Tảo độc (hay còn gọi là thủy triều đỏ) có thể làm cạn kiệt ô xy trong nước gây chết cho động vật thủy sản. Hải Phòng là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của tảo độc
Đây là kết quả nghiên cứu mới nhất vừa được Viện Nghiên cứu hải sản công bố sau khi thực hiện đề tài “Nghiên cứu nguy cơ bùng phát và đề xuất giải pháp phòng, tránh, giảm thiểu tác hại của thủy triều đỏ tại khu vực ven biển Hải Phòng”.
Sau khi phát hiện hiện tượng thủy triều đỏ xảy ra tại khu vực ven biển Đồ Sơn – Cát Bà, Hải Phòng, TS. Nguyễn Văn Nguyên, Viện Nghiên cứu hải sản đã tổ chức khảo sát trên diện rộng khu vực ven biển Hải Phòng nhằm đánh giá quy mô và động cơ bùng phát của đợt thủy triều đỏ này. Theo nhóm nghiên cứu, từ cuối tháng 3 đến nay, loài tảo này bùng phát với mật độ cao, tạo ra các váng nước nổi trên bề mặt. Lớp váng có màu từ hồng nhạt đến đỏ tùy thuộc vào mật độ và giai đoạn phát triển của tảo. Do tế bào tảo N. scintillans khá lớn (đến 1mm) và có hình dạng giống trứng cá nên nhiều người còn nhầm lẫn là trứng cá, trứng sứa.
Nhóm nghiên cứu lấy mẫu tảo độc tại Cát Bà, Hải Phòng, ảnh: Viện Nghiên cứu hải sản
Khảo sát diện rộng của Viện cho thấy, quy mô đợt thủy triều đỏ này khá lớn. Tại khu vực phía đông đảo Cát Bà, chúng tạo những dải thủy triều đỏ kéo dài hàng km. Do tương tác thủy triều và dòng chảy, một số khối nước mang theo thủy triều đỏ trôi dạt và lưu lại vùng ven bờ, vịnh kín yên tĩnh, nơi chúng có điều kiện tiếp tục gia tăng về mật độ, tạo các lớp váng dày đặc. Đây là lý do xuất hiện các dải thủy triều đỏ đậm đặc tại một số vũng, áng, âu thuyền ven đảo Cát Bà và Đồ Sơn.
TS Nguyễn Văn Nguyên cho biết, Noctiluca scintillans không sinh độc tố nên không có nguy cơ gây ngộ độc độc tố cho người hay động vật thủy sản. Tuy nhiên, chúng có khả năng tích tụ ammoniac với hàm lượng cao rồi giải phóng vào môi trường nước. Mật độ cao của chúng còn gây tình trạng cạn kiệt ô xy trong vực nước. Sự kết hợp của hai yếu tố này có thể gây chết cho động vật thủy sản.
Nhóm nghiên cứu cũng cảnh báo, diễn biến của thủy triều đỏ còn phức tạp, cần theo dõi sát tình hình và đề phòng những tác động tiêu cực đến nuôi thủy sản, nhất là khu vực nuôi cá lồng tập trung trong các âu, vịnh kín. Trong trường hợp bị dải thủy triều đỏ đậm đặc bao phủ các hộ nuôi cá lồng bè nên chủ động hạ thấp lồng để tạo không gian cho cá tránh lớp nước thủy triều đỏ (chỉ 3-5cm tầng mặt).
Theo TS Nguyễn Ngọc Lâm, Trưởng Phòng Sinh vật phù du biển, Viện Hải dương học (Nha Trang), hiện tượng thủy triều đỏ xuất hiện trước hết là do môi trường bị ô nhiễm, nguồn nước biển bị phú dưỡng tạo điều kiện cho tảo độc sinh sôi, phát triển. Ngoài ra, cũng còn rất nhiều nguyên nhân khác nữa chưa được xác thực. Do vậy, cần phải nghiên cứu sâu để tìm ra các nguyên nhân và giải pháp khắc phục.
“Hiện Hải Phòng là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của loài tảo độc hại. Bên cạnh đó, Bình Thuận hàng năm cũng chịu ảnh hưởng nặng nề từ loài tảo này nhưng vẫn chưa tìm được giải pháp hữu hiệu”, TS Lâm nói.
Bích Ngọc
Theo Đât Việt