(TSVN) – Thái Bình có hệ thống sông ngòi nhiều, nguồn nước dồi dào… thuận lợi cho phát triển nghề nuôi cá lồng. Nghề nuôi cá lồng trên sông tại tỉnh đang có những tín hiệu tích cực.
Theo Cục Thống kê Thái Bình, hết năm 2020 toàn tỉnh có 54 hộ nuôi cá lồng với 698 lồng, thể tích đạt 80.582 m3, tăng 114 lồng so với cùng kỳ năm trước; tập trung ở các huyện: Quỳnh Phụ, Hưng Hà và Vũ Thư. Sản lượng năm 2020 ước đạt gần 2.500 tấn. Đối tượng nuôi đa dạng, từ các loại cá truyền thống như trắm, chép, diêu hồng… đến những loại đặc sản như cá lăng, trắm đen… Các mô hình nuôi cá lồng trên sông cho năng suất cao hơn so với nuôi cá thâm canh trong ao đất, đạt từ 4 – 6 tấn/lồng.
Ông Nguyễn Văn Đình, xã Điệp Nông (huyện Hưng Hà) cho biết, năm 2014, tôi đầu tư 15 lồng, nuôi cá trắm cỏ, cá diêu hồng… Với chất lượng nước tốt và lưu tốc dòng nước sông Luộc thuận lợi, nuôi cá lồng trên sông mang lại hiệu quả kinh tế cao, năng suất cao gấp 4 – 5 lần nuôi trong ao truyền thống.
Còn ông Vũ Ngọc Ba, thôn Bồ Trang, xã Quỳnh Ngọc (huyện Quỳnh Phụ) nuôi cá lồng từ năm 2013, tổng chi phí ban đầu cho 1 lồng từ 25 – 30 triệu đồng, thể tích đạt 108 m3/lồng. Do có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về cơ sở vật chất và kỹ thuật nên mô hình nuôi cá lồng của gia đình ông Ba luôn phát triển và cho thu nhập ổn định. Sau khi trừ chi phí đầu tư, mỗi lồng lãi từ 50 – 60 triệu đồng.
Theo quy hoạch phát triển nuôi cá lồng trên sông giai đoạn 2016 – 2020, định hướng 2025 được UBND tỉnh phê duyệt, Thái Bình sẽ phát triển nuôi cá lồng theo chiều dọc của 4 con sông: sông Hồng, sông Luộc, sông Hóa, sông Trà Lý; tại 28 khu vực thuộc 4 huyện: Hưng Hà, Đông Hưng, Vũ Thư, Quỳnh Phụ với số lượng có thể đạt 3.496 lồng.