Người dân đã dần có biện pháp, kế hoạch hành động thích hợp. Chính quyền địa phương cần xây dựng kế hoạch hay lồng ghép vào chương trình hành động của địa phương mình, giúp người nuôi tôm thích ứng tốt hơn nữa với biến đổi khí hậu (BĐKH). Đây cũng là điểm nhấn một đề tài nghiên cứu khoa học được công bố trong thời gian gần đây.
Tác động lớn và thường xuyên
Các yếu tố BĐKH tác động đến nghề nuôi tôm ĐBSCL gồm: nhiệt độ, bão tố, nước biển dâng, mưa to và trái mùa.
Đề tài nghiên cứu cho thấy các bên tham gia có nhận thức khác nhau về tác động BĐKH đến nghề nuôi tôm. Chẳng hạn, đối với người nuôi tôm, nhiệt độ tăng được xem là tác động mạnh nhất (32,2%), kế đến là bão tố (26,3%), nước biển dâng (26,2%), sau cùng là mưa to và trái mùa (15,5%). Trong khi đó, các nhà khoa học cho rằng mưa to và trái mùa ảnh hưởng mạnh nhất (48,4%), kế đến là bão tố (22,7%), nhiệt độ tăng (16,8%), nước biển dâng (12,1%). Tuy vậy, yếu tố biến động nhiệt độ được xem là tác động mạnh nhất đến nghề nuôi tôm nước lợ. Nhận thức về tác động BĐKH thường tùy thuộc kinh nghiệm, trình độ chuyên môn.
Đa số các yếu tố BĐKH được người nuôi tôm coi là có tác động tiêu cực đến nghề nuôi tôm (74,75%); 20,56% được đánh giá là không ảnh hưởng và chỉ 4,69% được đánh giá là tác động tích cực. Ví như những hộ nằm sâu trong nội đồng thường có độ mặn thấp, do đó độ mặn tăng sẽ có tác động tích cực trong nuôi tôm (mùa khô) và cũng có thể trồng lúa trong mùa mưa. Ngoài ra, triều cường cũng được xem là tác động tích cực đến một số nông hộ. Tác động BĐKH có thể thay đổi theo vị trí địa lý nông hộ. Điều này buộc các bên liên quan, nhất là các hộ nuôi tôm và chính quyền địa phương phải tìm cách thích ứng và hạn chế tác động tiêu cực của BĐKH.
Biện pháp thích ứng
Các biện pháp thích ứng BĐKH đã được người dân nuôi tôm xác định gồm: thay đổi nước để giảm nhiệt độ; sử dụng vôi hay xả nước mặt khi có mưa to hoặc mưa trái mùa; gia cố cơ cở hạ tầng ao nuôi để đối phó bão tố hoặc nước biển dâng…
Nhìn chung, các biện pháp này mang tính ngắn hạn. Trong khi đó các nhà khoa học đề xuất các biện pháp phức tạp hơn, mang tính lâu dài hơn, như: áp dụng các phương thức thực hành nuôi tốt hơn như BMP, quy hoạch vùng nuôi bền vững, trồng rừng phòng hộ, cải thiện công trình nuôi và quản lý chất lượng con giống.
Các chương trình hành động đã được xác định nhằm hỗ trợ người dân thích ứng BĐKH hiệu quả hơn gồm:
Tập huấn cho người dân và cán bộ khuyến ngư. Đây là ưu tiên số một (42,9%). Chính quyền địa phương cần xây dựng ngay những chương trình tập huấn để nâng cao nhận thức cho người nuôi và các bên liên quan về tác động BĐKH, nâng cao kỹ thuật quản lý trong nuôi tôm và phổ biến các kịch bản BĐKH thông qua các hình thức tập huấn, tờ rơi, áp phích/panô và phương tiện truyền thông đại chúng. Khi người dân nhận thức đầy đủ tác động BĐKH, họ sẽ tự tìm biện pháp thích ứng hiệu quả nhất hay chuyển đổi nghề hoặc di chuyển tới nơi khác.
Hỗ trợ vốn cho người dân để cải thiện cơ sở hạ tầng nghề nuôi tôm. Đây là ưu tiên hai (24,3%). Người nuôi tôm nhìn chung còn nghèo và không thể thích ứng nhanh đối với BĐKH nếu không có sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương. Do đó, Nhà nước và chính quyền địa phương cần có các chính sách hỗ trợ vốn trong việc cải thiện cơ sơ hạ tầng ao nuôi thông qua cơ chế tín dụng.
Quan trắc định kỳ về chất lượng nước: Đây là ưu tiên ba (19,5%). Biến động môi trường nước diễn ra phức tạp, do đó việc quan trắc chất lượng môi trường nước đóng vai trò quan trọng trong nghề nuôi tôm. Những thông tin này cùng các khuyến cáo liên quan (như mùa vụ thả giống) cần được chuyển kịp thời đến người nuôi tôm.
Thành lập câu lạc bộ (CLB) hay hợp tác xã (HTX) nuôi tôm (13,3%): Trong nghề nuôi tôm, hai vấn đề khó nhất là quản lý nguồn nước và dịch bệnh. Nghề nuôi tôm ĐBSCL phần lớn tự phát, quy mô nhỏ; khi vụ nuôi thất bại do nhiễm bệnh thì người dân xả thải trực tiếp ra bên ngoài, làm lây lan dịch bệnh. Chính quyền địa phương cần hỗ trợ thành lập các CLB hay HTX nuôi tôm dưới hình thức đồng quản lý, để cùng nhau quản lý tốt nguồn nước và dịch bệnh.
Ngoài ra, một số đề xuất khác cũng cần được chú trọng, như: quy hoạch vùng nuôi; thiết kế lại hệ thống nuôi (ao ương); phát triển mô hình nuôi kết hợp; đào tạo nghề; định kỳ thả tôm ra ngoài tự nhiên để duy trì quần đàn; tăng cường xây dựng Nông thôn mới.