Đúng là chợ cá đồng thứ thiệt miền Tây và có cái tên nghe lúc nào cũng rất tết: chợ cá đồng Trường Xuân! Cái chợ tọa lạc ở thị tứ nhỏ nhắn giữa Đồng Tháp Mười, mỗi ngày đón nhận hàng tấn cá từ đồng trong đồng ngoài, miệt dưới xóm trên, kinh ngang kinh dọc đổ về họp chợ. Nó gợi nhớ những phiên chợ đầy ắp sản vật ruộng đồng sông nước, tưởng đã mãi mãi đi vào ký ức…
Ai đi chợ cá mà coi
Ở chợ cá đồng Trường Xuân, chúng tôi phát hiện ba nét lạ: chợ họp từ giữa ngọ đến chiều tối; người bán cá đi ghe xuồng, vỏ lãi, người mua đi xe tải có dàn ôxy sủi bọt đều đều, xe gắn máy cồng kềnh can lớn can nhỏ; người ta làm giá cá theo con nước lên đồng. Và đừng bao giờ bạn hỏi “cá đồng hay cá nuôi” nơi này, sẽ bị “quê một cục” đó.
Bến chợ cá Trường Xuân tấp nập ghe xuồng.
Vượt qua các loại cá đồng khác, “nàng” cá chạch gần như chiếm lĩnh về số lượng và độ “hot” ở thời điểm này. Được chờ đợi nhất bởi không chỉ mùa đánh bắt nhiều, mà “hoa hậu” cá chạch không thể thiếu trong thực đơn ngày tết.
Hút hàng, cá được “săn” ráo riết, nên khi chị Tư Khanh vừa xách giỏ cá từ vỏ lãi bước lên, hàng chục thương lái lao tới… giành giật. Chị hét giá “tám chục ngàn một ký à”, có gã búng tay “thách quá vậy bà”, kẻ khác giật phắt cái giỏ đi te te “tui mua hết”.
Cảnh tranh mua tranh bán là thường ngày… ở chợ! Nhưng nét mộc mạc và chân quê dường như vẫn bám chặt những bạn hàng cá như cây sen, cây súng bám chặt vùng đất Đồng Tháp Mười.
Ở đằng kia, một nhóm phụ nữ tranh mua mớ tép rong, ai nấy lao vào hốt lấy hốt để, có người được ký rưỡi, người hai, ba ký.
Một chị lao vào bưng cả thúng tép nhảy soi sói: “Thôi thôi, hốt hết của tui” và đặt lên bàn cân: 6,8kg. Nhiều người bị “hớt tay trên” chỉ còn nhìn bắt thèm. Thật đắt như… tép tươi, con tép rong ngày trước đầy rẫy ở ruộng đồng, giờ thành đặc sản hiếm! Cua đồng cũng lên hương, hiện chỉ 7.000- 8.000đ/kg, nhưng “qua mùa Đông Xuân, giá lên chót vót, 40.000 đ/kg hổng có mà mua”.
Càng về chiều, ghe xuồng càng tấp nập bến chợ. Phía bờ đã có hàng chục xe gắn máy đậu kín khu chợ chực chờ lấy hàng, nhìn biển số xe có thể biết chủ nhân đến từ đâu. 63 (Tiền Giang), được cho là “ăn cá” mạnh nhất, 66 (Đồng Tháp), 62 (Long An), cả 64 (Vĩnh Long) cũng bon chen.
Tại đây, có khoảng 20 vựa cá lớn thu mua tại chỗ, còn hàng chục thương lái “di động” thu gom cá tận khắp các đồng gần đồng xa khu vực Đồng Tháp Mười, rồi bạn hàng “bổ cá” đi khắp các tỉnh đồng bằng và lên TP Hồ Chí Minh. Chợ cũng là nơi những người nông dân chân đất đem sản vật của mình ra chợ bán.
Anh Nguyễn Văn Be ở trong Kinh Điều (Tháp Mười, Đồng Tháp) vừa đổ mớ cá “thập cẩm” ra rổ xúc: mè vinh, lóc, trê, rô phi… đã có người nhào tới hỏi “mua hay bán”, “bán”, “60” (60.000 đ/kg- PV), “58 lấy hết”, anh Be lắc đầu, 60 mới bán.
Định để dành mấy con rô phi chiều về kho với trái giác, nhưng có người hỏi mua, anh bán luôn 30.000đ. Cạnh đó, chú Năm Phuy bán giỏ lươn đặt trúm vàng in như nghệ. Cô Tư Hậu “quá giang” mớ bông súng, so đũa “nấu canh chua hết sẩy à nghen”.
Cá đồng nhiều không dứt
Đã qua mùa cá nước nổi, “mùa nhộn nhịp nhất, chợ họp thâu đêm suốt sáng, chợ tiêu thụ cả chục tấn cá đồng một ngày”- anh Ngô Văn Vĩnh- cán bộ xã Trường Xuân nói. Và như một cách tiếp thị: “Mùa cá ra cũng hết rồi. Là mùa cá ruộng dồn xuống bào, ra kinh, theo nước ra sông. Các loại cá đen: lóc, rô, trê, chạch… về đầy nhóc chợ”.
Theo anh, trung bình mỗi ngày có 5- 6 tấn cá được tiêu thụ tại chợ, cá gì cũng có, nhiều nhất là cá lóc, trê, chạch, rô, chèn, thát lát, đến tôm, cua, rắn, lươn… Theo mùa, chợ có những “món độc” riêng.
Vào mùa nước nổi, cá về chợ nườm nượp, mua bán cả ngày lẫn đêm, cá linh “nhiều vô số kể”. Bây giờ, đang mùa cá- mà người dân vui vẻ nói trại thành “bắc kinh” kiểu như “cua Bắc Kinh”, “cá Bắc Kinh”… rồi cười phá lên “là con cua đồng, con cá đồng bắt dưới kinh lên đó!”
Gần tết, chợ lại đón cá lóc, trê tát đìa ăn tết sớm và qua tết mới là cuộc “đổ bộ” thật sự của các loại cá đìa, ao có thêm cá rô, sặt rằn… Rồi khi mưa đầu mùa rớt hột sẽ mang những luồng cá sông mới từ thượng nguồn tuôn chảy về.
Những dòng kinh cung cấp nguồn cá đồng lớn, nhưng không phải bất tận.
Cá bắt kinh nên con nào con nấy tươi roi rói, quãy đành đạch từ bến sông lên chợ. Anh Ba Phú- thương lái từ Mộc Hóa, chào bán mấy thùng cá lóc đồng đen trũi, nói: “Tui mua cá miệt Tam Nông đã chục năm nay. Từ sáng sớm đã nổ máy len lỏi vô đồng thu gom, tới nóng lưng mới quày đầu ra chợ để kịp cân bạn hàng”.
Thím Hai Ninh ở Cao Lãnh (Đồng Tháp) xuống tận ghe lựa cá, khệ nệ bưng rổ xúc cá trê vàng mua được vui mừng: “Giá 58.000 đ/kg hà chú ơi. Nhiêu đây nữa là đủ thùng về rồi nghen”.
Ở góc chợ kia, anh Lê Văn Lợi chuyên thu mua cá sặt giá chỉ 8.000-9.000 đ/kg, bỏ cho các cơ sở làm mắm, mỗi ngày mua vài trăm ký cá, bỏ túi vài trăm ngàn đồng ngon ơ…
Lớp lớp ghe xuồng chen vào bến chợ, họ đến từ miệt dưới Cái Bè, Cai Lậy (Tiền Giang), miệt trên Cao Lãnh, Thanh Bình, Tam Nông (Đồng Tháp) hay từ Tân Thạnh, Mộc Hóa (Long An) vừa cập bến.
Qua hệ thống kinh chằng chịt, mà dài nhất, lớn nhất Đồng Tháp Mười Dương Văn Dương, cùng các tuyến kinh: Nguyễn Văn Tiếp, Phước Xuyên, Tư Mới, An Long- Đồng Tiến.
Những tuyến kinh ngút tầm nhìn, những cánh đồng bạt ngàn như đảm bảo nguồn cá tôm “không dứt” cho Đồng Tháp Mười, cho chợ cá đồng Trường Xuân. “Thấy cá nhiều vậy chứ hổng phải vậy, cá càng ngày càng ít đi rồi!” Nghe anh Ba Phú nói vậy, nhiều lão nông tri điền mà chúng tôi bắt gặp ngay giữa chợ cá đầy ắp hôm nay cũng chợt trầm tư: “Phải lắm!”
Dù rất bận rộn với việc sắp xếp xe cộ, giữ trật tự khu chợ nhưng anh Nguyễn Văn Dũng- nhân viên quản lý chợ, một mực đòi nướng con khô cá lóc quảng cáo sản phẩm với khách đường xa. Và tự hào ra mặt: “Chợ tui không khi nào hết cá. Không có cá thì không có chợ Trường Xuân. Cá ở chợ lúc nào cũng nhiều không dứt”.