(Thủy sản Việt Nam) – Tuy chỉ là một thị trấn nhỏ với diện tích 198 km2 và dân số 40.490 người của thành phố Norddeich, Đức nhưng Aurich, hiện đã đã lắp đặt hơn 500 trụ quạt điện gió cung cấp cho thị trấn và những vùng phụ cận.
Thị trấn “năng lượng xanh”
Những cánh đồng điện gió được xây dựng rất nhiều tại Aurich từ khoảng 10 năm nay. Mỗi cánh đồng điện gió có công suất lớn nhỏ khác nhau tùy theo quá trình phát triển của kỹ nghệ, đặc biệt những công trình mới được lắp đặt và đang tiến hành thì công suất mỗi trụ lên đến 6MWh hoặc 7,5MWh. Đường kính cánh quạt của những trụ điện này là 127m, chiều cao từ mặt đất đến tâm cánh quạt là 135m, tổng cộng chiều cao đến đỉnh cánh là 198m. Riêng trọng lượng một cánh quạt nặng đến 16 tấn. Số vòng quay tùy theo tốc độ gió bắt đầu từ 5 và đến tối đa là 11,7 vòng/phút. Hiện nay một nhà sản xuất tại Đức đã thiết kế thành công trụ điện gió với công suất 8,2MWh và trong tương lai không xa công suất mỗi trụ sẽ đạt đến 10MWh.
Một trạm phong điện được lắp đặt trên đất liền
Cần phát triển hơn nữa
Nếu chưa tính đến những thiệt hại do lũ lụt gây ra thì thủy điện là loại năng lượng có giá thành rẻ nhất. Năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch cũng rất kinh tế, nhưng càng ngày giá nhiên liệu càng tăng và cạn kiệt dần. Năng lượng điện hạt nhân cho công suất cao, nhưng hậu quả của phóng xạ cho đến nay vẫn không thể khắc phục được. Năng lượng tái tạo sinh khí, địa nhiệt, năng lượng từ sóng biển vẫn đang ở thời gian thử nghiệm, những thành công nhỏ chỉ đạt công suất không đáng kể và phần lớn vẫn chưa hoàn chỉnh. Điện từ ánh nắng mặt trời tương đối hoàn chỉnh nhưng công suất điện thu được từ những tấm panel thu ánh nắng mặt trời cũng còn rất thấp và giá thành còn rất cao. Chỉ có năng lượng điện gió đạt được công suất tương đối cao và là loại năng lượng sạch có kỹ thuật hoàn chỉnh và có tính kinh tế cao. Vì thế, trong tương lai mặc dù vẫn phải duy trì các nguồn năng lượng khác nhưng điện gió vẫn được xem là một nguồn “năng lượng sạch” cần phát triển hơn nữa.
Xây dựng cánh đồng điện gió ở Việt Nam
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực điện đã từng làm việc tại Việt Nam, trước khi triển khai một dự án điện gió, Việt Nam nên nghiên cứu khả năng nên xây dựng những cánh đồng điện gió trên đất liền hay ngoài biển hay cả hai. Ưu điểm của cánh đồng điện gió đặt trên biển chính là tiềm năng gió của biển thường đều và cao, việc vận chuyển, lắp đặt tương đối dễ dàng, diện tích ngoài biển rộng, không ảnh hưởng đến tầm nhìn của người dân. Tuy nhiên, việc xây dựng và bảo trì lại khó khăn, vật liệu sản xuất turbin, cánh quạt, chân đế phải phù hợp với độ muối của môi trường không khí biển, gió, sóng biển, mưa bão… Còn ưu điểm của cánh đồng điện gió đặt trên đất liền là kinh phí xây dựng ít tốn kém, việc bảo trì tương đối dễ. Nhưng đòi hỏi diện tích đất lớn, tránh gần khu dân cư, tránh việc phải xây dựng thêm những đường dây tải điện cao thế, đường vận chuyển tốn kém, điều kiện đất đai của địa điểm xây dựng phải phù hợp như độ cứng của đất, nhiệt độ, độ ẩm, lượng muối bụi trong không khí…
Ngoài ra, nếu xây dựng cánh đồng điện gió trên đất liền phải lựa chọn ở những nơi có tiềm năng gió với tốc độ trung bình trong năm khoảng 5m/s trở lên. Tiềm năng gió thay đổi theo từng địa hình và từng thời gian nên cần có những số liệu về tốc độ, hướng gió chính xác, tránh trường hợp công trình được thi công xong khi đưa vào hoạt động mà công suất không đạt yêu cầu. Nói tóm lại, một công trình điện gió được xây dựng phải phù hợp với những yêu cầu kỹ thuật và có tính kinh tế – xã hội khả thi.
Hồng Thắm