Thanh Hóa: Bước ngoặt trong công tác dân số biển

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Thanh Hóa là một trong những tỉnh thực hiện Đề án 52 “Kiểm soát dân số các vùng biển, đảo và ven biển”. Tại địa phương này bước đầu đã có những chuyển biển tích cực trong công tác vận động dân số.

Thách thức từ địa bàn rộng, mật độ dân số cao

Thanh Hóa có khoảng 1,3 triệu người sống ở các vùng biển, đảo, trong đó phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ khoảng 356.765 người. Do vậy, việc triển khai Đề án 52 ở Thanh Hóa gặp không ít khó khăn và thách thức. Bởi, địa bàn dân cư vùng biển khá rộng gây hạn chế việc đi lại cho đối tượng; mật độ dân số cao, nhiều biến động, khiến cho công tác rà soát, cập nhật thống kê, lập danh sách các đối tượng rất phức tạp. Tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên của các xã đảo, ven biển cao hơn mức bình quân của cả nước. Tại xã Hoằng Trường (huyện Hoằng Hóa), năm 2008 có 148 ca sinh thì có 46 ca sinh con thứ 3, chiếm 30% tỷ lệ sinh. Điều đáng nói là quy mô dân số cao, nhưng chất lượng dân số ở khu vực này tỷ lệ nghịch. Tỷ suất chết mẹ mang thai ngoài ý muốn, mắc các bệnh viêm nhiễm đường sinh sản, bệnh lây qua đường tình dục còn cao. Số trẻ em sinh ra bị dị tật, dị dạng và thiểu năng trí tuệ rất đáng lo ngại… Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh của Thanh Hoá luôn tăng, 122 bé nam/100 bé nữ, cá biệt có huyện tỷ lệ này là 135/100. Nguyên nhân của những bất cập trên vẫn là do đặc thù lao động nghề biển; nhu cầu lao động nam giới cao, phải đi làm ăn xa nhà dài ngày, có nhiều rủi ro. Mặt khác, tâm lý, tập quán và nhận thức của người dân còn hạn chế, cần đông con, đặc biệt là con trai để vừa đi biển, vừa để “nối dõi tông đường”.

Tại Thanh Hóa, chất lượng đời sống của bà con ngư dân được nâng lên rõ rệt

Bên cạnh đó, việc tổ chức cung cấp dịch vụ CSSKSS – KHHGĐ thường xuyên cho nhân dân còn hạn chế. Cán bộ làm công tác y tế thiếu về số lượng, yếu về năng lực, chưa đáp ứng được nhu cầu. Công tác tuyên truyền, vận động chưa có chiều sâu, vì vậy chưa thay đổi được nhận thức của nhân dân vùng biển. Do vậy, việc triển khai Đề án 52 gặp rất nhiều khó khăn.

 

Đẩy mạnh công tác truyền thông

Sau khi Đề án 52 có hiệu lực, Sở Y tế Thanh Hóa đã ra Quyết định số 447 về việc thành lập Ban chỉ đạo Đề án. Ban chỉ đạo đã xây dựng kế hoạch hành động cụ thể nhằm tăng cường việc kiểm soát dân số vùng biển, đảo và ven biển, trong đó chú trọng đổi mới công tác truyền thông, vừa đa dạng về hình thức, vừa phong phú về nội dung. Cụ thể, cùng với việc xây dựng gần 500 pa nô tuyên truyền KHHGĐ; phát sóng các phóng sự, bản tin trên Đài PT – TH tỉnh; cấp phát gần 200 ngàn tờ rơi, phối hợp tổ chức tư vấn cho hàng nghìn lượt đối tượng kiến thức về chăm sóc SKSS-KHHGĐ; khám và điều trị phụ khoa cho hơn 99.550 lượt phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ; khám, kiểm tra sức khỏe cho 6.352 lượt trẻ em…

Việc tăng cường triển khai các hoạt động truyền thông của Đề án đã cơ bản giúp người dân vùng biển hiểu một cách sâu sắc trong việc giảm sinh, giảm sinh con thứ ba trở lên ở các vùng này. Công tác truyền thông đã thu hút một tỷ lệ khá cao các nhóm đối tượng tham gia. Nhiều đối tượng đã được cung cấp các kiến thức về giới, phụ nữ đã được cung cấp các dịch vụ CSSKSS – KHHGĐ, thuốc chữa bệnh và được tư vấn về làm mẹ an toàn… Công tác truyền thông ở cấp cơ sở lồng ghép vào các chương trình phát triển kinh tế, xây dựng câu lạc bộ dân số, sân khấu hóa các hình thức tuyên truyền… được người dân hưởng ứng cao.

Việc triển khai Đề án “Kiểm soát dân số vùng biển đảo, ven biển” của tỉnh đã và đang có những kết quả đáng ghi nhận. Chất lượng đời sống của bà con ngư dân được nâng lên rõ rệt, góp phần xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy sự phát triển kinh tế tỉnh.

 

Kết quả Đề án 52 ở một số huyện, thị xã của tỉnh Thanh Hóa

– Thị xã Sầm Sơn: có hơn 1.000 đối tượng được khám và điều trị phụ khoa, trên 680 đối tượng thực hiện soi tươi.

– Huyện Hoằng Hóa: 761 người tham gia khám phụ khoa, 433 người thực hiện điều trị, 138 người sử dụng vòng tránh thai, 236 người sử dụng bao cao su, 210 người sử dụng viên thuốc tránh thai.

– Huyện Nga Sơn: 254 người đặt vòng tránh thai, 78 người tiêm thuốc tránh thai, 3.323 người sử dụng bao cao su, 285 người sử dụng viên thuốc tránh thai, trên 1.000 phụ nữ được khám phụ khoa, 237 người được điều trị, trên 500 người được tiêm phòng uốn ván và nhận thuốc điều trị các bệnh viêm nhiễm đường sinh dục.

 

Giang Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!