(TSVN) – Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa có kiến nghị về yêu cầu kỹ thuật kiểm nghiệm hóa chất, kháng sinh cấm trong thực phẩm thủy sản, nhất là khi một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh gặp khó khi đưa các sản phẩm ra thị trường nội địa.
Theo VASEP, khoảng trống và bất cập liên quan việc Thông tư 28/2019/TT-BNNPTNT ngày 31/12/2019 quy định về yêu cầu kỹ thuật kiểm nghiệm hóa chất, kháng sinh cấm trong thực phẩm thủy sản (Thông tư 28) hết hiệu lực từ 05/2/2024.
Cụ thể, một số mặt hàng thủy sản đang không đưa được vào các siêu thị tại thị trường nội địa kể từ tháng 02/2024 khi Thông tư 28 đã bị bãi bỏ hoàn toàn từ ngày 05/02/2024 bởi Thông tư 15/2023/TT-BNNPTNT ngày 15/12/2023 của Bộ NNPTNT. Đến nay vẫn chưa có văn bản pháp luật nào thay thế Thông tư 28 được ban hành tạo ra khoảng trống về pháp lý khiến việc tiêu thụ sản phẩm thủy sản của Việt Nam tại các kênh phân phối chính thống tại thị trường Việt Nam gặp nhiều khó khăn.
Trong khi đó, các thị trường nhập khẩu thủy sản lớn của Việt Nam như EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ vẫn cho phép nhập khẩu các lô sản phẩm thủy sản có dư lượng các kháng sinh (đã quy định mức MRPL trong Thông tư 28) nhỏ hơn ngưỡng giới hạn dư lượng tối đa cho phép hoặc ngưỡng tham chiếu cho hoạt động đối với thị trường EU, giới hạn phát hiện hoặc giới hạn định lượng đối với thị trường Nhật Bản, ngưỡng hoạt động theo quy định đối với thị trường Hoa Kỳ.
Cụ thể, thị trường Hoa Kỳ quy định cho phép RAL của Nitrofuran là 0,5 μg/kg đối với mỗi dẫn xuất của Nitrofuran (AOZ, AMOZ, SEM, AHD) và tổng Enrofloxacin – Ciprofloxacin là 5 μg/kg. Tại thị trường EU, Enrofloxacin, Ciprofloxacin được cho phép với MRL ≤100 µg/kg theo Quy định (EU) 37/2010, quy định RPA của Nitrofuran là 0,5 μg/kg đối với mỗi dẫn xuất của Nitrofuran (AOZ, AMOZ, SEM, AHD) theo Quy định (EU) 2019/1871. Còn thị trường Nhật Bản cho phép dư lượng của Nitrofuran là 1 μg/kg, và LoQ của Enrofloxacin là 10 μg/kg.
Cùng đó, Việt Nam đưa ra các mức MRL cho các hóa chất, kháng sinh hạn chế sử dụng nhưng không phân biệt đối tượng áp dụng là thủy sản tươi hay thủy sản khô. Điều này gây khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm thủy sản khô tại thị trường trong nước.
Trong khi đó quy định tại một số thị trường nhập khẩu lớn như EU, Hàn Quốc đã cho phép áp dụng các ngưỡng MRL khác nhau đối với thủy sản tươi và thủy sản khô. Đơn cử, Hàn Quốc cho phép tiêu chuẩn áp dụng với hàng khô bằng hệ số sấy khô x tiêu chuẩn hàng tươi.
Quy định của EU (EU) 2023/915 về MRL đối với một số chất gây ô nhiễm trong thực phẩm quy định đối với thủy sản khô tiêu chuẩn áp dụng với hàng khô bằng định mức x tiêu chuẩn hàng tươi.
Do đó, để tạo điều kiện cho việc lưu thông, tiêu thụ sản phẩm thủy sản tại thị trường nội địa, góp phần thúc đẩy chủ trương “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”, xóa bỏ các khoảng trống pháp lý trong quy định áp dụng cho sản phẩm tiêu thụ nội địa, các doanh nghiệp mong muốn Bộ NN&PTNT sớm xem xét để ban hành Thông tư thay thế Thông tư 28 và có văn bản hướng dẫn về ngưỡng tham chiếu cho hoạt động (RPA) hoặc ngưỡng hoạt động theo Quy định (RAL) áp dụng cho các chỉ tiêu kháng sinh cấm sử dụng trong sản phẩm thủy sản tiêu thụ nội địa trong thời gian Thông tư mới chưa được ban hành. Đồng thời, ban hành một văn bản pháp lý trong đó quy định cụ thể Hệ số chuyển đổi mức giới hạn tối đa cho phép (MRL) của các hóa chất trong sản phẩm thủy sản khô so với sản phẩm thủy sản tươi.
Bảo Hân