(Thủy sản Việt Nam) – Khi cái nắng chiều hè vẫn còn trong độ gay gắt nhất, bỏng rát nhất, họ đã phải lò dò nơi bãi biển mưu sinh đầy vất vả, hiểm nguy, miệt mài cho đến lúc ánh hoàng hôn chạm vào đáy mắt. Ngày nào cũng vậy, họ đổi sức khỏe và tính mạng của mình để lấy miếng cơm, manh áo…
Đó là những người phụ nữ tôi gặp trên biển thuộc xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
Mưu sinh
Người lái xe ôm chở tôi vượt lên ngọn đồi dẫn vào khu di tích chùa Hang trên đảo Lý Sơn, hình ảnh đầu tiên tôi nhìn thấy không phải là tượng phật bà, không phải những cảnh đẹp của biển mà là những dáng người lom khom trên bãi biển phía trước chùa.
Phóng tầm mắt nhìn ra bãi biển, hàng trăm người phụ nữ với những bao tải trắng bên cạnh đang cần mẫn với công việc của mình. Không nén nổi sự tò mò và chút xao động, tôi bước lại phía họ. Bỏ đôi giày ra, bàn chân tôi ngay lập tức bị những mảnh san hô, những vỏ ốc sắc nhọn cứa vào, nước biển thấm vào da thịt rất xót.
Đi một đoạn khá dài, tôi gặp những khuôn mặt đầy mồ hôi dưới cái nắng chiều đầu hè. Dừng lại chỗ hai mẹ con chị Võ Thị Đây và cô con gái Lê Thị Huệ, tôi bắt đầu câu chuyện. Thì ra cái mà những người phụ nữ ra đây hàng chiều để hái là một loại rau mà dân bản địa gọi là rau đông. Loại rau này được bán cho các cơ sở chế biến làm thực phẩm giải khát.
Với một con dao, một bao tải cùng với bao tay, ủng bảo hộ, mỗi người bắt đầu cuộc mưu sinh của mình từ lúc 2 giờ chiều cho đến gần 7 giờ tối. Gạt những giọt mồ hôi lăn nhanh dần trên má, chị Võ Thị Đây cho biết: “Làm cả buổi chiều được khoảng 10 ký hoặc hơn chút nữa anh ạ. Theo giá thị trường bây giờ, mỗi ký người ta mua 5 nghìn đồng. Cao nhất có hôm được 8 chục nghìn là thấy mừng rồi. Hồi trước ít người đi hái nên cũng khá. Giờ anh thấy đó, cả hơn trăm người quây lại một quãng biển như thế này, rau nào mà mọc cho kịp”.
Vừa nói, đôi bàn tay chị vừa thoăn thoắt đưa dao lách qua từng mỏm đá để cắt rau. Những cây rau đông không phải như cỏ mọc trên đất, chỉ cần nhổ hoặc ngắt là được. Nó rất dai và bám sâu vào những tảng đá, những thân ốc trên bãi biển. Nhiều khi phải cắt khá lâu và khéo léo mới lấy được. Bởi thế, đâu dễ mà có được vài ký.
Cô bé Lê Thị Huệ khá e thẹn khi thấy người lạ bắt chuyện, ngập ngừng khá lâu mới trả lời những câu hỏi của tôi. Năm nay, Huệ lớp 9, tranh thủ theo mẹ ra biển hái rau để mua thêm sách vở, quần áo. Cô bé phân trần, giờ này ở nhà cháu cũng không biết làm gì, đi làm tuy có mệt nhưng vui, mỗi ngày cháu cũng kiếm được vài chục ngàn đồng đỡ đần cho ba mẹ.
Tôi mỉm cười. Người dân Lý Sơn từ một đứa trẻ cho đến người già, họ đều hồn nhiên, chất phác và chân thật đến thế.
Hiểm nguy rình rập
Ở bãi biển này, thiên nhiên ban tặng cho con người những lớp rau đông dày nối dài. Nhưng ác một nỗi, loại rau này thường mọc trên những lớp san hô sắc nhọn, những đám vỏ ốc có thể ghim sâu vào cơ thể người cắt rau ngay khi vừa chạm đến. Bởi vậy, người cắt rau đông cho dù cẩn thận đến mấy cũng không ít lần tay chân bị trầy xước, bị cắt chảy máu. Ủng và bao tay cũng chỉ ngăn được phần nào. Nhưng không phải ai cũng có tiền để trang bị dụng cụ bảo hộ lao động đó. “Rồi cũng kệ. Có bị rách da, chảy máu thì vài bữa cũng lành thôi. Nước biển vốn là loại thuốc sát trùng mạnh nhất mà. Bọn tôi ở đây quen rồi”, chị Đây vừa nói vừa giơ hái bàn tay đã nhiều vết cắt, vết trầy xước cho tôi xem.
Càng về chiều, trời càng mát, lại càng ham. Ban đầu là ở sát bờ, sau ra xa dần. Mà nước triều thì càng về chiều lại càng dâng lên cao. Nhiều người vẫn bám trụ lại khi đã 7 giờ tối. Lúc ấy, chỉ có lặn ngụp trong nước mà cắt. Nhưng, khi sức đã đổ xuống suốt cả buổi chiều, thì chỉ cần sóng biển xô mạnh là họ khó có thể trụ lại được. Mà phụ nữ vốn chân yếu tay mềm.
Một người bảo: “Gần mép nước có nhiều hố sâu, ít người ra nên thường cắt được nhiều rau. Cho dù nước lên cao, cũng chỉ quờ dao xuống là cắt được cả nắm. Nhưng nguy hiểm lắm. Chúng tôi phải đi thành nhóm, sát vào nhau. Nhưng cũng đã có vài người…”. Câu nói của người đàn bà xứ đảo đột nhiên bị bỏ lửng… Những người trong nhóm nhìn nhau, rồi im lặng nhìn ra phía biển xa. Tôi hiểu, đã có những cái giá không hề rẻ chút nào trả cho cuộc mưu sinh ở bãi biển An Hải này.
Vượt qua những khó khăn và cả những nguy hiểm cận kề, những người phụ nữ trên đảo Lý Sơn vẫn miệt mài trong những chiều hè, với những bao rau đông để mong cuộc sống bớt khổ hơn.
>> Trong điều kiện cư dân trên huyện đảo chủ yếu là trồng tỏi, trồng hành, đàn ông thì đi biển, những người phụ nữ này đã dùng thời gian nhàn rỗi của mình vào cuộc mưu sinh trên bãi biển này. Dáng họ trên biển chiều như những thân cò lặn lội, mòn mỏi để gieo những hạt mầm niềm tin.
Nguyễn Thành Giang