(TSVN) – Việt Nam là nước có tỷ lệ rác thải nhựa đại dương cao, cộng với ô nhiễm nguồn nước nên dự kiến Việt Nam thiệt hại 3,5% GDP vào năm 2035. Do đó, việc chung tay cùng hành động để thay đổi nhận thức hành vi của cộng đồng, nhằm giảm thiểu rác thải nhựa đại dương là hết sức cấp bách.
Thực hiện Kế hoạch hành động quản lý rác thải nhựa (RTN) đại dương ngành thủy sản giai đoạn 2020 – 2030 được Bộ NN&PTNT phê duyệt tại Quyết định số 687/QĐ-BNN-TCTS ngày 5/2/2021; Tổng cục Thủy sản đã triển khai các hoạt động quản lý, giảm thiểu RTN như: Tiến hành rà soát, xây dựng văn bản hướng dẫn địa phương về quản lý RTN; xây dựng các quy chuẩn, tiêu chuẩn về vật liệu, công trình trong NTTS; tổ chức thực hiện các nghiên cứu mang tầm quốc gia, liên vùng về RTN; diễn đàn hàng năm để chia sẻ kết quả, hành động giữa các bên có liên quan trong giảm thiểu RTN… Ngành nông nghiệp cũng xây dựng những chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân trong hoạt động sản xuất thủy sản; tăng cường thu gom, sử dụng các sản phẩm xanh, thu gom, tái sử dụng và xử lý RTN. Đẩy mạnh nghiên cứu tác động của vi nhựa đối với các chuỗi sản xuất thủy sản; điều tra, đánh giá phục vụ xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu quản lý RTN đại dương ngành thủy sản… Cùng với đó, các mô hình Cộng đồng ngư dân thực hành giảm thiểu RTN; tái sử dụng vật liệu nhựa trong NTTS; thúc đẩy trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp thực hiện cam kết hạn chế RTN cũng sẽ được triển khai…
Chia sẻ về hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng, thay đổi hành vi về giảm RTN đại dương tại Việt Nam trong “Diễn đàn thường niên về rác thải nhựa đại dương ngành thủy sản” được tổ chức cuối năm 2022; bà Trần Thị Hoa, Giám đốc GreenHub cho biết, Ocean Conservancy – GreenHub đã xây dựng Chương trình Kế hoạch hành động quản lý rác thải biển đến năm 2030-NAP, nhằm mục đích thay đổi hành vi của cộng đồng, hướng đến thực hành giảm RTN từ nguồn. Kế hoạch đặt ra mục tiêu, giảm thiểu 75% RTN trên biển và đại dương; 100% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom, chấm dứt việc ngư cụ bị thải bỏ xuống biển vào năm 2030.
Một trong những giải pháp thu hút sự quan tâm và cũng được đánh giá có nhiều hiệu quả trong quản lý RTN đại dương đó là Dự án “Giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa trên sông Hồng” do Tổ chức Bảo tồn đại dương (Mỹ) tài trợ và cố vấn kỹ thuật. Dự án do Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng (MCD) chủ trì phối hợp với tỉnh Nam Định triển khai thực hiện. Việc nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, lắp đặt công cụ thu gom rác trôi nổi trên sông (“bẫy rác”) do Trung tâm MCD và Sở Tài nguyên và Môi trường Nam Định chủ trì, với sự tham gia của chuyên gia trong và ngoài nước, các cán bộ và cộng đồng địa phương, đạt được sự đồng thuận của các bên liên quan, đồng thời được sự thẩm định chuyên môn và cho phép thực hiện của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam. “Bẫy rác” đã được nghiên cứu cẩn trọng, cải tiến và điều chỉnh phù hợp với địa điểm lắp đặt, góp phần mở rộng thêm chuỗi công cụ hữu ích trong tăng cường hiệu quả thu gom, phân loại và xử lý rác thải khu vực sông biển. Quá trình triển khai các “bẫy rác” đã thu nhận được những kinh nghiệm quý báu và ghi nhận kết quả vận hành tốt, góp phần tăng cường hiệu quả thu gom rác thải ven sông, giảm thiểu rác thải trôi nổi từ sông ra biển và nâng cao nhận thức và sự tham gia của cộng đồng địa phương vào công tác quản lý rác thải rắn.
Tổng cục Thủy sản đã thống nhất định hướng quản lý RTN đại dương ngành thủy sản trong thời gian tới như: Giảm nhựa trong hoạt động khai thác thủy sản, qua việc triển khai các hoạt động: Áp dụng thực hiện quản lý RTN cho tàu cá, cảng cá; thực hiện phụ lục V Công ước Marpol; xây dựng quy trình thu gom, phân loại, xử lý RTN trên tàu cá và giao nhận RTN từ tàu cá tại cảng cá; chính sách thu gom RTN từ tàu cá lưới kéo; chính sách khuyến khích thu đổi, tái chế trong ngành thủy sản; tái chế và tái sử dụng vật liệu nhựa trong khai thác thủy sản; mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất, ký quỹ…; giảm thiểu vật liệu, thay thế xốp trong nuôi biển…
Hải Lý