Thanh Hóa: Thí điểm nhiều mô hình mới trong Đề án 52

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Triển khai Đề án 52, Chi cục DS – KHHGĐ tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện thí điểm nhiều mô hình chăm sóc SKSS/KHHGĐ mới, được ngư dân hết sức ủng hộ và tham gia. Các mô hình này bước đầu đem lại hiệu quả.

Vượt khó khăn

Thực hiện Đề án 52, Chi cục DS – KHHGĐ tỉnh Thanh Hóa đối mặt không ít những khó khăn, thách thức.

Vùng ven biển Thanh Hóa có mức tập trung dân cư đông với gần 1,3 triệu người, tỷ lệ mắc các bệnh phụ khoa cao, số phụ nữ mắc bệnh phụ khoa cần được điều trị theo kế hoạch phải đạt 72,57% (2010), 81,57% (năm 2015) và 96,14% vào năm 2020. Tuy nhiên, theo số liệu điều tra, hiện nay tỉnh mới chỉ đáp ứng được khoảng 64,57%. Bên cạnh đó, lực lượng y, bác sĩ còn thiếu. Trên địa bàn 7 đơn vị tại 201 xã đến nay mới có 119 bác sĩ đạt tỷ lệ 59%, 150/201 nữ hộ sinh thạc sĩ và y tá tại tuyến cơ sở, con số này còn thấp so với mặt bằng chung của cả nước.

Công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu là rất quan trọng, nó phải được đáp ứng một cách đầy đủ, nhanh chóng và chất lượng ngay từ tuyến xã, đây là tuyến gần dân nhất. Tuy nhiên, y tế cơ sở còn rất nhiều việc phải bàn, tình trạng quá tải tại các bệnh viện tuyến trên vẫn thường xuyên xảy ra. Theo ông Lê Quang Anh – Thư ký Đề án 52, Chi cục DS – KHHGĐ tỉnh Thanh Hóa, cần tập trung nguồn lực, trước mắt tập trung chung cho các xã ven biển, rà soát bổ sung trang thiết bị y tế, đào tạo lại cho đội ngũ y, bác sỹ tuyến xã, bổ sung cải tạo nâng cấp hoặc xây mới cơ sở vật chất cho trạm y tế xã. Với nguồn kinh phí hỗ trợ từ Đề án, Thanh Hóa đã tổ chức rà soát, kiểm kê lại số thiết bị, dụng cụ y tế tuyến huyện (khoa CSSKSS) để từ đó có những phương án cấp bổ sung cho đội dịch vụ lưu động y tế – KHHGĐ.

Cán bộ y tế tuyên truyền CSSKSS/KHHGĐ cho ngư dân biển Hậu Lộc

 

Thu kết quả

Vượt qua những khó khăn, sau 2 năm triển khai Đề án 52 tại địa bàn tỉnh đã có những tín hiệu đáng mừng. Phương châm thực hiện: Cấp tỉnh chỉ đạo, giám sát, kiểm tra và tăng cường hỗ trợ các huyện khi có yêu cầu; cấp huyện phối hợp điều hành và cấp xã tổ chức thực hiện. Thanh Hóa đã và đang nỗ lực tập trung vào 52 xã bãi ngang ven biển, vì đây là những xã còn rất nhiều khó khăn về mọi mặt. Công tác truyền thông vận động được đặt lên hàng đầu. Đến nay, Sở Y tế đã có quyết định thành lập 7 đội dịch vụ lưu động Y tế – KHHGĐ, 7 Tiểu ban quản lý Đề án huyện cũng đã được thành lập cùng với Ban quản lý Đề án 52 cấp tỉnh để chỉ đạo điều hành thực hiện triển khai mọi kế hoạch của Đề án.

Trong 2 năm, đội dịch vụ lưu động huyện tổ chức 251 đợt tuyên truyền, tư vấn khám thai tại 52 xã trọng điểm. Kết quả, số lượt phụ nữ khám phụ khoa là 84.544 người, trong đó 15.050 người phát hiện mắc bệnh viêm nhiễm đường sinh sản và được cấp thuốc điều trị. 8.390 phụ nữ mang thai được khám thai, tiêm phòng uốn ván và cấp viên sắt miễn phí, số trẻ em được khám sức khỏe là 6.352 trẻ. Hơn 500 đối tượng được tổ chức xét nghiệm và phát hiện virus viêm gan B, tổ chức khám kiểm tra sức khỏe cho hơn 4.000 đối tượng đang làm ăn và sinh sống trong vùng có nguy cơ cao tại các xã ven biển. Cấp phát và tư vấn miễn phí cho hơn 2.700 đối tượng sử dụng các phương tiện tránh thai phi lâm sàng (bao cao su, thuốc uống tránh thai…).

 

Thí điểm nhiều mô hình

Thực hiện Đề án 52, Thanh Hóa đã thí điểm xây dựng mô hình mới, trong đó có mô hình “Cung cấp, đáp ứng dịch vụ chăm sóc SKBMTE/KHHGĐ cho khu công nghiệp” tập trung thí điểm tổ chức tại khu công nghiệp Lễ Môn và khu kinh tế Nghi Sơn. Bằng việc triển khai mô hình tư vấn kiểm tra sức khỏe, kiểm tra các yếu tố có nguy cơ cao tại 5 xã ven biển của huyện Quảng Xương.

Chi cục DS – KHHGD, Sở Y tế phối hợp với Đoàn xã, Tư pháp xã thí điểm lập danh sách 25 cặp nam, nữ chuẩn bị kết hôn hiện đang sinh sống tại vùng có nguy cơ cao, hoặc gia đình đã có người mắc bệnh (HIV, viêm gan B, yếu tố Rh…) để được tư vấn và kiểm tra sức khỏe trước khi kết hôn. Mô hình này được đối tượng hết sức ủng hộ và tham gia.

Hay như mô hình CSSK bà mẹ khi mang thai, hỗ trợ khi sinh và sau khi sinh với các bà mẹ có nguy cơ cao đến sự mang thai, sự phát triển và chất lượng bào thai đang được triển khai tại 10 xã ven biển và ngập mặn của 2 huyện Nga Sơn và Hậu Lộc. Chi cục DS – KHHGĐ phối hợp với bệnh viện tuyến huyện và tuyến tỉnh để xử lý, can thiệp những trường hợp này khi có nguy cơ xảy ra phải chuyển tuyến để xử lý kịp thời. Thanh Hóa đã chỉ đạo quyết liệt các đơn vị căn cứ kết quả tổng điều tra dân số của huyện, xã tập trung chỉ đạo rà soát lại toàn bộ số liệu từ kho dữ liệu quản lý dân cư của huyện.

Trong thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa sẽ tích cực phối hợp của các cấp bộ, ngành, đoàn thể để thực hiện thành công Đề án 52 trong những năm tiếp theo.   

>> Mục tiêu thực hiện Đề án 52 của tỉnh Thanh Hóa: Giảm tỷ suất sinh thô đến năm 2015 là 13,37‰, đến năm 2020 là 10,84‰. Giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên đến năm 2015 đạt 10,15% và đến năm 2020 là 8,21%.

          Giang Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!