Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản của Quản lý thị trường

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Nghị định số 38/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản (có hiệu lực thi hành từ ngày 20/5/2024), có quy định rõ thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản đối với lực lượng Quản lý thị trường.

Cụ thể:

Về thẩm quyền xử phạt

Tại Điều 51 của Nghị định trên quy định cụ thể về thẩm quyền của Quản lý thị trường như sau:

– Kiểm soát viên thị trường đang thi hành công vụ có quyền: Phạt tiền đến 500.000 đồng.

– Đội trưởng Đội Quản lý thị trường, Trưởng phòng Nghiệp vụ thuộc Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường có quyền: Phạt tiền đến 25.000.000 đồng; Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 2 lần mức tiền phạt quy định tại điểm a khoản này; Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, đ, e và g khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính và khoản 3 Điều 4 Nghị định này.

– Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường thuộc Tổng cục Quản lý thị trường có quyền: Phạt tiền đến 50.000.000 đồng; Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, d, đ, e và g khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính và khoản 3 Điều 4 Nghị định này.

– Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường có quyền: Phạt tiền đến 1.000.000.000 đồng; Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, d, đ, e và g khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính và khoản 3 Điều 4 Nghị định này.

Đồng thời, theo quy định tại Điều 45 Nghị định 38/2024/NĐ-CP, các chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực thủy sản của lực lượng Quản lý thị trường quy định tại Điều 51 nêu trên có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính.

Xử phạt một cơ sở kinh doanh thức ăn vi phạm quy định tại tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Cục QLTT Tiền Giang

Các trường hợp bị xử phạt

– Vi phạm quy định về xuất khẩu, nhập khẩu giống thủy sản (Điều 11);

– Vi phạm quy định về đặt tên giống thủy sản (Điều 12);

– Vi phạm quy định về thông tin thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản; lưu giữ, vận chuyển, giới thiệu thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản nhập khẩu để giới thiệu ở hội chợ, triển lãm (Điều 13);

– Vi phạm quy định về điều kiện cơ sở sản xuất, mua bán, nhập khẩu thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản (Điều 14);

– Vi phạm quy định về sản xuất, nhập khẩu, mua bán thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản (Khoản 2, 3, 4, 5 Điều 15): Hành vi không báo cáo hoặc không thông báo hoạt động sản xuất, nhập khẩu theo quy định (Khoản 2); Hành vi sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ để sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản (Khoản 3)Hành vi sản xuất, mua bán, nhập khẩu mỗi sản phẩm thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản có thành phần không thuộc Danh mục hóa chất, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, nguyên liệu sản xuất thức ăn được phép sử dụng trong nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam chưa được cấp phép theo quy định mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự (Khoản 4)Hành vi sản xuất, mua bán, nhập khẩu mỗi sản phẩm thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản thức ăn thủy sản có chứa thành phần thuộc Danh mục hóa chất, chế phẩm sinh học, vi sinh vật cấm sử dụng mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự (Khoản 5);

– Vi phạm quy định về nhập khẩu, xuất khẩu thủy sản sống (Điều 18);

– Vi phạm quy định về sử dụng điện để khai thác thủy sản (Khoản 2 Điều 28);

– Hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán công cụ kích điện để khai thác thủy sản (Khoản 2);

– Vi phạm quy định về nhập khẩu tàu cá (Điều 32);

– Vi phạm quy định về thu gom, mua bán, lưu giữ, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển thủy sản (Điều 41);

– Vi phạm quy định về nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu, quá cảnh đối với thủy sản có nguồn gốc từ khai thác, xuất khẩu, nhập khẩu thủy sản (Điều 42);

– Hành vi cản trở hoạt động quản lý nhà nước về thủy sản (Điều 43);

– Vi phạm quy định về giấy chứng nhận, xác nhận, giấy phép, văn bản cho phép, chứng chỉ được cấp và vi phạm khác trong lĩnh vực thủy sản (Khoản 1 Điều 44): Hành vi cố ý tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung các loại giấy chứng nhận, xác nhận, giấy phép, văn bản cho phép, chứng chỉ được cấp trong lĩnh vực thủy sản (Khoản 1).

Ngoài ra, đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản xảy ra trước khi Nghị định này có hiệu lực mà sau đó mới bị phát hiện hoặc đang xem xét, giải quyết mà Nghị định này không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn thì áp dụng quy định của Nghị định này. Đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã được ban hành hoặc đã được thi hành xong trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành mà cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính còn khiếu nại thì áp dụng quy định của Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản để giải quyết.

Hải Lý

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!