(TSVN) – Bước sang nửa cuối năm 2023, tất cả các thành phần xuyên suốt chuỗi cung ứng thủy sản toàn cầu vẫn tiếp tục đối mặt thách thức do lạm phát và suy thoái kinh tế. Đây là lúc các nhà sản xuất cần nắm bắt cơ hội và đổi mới tư duy.
Rabobank, một trong những chuyên gia phân tích hàng đầu trong lĩnh vực kinh doanh nông nghiệp dự báo thị trường thủy sản toàn cầu còn bất ổn dai dẳng trong các tháng cuối năm 2023. Nhưng đây cũng là thời điểm để toàn ngành đánh giá lại các kỳ vọng tăng trưởng và kế hoạch kinh doanh.
Nhìn chung, Rabobank vẫn dự báo ngành sản xuất protein động vật trên toàn cầu sẽ tăng trưởng nhưng chỉ ở mức khiêm tốn. Tuy nhiên, thị trường thủy sản vẫn phải đối mặt biến động liên tục do chi phí tăng cao hơn và thị hiếu tiêu dùng thay đổi. Cùng đó, rủi ro an toàn sinh học gia tăng và quy định ngày càng siết chặt hơn sẽ ảnh hưởng đến một số quốc gia khi chính phủ của họ nghiêm túc thực hiện mục tiêu bền vững và chuyển sang giai đoạn hành động quyết liệt.
Rabobank dự báo thị trường thủy sản còn bất ổn trong những tháng cuối năm. Ảnh: Shutterstock
Vài tuần qua, kênh truyền hình Mỹ, The Fishmongher đã khảo sát các bộ phận thuộc nhiều lĩnh vực trong chuỗi cung ứng về cách làm việc hiệu quả hơn khi chi phí leo thang và giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu nhảy vọt. Fishmongher kết luận, lạm phát đã trở thành vấn đề toàn cầu, cả thế giới đang rơi vào thời kỳ suy thoái kinh tế và điều này đã chi phối mọi quyết định tiêu dùng của người dân.
Justin Sherrard, chuyên gia ngành hàng protein động vật toàn cầu của Rabobank cho biết, 2022 là một năm khác biệt bởi chuỗi cung ứng đứt gãy và xung đột chính trị bùng nổ. Những thách thức này tiếp tục kéo dài tới năm 2023. Justin nói: “Tốc độ tăng trưởng thị trường của tất cả các ngành sản xuất chăn nuôi, gồm thủy sản đang có dấu hiệu chững lại ở Trung Quốc, nhưng vẫn duy trì ổn định ở Brazil, và Đông Nam Á. Châu Đại Dương cũng tương tự Trung Quốc, trong khi sản xuất chăn nuôi tại Bắc Mỹ và châu Âu sẽ bị thu hẹp”.
Justin Sherrard cho rằng, đây là thời điểm để tất cả các doanh nghiệp trong ngành hàng protein động vật phải biết cách tận dụng tối đa cơ hội. Theo ông, phía cuối đường hầm luôn có ánh sáng. Do đó, thách thức cũng mang lại cơ hội để doanh nghiệp phát triển thịnh vượng suốt thời kỳ suy thoái, nhưng cần phải có chiến lược và kế hoạch bài bản.
Theo Justin Sherrard, người tiêu dùng thủy sản trên thế giới sẽ tìm kiếm sản phẩm tương xứng với đồng tiền họ bỏ ra. Trong bối cảnh lạm phát, họ sẽ có xu hướng chi tiêu hợp lý để không vượt quá khả năng tài chính. Dù nền kinh tế suy thoái, ngành nuôi trồng thủy sản một lần nữa dẫn đầu tăng trưởng toàn cầu và liên tục được mở rộng. Đứng sau thủy sản, ngành chăn nuôi gia cầm vẫn giữ tăng trưởng ổn định với sản lượng dự kiến tăng nhẹ. Trong khi đó, ngành thịt bò giảm nhẹ sản lượng, còn ngành chăn nuôi heo đi xuống.
Gần một nửa thủy, hải sản mà toàn thế giới đang sử dụng hiện nay có nguồn gốc từ ngành nuôi trồng. Ảnh: Undercurrent
Liên quan đến nuôi trồng thủy sản, nhiều chuyên gia lo ngại giá bột cá, dầu cá còn tiếp tục tăng vọt do thiếu hụt nguồn cung và kéo chi phí sản xuất thức ăn chăn nuôi lên cao hơn. Tuy nhiên, hiện nay nguồn cung tôm vẫn dư thừa, mặc dù giá bán thấp và chi phí cao hơn. Theo Willem Van Der Pijl, chuyên gia ngành tôm của Shimp Insight, Ecuador và Mỹ Latinh tiếp tục mở rộng nuôi tôm, thúc đẩy nguồn cung trong năm nay và đầu năm sau. Thách thức này cũng tạo động lực cho các hãng sản xuất thủy sản đa dạng hóa sản phẩm và tìm ra những thị trường ngách tiềm năng.
Justin Sherrard đưa ra lời khuyên, cần phải đổi mới tư duy từ sản xuất đến bán lẻ để thích ứng với sự thay đổi của thị trường. Trong đó, các hãng bán lẻ luôn đảm bảo đồng hành với khách hàng, bởi đây là thời điểm dễ “mất khách” do lạm phát và suy thoái kinh tế. Về sản xuất thủy sản, từ vài năm trước The Fishmonger cũng đã chỉ trích tình trạng lãng phí nghiêm trọng. Cơ quan này nhấn mạnh thủy sản góp phần đảm bảo an ninh lương thực và là nguồn dinh dưỡng thiết yếu cho hơn 3 tỷ người. Protein từ các sản phẩm thủy, hải sản chiếm tỷ lệ 20% trong toàn bộ nhóm protein động vật.
Dân số toàn cầu đang tăng nhanh, cùng đó tiêu thụ thủy sản cũng tăng gấp đôi trong vòng 50 năm qua và sẽ tăng gấp đôi một lần nữa vào năm 2050. Nguồn lợi tự nhiên đã bị khai thác cạn kiệt và gần một nửa thủy, hải sản mà toàn thế giới đang sử dụng hiện nay có nguồn gốc từ ngành nuôi trồng. Nhưng The Fishmonger cho biết, khoảng 1/3 lượng thủy, hải sản đang bị thất thoát hoặc lãng phí hàng năm.
Báo cáo của The Fishmonger cũng nhấn mạnh rằng ở một số khu vực, tình trạng hao hụt và lãng phí thủy sản vẫn xảy ra suốt quá trình chế biến, khi một tỷ lệ lớn tôm, cá bị vứt bỏ như da, xương và đầu cá. Dù chỉ là phụ phế phẩm, nhưng các bộ phận này chiếm tỷ trọng 30 – 70% trọng lượng cơ thể cá. “Do đó, để tận dụng tối đa chất dinh dưỡng và giá trị của các sản phẩm thủy sản, đừng vứt bỏ bất kỳ bộ phận nào của con cá bởi đây là hành động ý nghĩa về kinh tế và đạo đức”, Justin Sherrard nói.
Lãng phí các phụ phế phẩm suốt quá trình chế biến là một vấn đề quan trọng đối với tất cả các doanh nghiệp trong ngành thủy sản. Justin Sherrard cho rằng, các tổ chức và chính phủ cần phải tìm giải pháp triệt để cho vấn đề này. Trong mục tiêu phát triển bền vững 12.3, Liên hợp quốc (UN) đã hướng đến cắt giảm một nửa lương thực thất thoát và lãng phí vào năm 2030. Với ngành thủy sản, đây là một trong những mục tiêu được ưu tiên hàng đầu.
Vũ Đức
(Tổng hợp)