(TSVN) – Sáng ngày 24/7, Hiệp hội Thủy sản Bình Định phối hợp với Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) tổ chức lớp tập huấn cứu hộ rùa biển cho 40 thành viên tổ chức cộng đồng (TCCĐ) bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở 4 xã/phường Nhơn Hải, Nhơn Lý, Nhơn Châu và Ghềnh Ráng.
Tại lớp tập huấn thành viên cộng đồng được nghe chuyên gia IUCN giới thiệu về hiện trạng bảo tồn rùa biển, thú biển và môi trường biển ở Việt Nam; một số đặc trưng sinh học, sinh sản của rùa biển; phương pháp bảo vệ, cứu hộ rùa biển và trứng rùa biển; thực hành cứu hộ rùa biển, đào ổ rùa và di dời trứng rùa biển.
Bà Bùi Thị Thu Hiền, chuyên gia IUCN chia sẻ tại lớp tập huấn. Ảnh: ÁI TRINH
Ông Chu Thế Cường, chuyên gia bảo tồn rùa biển của IUCN cho biết có 3 nguyên nhân chính dẫn đến trứng bị thối, không nở được là do trứng không được thụ tinh; thụ tinh nhưng phôi không phát triển do di dời; ảnh hưởng của môi trường. Qua đào, kiểm tra thực tế ổ trứng thứ 2 đã nở, ông xác nhận phần lớn các trứng hỏng đều có phôi bên trong phát triển được 30-40 ngày, có trứng gần nở nhưng phôi bị chết, có thể do nhiệt độ môi trường quá cao. Vì nếu trứng hỏng do di dời thì phôi sẽ không phát triển ngay những ngày đầu. Đồng thời nhiệt độ cũng ảnh hưởng đến giới tính của rùa biển, nhiệt độ cao, rùa nở sớm khoảng 7 tuần thì 100% là rùa cái; nhiệt độ phù hợp 8 tuần rùa nở thì tỉ lệ đực cái là ngang nhau 50%.
Các học viên thực hành đào ổ trứng rùa. Ảnh: ÁI TRINH
Ông khuyến cáo các Tổ chức cộng đồng nên phủ thêm bạt trên ổ rùa vào những ngày nắng nóng để bảo vệ ổ trứng rùa; khi rùa con nở trên mặt cát thì nhanh nhất cho rùa con tự bò ra biển.
Là đơn vị đặt nền móng cho công tác bảo tồn rùa biển tại Bình Định 10 năm về trước, bà Bùi Thị Thu Hiền, điều phối viên Chương trình Tài nguyên biển và vùng bờ, IUCN tại Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực của các TCCĐ trong hoạt động bảo tồn rùa biển và sự thay đổi mạnh mẽ ý thức của người dân chung tay bảo tồn rùa biển.
Mục tiêu của lớp tập huấn nhằm giúp các TCCĐ quản lý, bảo tồn bãi đẻ rùa biển ngày càng hiệu quả hơn.
Ái Trinh