(TSVN) – Trong một thử nghiệm mới đây cho thấy, các chương trình nhân giống chọn lọc có thể giúp lai tạo giống cá rô phi kháng Streptococcus, từ đó cải thiện đáng kể hiệu quả kinh tế ở cả hai hình thức nuôi ao và lồng.
Nhiễm khuẩn liên cầu khuẩn là một trong những bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến nghề nuôi cá rô phi trên toàn thế giới. Bệnh làm giảm tỷ lệ sống, chất lượng sản phẩm và lợi nhuận. Ở hầu hết các nước trên thế giới, để kiểm soát bệnh này thì biện pháp hiệu quả nhất mà người nuôi có thể làm là thực hiện tốt quá trình quản lý chăm sóc, chẳng hạn như giảm lượng thức ăn, thay nước và tăng cường sục khí. Ngoài ra, người nuôi cũng có thể sử dụng kháng sinh để điều trị bệnh. Tuy nhiên, số lượng thuốc kháng sinh tiêu diệt được vi khuẩn là rất hạn chế. Cùng đó, việc lạm dụng kháng sinh để kiểm soát dịch bệnh thủy sản đang là mối lo ngại ngày càng tăng của các cơ quan thú y và y tế công cộng do có nguy cơ gia tăng sự kháng thuốc của vi khuẩn.
Giống cá rô phi kháng Streptococcus. Ảnh: Genomar
Ứng dụng công nghệ di truyền để chọn tạo giống vật nuôi có khả năng kháng bệnh là một phương pháp mới đầy hứa hẹn, đã được chứng minh là hiệu quả trên các loài động vật và thủy sản khác. Trong đó, đối với trường hợp nhân giống chọn lọc giống cá rô phi kháng Streptococcus sẽ có những ưu điểm sau:
Có thể tiếp cận với người nuôi ở mọi quy mô và không có rào cản đối với việc áp dụng.
Kéo dài suốt vòng đời của cá và lợi ích di truyền về sức đề kháng được tích lũy qua các thế hệ lai tạo.
Không tốn chi phí quản lý vì những thay đổi đã được thực hiện từ trong bộ gen của cá.
Marina Delphino, Giám đốc sức khỏe và phúc lợi cá tại Tập đoàn GenoMar Genetics cho biết: “Giống cá kháng bệnh sẽ góp phần tăng tỷ lệ sống, tăng hiệu quả sử dụng thức ăn và tăng trưởng tốt hơn, dẫn đến lợi nhuận ròng cao hơn”.
Sau 5 năm nghiên cứu phát triển và thử nghiệm thực địa, GenoMar Genetics đã tung ra thị trường châu Á vào đầu năm 2021 giống cá rô phi kháng khuẩn Streptococcus, với tên gọi GenoMar Strong. Khả năng bảo vệ chống lại Streptococcus được ghi nhận là 30 – 35% RPS (tỷ lệ sống tương đối) đã được sử dụng trong một phân tích hòa vốn kinh tế. Kết quả cho thấy giống cá rô phi kháng Streptococcus mang lại lợi nhuận cho người nuôi trong cả hai hình thức nuôi trong ao và lồng bè.
Rajesh Joshi, nghiên cứu cấp cao của GenoMar Genetics cho biết: “Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá kinh tế này sẽ giúp người nuôi nhận thấy được hiệu quả kinh tế của việc sử dụng giống cá rô phi đã được chọn lọc di truyền để sản xuất”. Chi phí mua giống cá rô phi kháng Streptococcus cao hơn so giá cá giống tiêu chuẩn do chi phí cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) và định hình (đo lường các đặc điểm vật lý quan sát) cao hơn. Tuy nhiên, các thử nghiệm thực địa cũng đã có thấy, hiệu quả kinh tế khi sử dụng giống cá này sẽ cao hơn đáng kể trong cả hình thức nuôi ao và lồng khi có dịch bệnh Streptococcus. Ngay cả khi tỷ lệ chết do Streptococcus thấp (1 – 5%), lợi nhuận ròng vẫn nghiêng về giống cá kháng Streptococcus.
“Hiệu quả kinh tế trực tiếp và chi phí nuôi cá rô phi kháng bệnh Streptococcus là điều quan trọng mà người nuôi phải cân nhắc. Tuy nhiên, cũng có những lợi ích xã hội và môi trường của việc sử dụng giống cá này – chẳng hạn như cải thiện khả năng phục hồi tổng thể của cá, giảm sử dụng thuốc kháng sinh, giảm thiểu việc tạo ra chất thải gây tử vong và hiệu quả sử dụng tài nguyên cao hơn. Tất cả những lợi ích này sẽ hỗ trợ sự phát triển của chuỗi giá trị NTTS bền vững hơn”, Alejandro Tola Alvarez, Giám đốc điều hành của GenoMar Genetics chia sẻ.
Thái Thuận
Theo Genomar