Sáu tháng đầu năm, con tôm gặp rất nhiều bất lợi cả trong nuôi trồng và xuất khẩu, tất cả đều giảm sút so với thời điểm cuối năm ngoái. Để đạt được kỳ vọng, ngành tôm cần nhiều giải pháp.
Nỗi lo dịch bệnh
Cục Thú y cho biết, đến nay, cả nước có hơn 17.300 ha nuôi tôm bị thiệt hại, giảm hơn 15.000 ha so cùng kỳ năm trước; tập trung nhiều tại diện tích nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh với hơn 12.000 ha; quảng canh cải tiến và tôm – lúa hơn 5.300 ha, với 2 bệnh chính đốm trắng và hoại tử gan tụy. Trong đó, bệnh đốm trắng với trên 3.800 ha (TTCT hơn 1.300 ha, tôm sú hơn 2.500 ha), chiếm gần 6% diện tích thả nuôi; hoại tử gan tụy có chiều hướng tăng, với hơn 2.300 ha TTCT và hơn 2.300 ha tôm sú nhiễm bệnh.
Khó khăn trong nuôi trồng đã dẫn đến tình trạng thiếu tôm nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu. Nguyên nhân là do tôm nuôi vẫn xuất hiện dịch bệnh cùng với chi phí đầu vào trong sản xuất tôm cao nên người dân chưa dám mạnh dạn thả nuôi. Mặt khác, những tác động bất lợi từ thị trường xuất khẩu, khi các nước trong khu vực đã phục hồi sản xuất, sản lượng tôm vào vụ tăng cao; giảm giá cạnh tranh khiến giá tôm nguyên liệu trong nước giảm 20 – 30% so cùng kỳ năm ngoái.
Người nuôi tôm vẫn còn nhiều nỗi lo – Ảnh: Phan Thanh Cường
Bất lợi xuất khẩu
Sáu tháng đầu năm, xuất khẩu tôm đạt 1,3 tỷ USD, giảm 28% so cùng kỳ năm 2014. Thị trường nhập khẩu tôm của Việt Nam chủ yếu hiện nay là Mỹ, chiếm 20,6%, EU 18%, Nhật Bản 18,4%, Trung Quốc và Hồng Kông 13,3%, Hàn Quốc 8,7%, các thị trường khác 20,6%. Tuy nhiên, tôm nguyên liệu sản xuất trong nước có giá thành cao hơn các nước trong khu vực nên con tôm Việt Nam giảm sức cạnh tranh về giá trên các thị trường. Song song đó, các doanh nghiệp chế biến trong nước vẫn sử dụng nguyên liệu nhập khẩu (chiếm khoảng 15%) cũng là yếu tố cạnh tranh đáng kể đối với sản xuất tôm trong nước.
Theo Bộ NN&PTNT, một trong những nguyên nhân làm cho thị trường xuất khẩu tôm gặp khó là các loại rào cản kỹ thuật, thuế quan, phi thuế quan còn nhiều. Với thị trường Mỹ, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang bị đánh thuế chống bán phá giá. Xuất khẩu sang thị trường khác như: EU, ASEAN, Trung Quốc, Mỹ Latinh khó khăn do biến động tỉ giá…
Cần cú hích mới
Từ nay đến cuối năm, theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Phạm Anh Tuấn, ngành tôm vẫn có thể lấy lại đà tăng trưởng, bởi thời gian tới nguồn tôm bố mẹ sẽ bớt phụ thuộc nhập (với dự báo sẽ giảm được 30% tổng nguồn tôm bố mẹ, do các công ty trong nước sản xuất cùng một số dòng tôm bố mẹ khác từ chương trình sản xuất tôm bố mẹ của Bộ NN&PTNT). Về sản xuất, tới đây có thể thúc thêm tỷ lệ thả giống do thời tiết thuận hơn, các mô hình nuôi tôm công nghệ cao cũng đang vào guồng. Đặc biệt, mô hình kết hợp tôm – lúa ở ĐBSCL cần có chương trình để đẩy nhanh diện tích, bởi đây là hình thức nuôi rủi ro ít, năng suất cao. Hiện, diện tích tôm – lúa ở ĐBSCL mới chỉ khoảng 200.000 ha, năng suất 100 – 150 kg/ha nên điều kiện để nâng năng suất lên trung bình 200 kg/ha hoàn toàn khả thi. Đối tượng nuôi kết hợp tôm – lúa hiện đa phần là tôm sú, trong khi thị trường tôm sú thế giới hiện chỉ còn vài nước tham gia, vì vậy Việt Nam rất có ưu thế cạnh tranh. Do vậy, mở rộng và thâm canh tôm – lúa chắc chắn tạo đột phá cho ngành tôm thời gian tới.
>> Thống kê của Bộ NN&PTNT, 6 tháng đầu năm nay nuôi tôm vẫn chưa hết khó khăn. Diện tích tôm nuôi giảm 2,5% (còn 602.300 ha), kéo theo sản lượng giảm, chỉ còn 236.000 tấn. |