Thêm “mỏ vàng” trong xuất khẩu thủy sản?

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Trong khi các chuyên gia quốc tế đều đánh giá cao việc nuôi trồng, xuất khẩu cá rô phi như một giải pháp đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu cho Việt Nam, thế nhưng, mặt hàng cá rô phi hiện vẫn nhỏ trong tỷ trọng xuất khẩu của ngành thủy sản nước ta. Cơ hội nào để loài nuôi này mở rộng xuất khẩu?

Tăng sức đầu tư

Nếu như trước đây, Trung Quốc được coi là thủ phủ về nuôi và xuất khẩu cá rô phi chiếm tới 60 – 70% sản lượng xuất khẩu toàn thế giới, do chủ động được nguồn giống, nhân công rẻ, sự hỗ trợ từ chính phủ, giá thành sản xuất, sức cạnh tranh cao. Nhưng những năm gần đây, vị thế này sụt giảm, nhiều quốc gia đã đầu tư nuôi cá rô phi trong đó có Việt Nam với sự tham gia của những tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu.

Trung tâm nuôi trồng thủy sản xuất khẩu của Tập đoàn Mavin cấp giấy phép từ năm 2018, được đầu tư theo hướng hiện đại và chuyên nghiệp với công nghệ nuôi lồng tròn Na Uy tại Hòa Bình. Mỗi lồng có công suất 50 tấn cá/vụ, tổng công suất của cả farm nuôi có thể cho 10.000 tấn cá/năm. Hay như Công ty TNHH Khoa Kỹ Sinh vật Thăng Long cũng nhiều năm nghiên cứu ứng dụng cho ra thị trường sản phẩm thức ăn, con giống cũng như thực hiện liên kết bao tiêu sản phẩm cá rô phi cho người nuôi; mô hình rất hiệu quả và ngày được phát triển hơn.

Được biết, rất nhiều hộ nuôi và các doanh nghiệp cá tra, thậm chí kể cả người nuôi tôm tại ĐBSCL hiện quan tâm tới việc nuôi cá rô phi, sẵn sàng chuyển sang nuôi cá rô phi khi có điều kiện thuận lợi. Tuy vậy, người nuôi cũng “thận trọng”, do Việt Nam hiện vẫn còn chiếm một vị trí rất nhỏ trên thị trường cá rô phi của thế giới; vì vậy, việc chủ động về giá và đầu ra cho sản phẩm này là điều được quan tâm hơn cả.

Cơ hội tăng tốc

Cá rô phi có tiềm năng tiêu thụ nội địa, song cơ bản, việc nuôi trồng theo xu hướng công nghiệp hiện đại là để hướng đến xuất khẩu. Việc nuôi cá rô phi xuất khẩu sẽ buộc phải đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe hơn nhiều, chẳng hạn về con giống, thức ăn (không sử dụng kháng sinh), truy xuất nguồn gốc… Đặc biệt, sản phẩm xuất khẩu phải đạt trong lượng 500 g/con trở lên (nhiều vùng nuôi đại trà chỉ có 20 – 30% cá đạt được trọng lượng này).

Việt Nam với lợi thế có 20.000 ha ao hồ lớn nhỏ, 340.000 ha hồ chứa nước, 580.000 ha ruộng trũng, nhiều sông ngòi có độ mặn thấp, là nơi lý tưởng nuôi cá rô phi. Các doanh nghiệp hiện đang tích cực xuất khẩu cá rô phi, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19, nhiều thị trường khan hiếm cá rô phi, do Trung Quốc ảnh hưởng dịch cúm, chưa kể chiến tranh thương mại Mỹ – Trung cũng khiến nguồn cung cá rô phi vào Mỹ ảnh hưởng. Đầu năm tới nay, các doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu cá rô phi sang Mỹ, Đài Loan, Hàn Quốc, Malaysia… với số lượng đáng kể, chủ yếu xuất khẩu từ Cảng Cát Lái (TP Hồ Chí Minh). Chỉ tính trong 5 tháng đầu năm 2020, Mỹ đã nhập khẩu 43.000 tấn fillet cá rô phi đông lạnh trị giá 124 triệu USD, tăng 14% so cùng kỳ năm 2019. Các doanh nghiệp dự đoán cuối năm 2020 và đầu năm 2021, tiêu thụ cá rô phi tiếp tục tăng mạnh.

Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, nguồn cung từ Trung Quốc vào Mỹ giảm nhiều, đồng thời xu thế sử dụng cá rô phi đang tăng cao sẽ là cơ hội tốt để các doanh nghiệp và người nuôi cá rô phi Việt Nam phát triển nuôi trồng, xuất khẩu, từ đó khẳng định vị thế cá rô phi Việt trên thị trường. Mới đây, một chuyên gia thị trường từ Mexico cũng tới Việt Nam để tìm mua cá rô phi, với lý do: “Doanh nghiệp vốn nhập khẩu mặt hàng này từ Colombia và Nam Phi, nhưng do dịch COVID-19 nên hàng hóa đình trệ. Doanh nghiệp tìm tới Việt Nam để hy vọng tìm nguồn cá rô phi nhập khẩu thay thế”. Rõ ràng, không chỉ thị trường Mỹ mà nhiều nước khác cũng đang có nhu cầu nhập khẩu cá rô phi trong giai đoạn hiện nay.

Trao đổi với phóng viên, một chuyên gia ngành cá rô phi đến từ Mỹ cho biết: “Việc Việt Nam đa dạng hóa xuất khẩu mặt hàng cá rô phi là quyết định đúng đắn. Thị trường nhập khẩu mặt hàng này sẽ ngày càng phong phú. Đặc biệt, việc nuôi cá rô phi có thể kết hợp với nuôi các loại thủy, hải sản khác, giúp đa dạng hệ sinh thái và giúp NTTS bền vững hơn”.

Nick Ovchinnikov, Giám đốc điều hành của Công ty nhập khẩu Lotus Seafood có trụ sở tại San Diego cho rằng, trong bối cảnh số người thất nghiệp hiện tăng lên tới 27 triệu người, từ mức chỉ 3 triệu người trước đại dịch COVID-19, cá rô phi sẽ có nhiều cơ hội sáng trong xuất khẩu; bởi đây được xem là nguồn cung cấp protein lý tưởng cho người dân vì giá rẻ.

>> Theo Bộ NN&PTNT, năm 2019, Việt Nam đứng thứ 8 về sản lượng cá rô phi trên thế giới với hơn 200.000 tấn/năm, xuất khẩu cá rô phi sang 67 thị trường; trong đó, tiêu thụ mạnh nhất là châu Âu và châu Mỹ, bao gồm cả sản phẩm fillet và nguyên con.

Nguyễn Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!