Môi trường xuống cấp, dịch bệnh hoành hành, giá thành sản xuất tăng cao, thiếu vốn… Trong khi nhu cầu tôm trên thế giới ngày càng giảm, cùng với những rào cản thương mại khiến ngành tôm đang phải đối diện nhiều bất lợi, rất cần những giải pháp hữu hiệu, kịp thời.
Sức ép từ nhiều phía
Trước tình trạng tôm chết hàng loạt mà chưa tìm được nguyên nhân, người nuôi tôm đang rất lo lắng, khi mọi nguồn vốn đầu tư nuôi tôm đều bị thua lỗ. Ông Nguyễn Văn Phong, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh nói, nuôi tôm vốn là thế mạnh của Trà Vinh những năm trước đây nhưng từ đầu năm đến nay toàn tỉnh đã có khoảng 9.000 ha tôm bị chết, thiệt hại gần 2.300 tỷ đồng. Nhiều nông dân tiếp tục thả nuôi lấp vụ gần 5.886 ha tôm, tôm vẫn chết tràn lan, ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển kinh tế toàn vùng.
Các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm Việt Nam cũng chung cảnh ngộ. Bởi diện tích nuôi tôm thu hẹp, tôm bị dịch bệnh nên nguồn tôm nguyên liệu cho các nhà máy bị giảm. Ông Hà Hữu Trí, Phó Giám đốc Công ty CP Thủy sản Sóc Trăng cho biết, diện tích tôm nuôi giảm mạnh, nhà máy không có tôm nguyên liệu nên có thời điểm Công ty phải nhập tôm nguyên liệu từ Thái Lan, Ấn Độ và các tỉnh bạn để duy trì sản xuất.
Người nuôi tôm đang phải đối mặt với nhiều khó khăn như môi trường, dịch bệnh, thiếu vốn… – Ảnh: Phan Thanh Cường
Nhiều nhà máy, doanh nghiệp cũng giảm năng suất; theo đó, nguồn lao động bị cắt giảm, thêm nhiều người dân bị thất nghiệp, đời sống càng khó khăn. Đặc biệt, việc xuất khẩu tôm đang gặp trở ngại lớn do rào cản thương mại; mới đây, phía Nhật Bản kiểm tra 100% lô hàng nhập khẩu tôm từ Việt Nam, nêu chỉ tiêu Ethoxyquin với mức dư lượng MRL không đổi là 0,01ppm. Tôm Việt Nam còn vấp phải sự cạnh tranh quyết liệt về giá so với tôm Indonesia, Ấn Độ.
Để phát triển bền vững…
Theo ông Hoàng Bắc Quốc (Trung tâm Đào tạo và Dịch vụ phía Nam, Hội Nghề cá Việt Nam), hiện, dịch bệnh trên tôm đã lan tràn trên diện rộng, xuất phát từ vấn đề kiểm tra chất lượng tôm giống chưa có hệ thống và thiếu bài bản; Việc quy hoạch vùng nuôi khép kín từ việc đưa nước vào tới việc xử lý nước thải đầu ra chưa được thực hiện nghiêm túc; Khi phát hiện dịch bệnh, các hộ nuôi không kịp thời thông báo, cùng đó là những bất lợi về thời tiết; kỹ thuật nuôi còn hạn chế; người nuôi tôm đã thiếu vốn lại không tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi…
Chủ tịch Hiệp Hội tôm Mỹ Thanh, ông Nguyễn Văn Nhiệm cho rằng, cần tập trung tìm nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng tôm chết cho người dân, xây dựng và củng cố lại hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng, xây dựng và hình thành các vùng nuôi tôm tập trung theo hướng an toàn sạch bệnh. Người dân đã cạn vốn vì tôm chết nhiều; ngân hàng cần có chính sách cho hoãn nợ và cho vay mới với lãi suất ưu đãi để người nuôi có vốn tiếp tục sản xuất. Về lâu dài, cần thường xuyên mở các lớp tập huấn, tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho các hộ nông dân về kỹ thuật nuôi và biện pháp phòng trừ bệnh cho tôm.
Ông Lê Ngọc Phước, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam cũng nhấn mạnh, cần kiểm tra, quản lý chặt chẽ hơn việc nhập tôm giống và tôm nguyên liệu, tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước trong mọi khâu của chuỗi giá trị sản phẩm, kịp thời có cơ chế chính sách phù hợp để thúc đẩy sản xuất và chế biến xuất khẩu tôm. Mặt khác, người nuôi tôm và các doanh nghiệp cần có biện pháp tự bảo vệ mình, như: nuôi theo quy hoạch, đảm bảo an toàn, tránh ô nhiễm môi trường; quản lý chặt các khâu trong quá trình sản xuất; thu mua con giống có chất lượng, nguồn gốc rõ ràng, đã được kiểm dịch. Bên cạnh đó, người nuôi và doanh nghiệp cần liên kết chặt chẽ trong quá trình bao tiêu sản phẩm, tránh tình trạng bị ép giá.
>> Hiện, diện tích tôm nuôi trong cả nước đạt 650.319 ha; trong đó diện tích tôm bị thiệt hại tới 75.608 ha, bằng 97% so cùng kỳ năm 2011, tập trung nhiều nhất tại các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau… |