệ sinh thái biển; trao đổi thông tin và phối hợp xây dựng các khu bảo tồn biển, khu bảo tồn đất ngập nước ven biển liên quốc gia với các nước trong khu vực phù hợp với quy định của pháp luật.
Đồng thời huy động sự tham gia của cộng đồng, doanh nghiệp đầu tư tài chính, thực hiện các mô hình xã hội hoá cho hoạt động bảo tồn, bảo vệ và phục hồi hệ sinh thái biển; phát triển sinh kế bền vững cho cộng đồng, đặc biệt là người dân sinh sống trong và xung quanh các khu bảo tồn biển, khu Ramsar, khu bảo tồn đất ngập nước ven biển…
Hồng Hà