Thị trường cá tra được mở ra, doanh nghiệp phất lên, những đại gia ra đời, rồi bỗng dưng cá rớt giá, nợ nần chồng chất…, doanh nghiệp phá sản, nông dân điêu đứng, đó là một phần bức tranh thị trường thời thế giới phẳng.
Phiên chợ màu hồng
20 năm trước, ngành cá tra Việt Nam bắt đầu bước vào thị trường với một màu hồng. Người dân nuôi cá không kịp bán. Danh tiếng cá tra Việt Nam vang dội khắp nơi. Chất lượng và uy tín được khẳng định ở những thị trường khắt khe nhất.
Với giá bán 3,6 – 4 USD/kg vào thời điểm 20 năm trước, người dân hoàn toàn sống được bằng nghề nuôi trồng thủy sản; đồng thời các ngân hàng có lãi, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu phất lên nhanh chóng.
Xuất khẩu cá tra như nước vỡ bờ. Bắt đầu từ một số nước châu Âu, việc xuất khẩu hiện đã bao phủ hơn 149 quốc gia và vùng lãnh thổ. Rất nhiều người ngạc nhiên, nhưng quả thực đặc sản cá tra Việt Nam đã góp phần không nhỏ trong việc khẳng định thương hiệu ngành thủy sản và làm phong phú thêm dinh dưỡng cho người tiêu dùng.
Cá tra Việt Nam đã góp phần không nhỏ trong việc khẳng định thương hiệu ngành thủy sản – Ảnh: Lê Công Hân
Đi liền những thảm nhung là các con số biết nói: từ 2.000 tấn cá tra nguyên liệu (năm 2000) đã tăng lên 1,3 triệu tấn (năm 2012). Mức tăng kỷ lục gấp 692 lần chỉ trong một thập kỷ. Kim ngạch xuất khẩu năm 2000 đạt 2,6 triệu USD, năm 2012 là 1,74 tỷ USD.
Thủng đáy
Bài toán thị trường đã không được giải một khi lợi nhuận kếch sù. Tất cả các doanh nghiệp, những người có tiền đều đổ xô vào lĩnh vực cá tra, nếu họ có điều kiện. Từ 20 doanh nghiệp đã hình thành một cộng đồng hơn 800 doanh nghiệp xuất khẩu.
Với tính chất thị trường, tự các doanh nghiệp Việt Nam đã cạnh tranh với nhau. Sự cạnh tranh nhìn chung chỉ có tác dụng tích cực khi nó giúp cho các doanh nghiệp cùng phát triển. Nhưng dường như ở đây câu chuyện lại khác. Sự cạnh tranh khiến cho các doanh nghiệp phá sản và tiêu vong.
Với một sản lượng khổng lồ phát triển chỉ trong thời gian ngắn, các doanh nghiệp đã tự làm mất lợi nhuận của mình khi họ không làm chủ được thị trường và đồng vốn. Các doanh nghiệp bán đổ bán tháo để thu hồi vốn và công nợ. Các ngân hàng siết cho vay. Các thị trường bắt đầu dè dặt với cá tra. Kết quả là giá cá tra chỉ còn 1,8 – 2,2 USD/kg, đồng thời sức tiêu thụ giảm mạnh.
Quả đắng
Một thống kê cho thấy, khoảng 80% số doanh nghiệp trong ngành cá tra đang gặp khó, thậm chí một số hầu như không còn khả năng tồn tại. Hiện tượng tranh mua tranh bán đã khiến người ta phải nghĩ đến việc hình thành giá sàn cho mặt hàng này. Sự cạnh tranh đến mức bán dưới giá thành chắc chắn là sự cạnh tranh “có tính hủy diệt”.
Thời gian vừa qua không chỉ cá tra mà nhiều mặt hàng thủy sản, không chỉ ở Việt Nam và cả trên thế giới đều có xu hướng giảm. Thị trường thế giới đang toàn cầu hóa nên các nguồn cung ngày càng phong phú; nhiều mặt hàng thủy sản, nhiều vùng nuôi mới hình thành. Trong khi đó, kinh tế thế giới vẫn tiếp tục suy thoái. Đồng tiền eo hẹp khiến hoạt động tiêu dùng giảm khá nhiều.
Một số người châu Âu nhận xét: “Người Việt Nam kêu mình gặp khó, nhưng họ không biết rằng những người như chúng tôi cũng gặp không ít khó khăn”. Quả thực, các doanh nghiệp làm ăn với phía Việt Nam cũng chỉ muốn cả hai cùng có lợi, nhưng không phải doanh nghiệp nào của họ cũng thành công trong thời kỳ kinh tế suy thoái.
Triển vọng
Theo đánh giá của các chuyên gia, nhu cầu tiêu thụ cá tra không giảm, thậm chí còn tăng, nếu mở rộng được thị trường. Nhưng bức tranh khá ảm đạm của kinh tế thế giới còn kéo đến bao giờ và các mặt hàng thủy sản khác cũng tăng trưởng ra sao thì thật khó dự báo. Nhu cầu tiêu thụ tăng nhưng khách hàng không có tiền thì cũng không thể tiếp cận sản phẩm.
Có người bi quan nhận định, trong 2 năm tới, ở ĐBSCL chỉ còn khoảng 15 doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra mà thôi. Một số nhà quản lý cho biết, sắp tới sẽ phải tăng thêm những khoản đầu tư vào quy trình nuôi trồng, chế biến, đồng nghĩa giá thành còn tăng nữa. Song giá cả đầu ra vẫn khó lạc quan.
VASEP cho rằng, cần hạn chế sản lượng nuôi trồng, thậm chí cấp hạn ngạch nuôi trồng. Nhưng, ngay cả việc hạn chế sản lượng cũng không đảm bảo giá cá tra tăng lên. Bằng chứng là nhiều thời điểm sản lượng thấp, thậm chí ngành thủy sản mất mùa nhưng giá vẫn rớt đều.
Việc tiết giảm vùng nuôi có lẽ sẽ hạn chế được thiệt hại cho nền kinh tế và cho nông dân hơn là để tăng giá cá tra, nếu tình hình kinh tế thế giới không được cải thiện đáng kể.
Việt Nam chỉ có thể hy vọng nhiều vào những nước, những thị trường kinh tế sáng sủa và khả năng thanh khoản tốt. Đồng thời sự cải tiến mẫu mã, chất lượng, truyền thông cũng góp phần tạo ra ấn tượng tốt đẹp hơn nữa về sản phẩm cá tra.
Việc đầu tư làm tăng giá thành, tăng giá bán sẽ chỉ áp dụng ở những thị trường có giá tiêu thụ cao. Với các thị trường khó tính, khi vấn đề giá có thể được giải quyết tích cực thì chắc chắn chất lượng cũng phải được nâng lên. Còn nếu ồ ạt đầu tư đổi mới công nghệ quy trình mà giá bán không tăng thì càng dẫn tới sự phá sản nhanh hơn của các doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp Việt Nam cũng có sự chia sẻ với các đối tác và thị trường khác. Sự phân cấp đối với một số thị trường các nước nghèo và các nước gặp nhiều khó khăn là cần thiết. Với những thị trường này thì việc cung cấp những sản phẩm có mức giá vừa phải là hợp lý và đạt mức lợi nhuận phải chăng. Việc nghiên cứu giảm chi phí đầu vào, tinh giản quản lý, thắt lưng buộc bụng cũng sẽ giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam có được lợi nhuận từ những thị trường các nước đang phát triển, để giữ vững được các thị trường này.
>> Theo đánh giá của các chuyên gia, nhu cầu tiêu thụ cá tra không giảm, thậm chí còn tăng, nếu mở rộng được thị trường. Nhưng bức tranh khá ảm đạm của kinh tế thế giới còn kéo đến bao giờ và các mặt hàng thủy sản khác cũng tăng trưởng ra sao thì thật khó dự báo. |