“Xã Tân Bình chúng tôi có 34 cơ sở chế biến cá cơm, trong đó tại thôn Tân Lý 2 là 25 cơ sở. Mỗi cơ sở khoảng 30 lao động làm việc. Vị chi trên 1.000 lao động, đa phần là nữ. Mấy tháng qua chưa đến mùa cá cơm, chị em phải tìm đủ mọi việc làm. Mùa cá cơm đến lúc này, ít ra mỗi lao động cũng thu nhập từ 2 – 4 triệu đồng/ tháng, gánh nặng cho xã vì thế giảm đi”, bà Nguyễn Thị Bé – Chủ tịch UBND xã Tân Bình (thị xã La Gi) cho hay.
Chuyến cá cơm lên bờ sau khi đánh bắt. Ảnh: H.T.T
Tại thôn Phước Tiến, xã Tân Phước và khu phố 3, phường Bình Tân (thuộc thị xã), hai nơi có trên 20 cơ sở chế biến cá cơm, trong vài ngày qua gần 700 lao động nữ đã có việc làm, thu nhập từ 150.000 – 200.000 đồng/người/ngày công lao động (hấp và phơi cá). Đội bốc xếp Cảng cá La Gi, cho hay: Từ ngày 21 – 25/2, cá cơm đen rộ lên trên ngư trường La Gi, trung bình ngư dân khai thác trên 25 tấn cá/ ngày. Riêng ngày 24/2, sản lượng ước khoảng 40 tấn. Giá cá cơm đen nguyên con tại cảng là 320.000 đồng/giỏ ( 20 kg). Thị xã La Gi cũng như các huyện ven biển và thành phố Phan Thiết có nhiều lao động sống bằng nghề chế biến hải sản mà cá cơm đen là một mặt hàng. Tại La Gi, tính đến cuối năm 2012, sau nhiều năm hấp cá cơm bằng lò thủ công vừa ô nhiễm môi trường vừa lệ thuộc vào củi nguyên liệu, có khoảng 20% số cơ sở chế biến đã lắp đặt máy hấp bán công nghiệp, nhờ vậy đã nâng cao năng suất, sản lượng cũng như giảm thiểu ô nhiễm môi trường đất và nước tại nơi đặt cơ sở chế biến. Cá cơm đen sau khi hấp, đóng gói, được xuất sang một số nước trong khu vực Đông Á. Bà Nguyễn Thị Bé cho hay: Địa phương khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến cá cơm chất lượng cao nhằm gia tăng hàm lượng trí tuệ trong đơn vị sản phẩm, từ đó tăng giá trị sản phẩm xuất khẩu, và tăng kim ngạch xuất khẩu cho tỉnh.