(Thủy sản Việt Nam) – Thiên Cầm, một bãi biển thuộc huyện Cẩm Xuyên, nằm cách thành phố Hà Tĩnh khoảng 20km không chỉ đơn thuần mang một vẻ đẹp hoang sơ, môi trường trong lành, yên tĩnh mà còn hứa hẹn nhiều điều tuyệt vời từ nhiều câu chuyện lịch sử hấp dẫn.
Vùng đất huyền sử
Thiên Cầm là một khu du lịch mới được qui hoạch xây dựng từ ngày 2/11/1993. Tổng thể khu du lịch rộng 200 ha, kéo dài từ ranh giới xã Cẩm Hoà, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh đến bãi Cu Kỳ xã Kỳ Xuân, Kỳ Anh. Phía Đông Nam kéo dài đến xã Cẩm Nhượng và phía Bắc tính từ đỉnh núi xuống bờ biển, chiều rộng từ mớn nước đi vào trung bình 1 – 1,2 km. Từ Thiên Cầm nhìn ra ánh mắt người chạm phải hòn Bớc, hòn Én trông như những cánh phao đang dập dềnh ngoài biển. Đối xứng với bên này núi là Thiên Cầm, bên kia là núi Đầu Voi cùng với Cùm Nậy (núi lớn) và Cùm Con (núi bé) như hai mảnh của phím đàn trời đã án ngự dòng Kỳ La, buộc dòng suối trong văn vắt này uốn lượn rồi đổ êm ra biển.
Thiên Cầm có tới 3 bãi tắm chiều dài tổng cộng gần chục cây số, mỗi nơi một vẻ. Từ đỉnh núi nhìn xuống bãi tắm trông như một cây đàn cầm với bãi cát trắng phau và mịn màng. Về mùa hè nước biển Thiên Cầm xanh màu ngọc bích, bờ biển thoai thoải, ra tới chừng trăm thước mà không hề có lồi lõm. Đến với Thiên Cầm, du khách không chỉ được thỏa thuê tắm mình trong làn nước biển xanh trong, thả mình trên những phiến đá ngắm mây trôi bồng bềnh, lắng nghe những âm thanh tuyệt diệu của tiếng lá reo dọi vào vách núi, tiếng sóng vỗ, tiếng gió biển hòa thành những bản nhạc du dương mà còn được khám phá những truyền thuyết hấp dẫn.
Truyền thuyết kể lại rằng, Vua Hùng thứ 13 trên đường xuống phương nam khi đi qua đây, nghe tiếng sóng vỗ vào hang núi vọng ra âm thanh như tiếng đàn bay lơ lửng trong không gian nên đặt tên núi là Thiên Cầm, có nghĩa là "đàn trời". Từ đó, hàng năm khi mùa xuân đến, các Vua Hùng đều lên đây thưởng ngoạn cảnh trời mây non nước, nghe thông reo và thưởng thức những đặc sản biển. Đồn rằng, vào lúc trời yên biển lặng, đứng trên đỉnh Thiên Cầm có thể nghe được một thứ âm thanh rất lạ như là thứ nhạc của trời.
Có một câu chuyện khác lại kể rằng, vào năm 1407, khi giặc Minh tràn sang, quân nhà Hồ bị bại ở Bạch Hạc, lui về miền Thanh Hoá cố thủ nhưng vẫn không thành, tướng giặc Minh là Trương Phụ đã đuổi theo cha con Hồ Quí Ly, đến đây cha con họ bị bắt nên gọi là Thiên Cầm (trời giữ).
Vươn mình đón biển
Biển Thiên Cầm có nhiều hải sản quý hiếm lên tới cả trăm loài nào là tôm, sò, cua, cá, mực… Theo con đường dọc bờ biển, bạn sẽ đến thăm cảng cá Cửa Nhượng. Nhìn về hướng đông, nơi ngọn núi nhô mình ra biển chính là Bãi Lài. Hang động Bãi Lài đủ chỗ cho vài trăm người vào ngắm cảnh cùng một lúc. Phía trên hang động huyền bí này là nơi những thợ săn đang kiên nhẫn bẫy chim Cu Kỳ nghe đâu từ bên Tây Tạng, Trung Quốc di cư sang Trường Sơn kiếm ăn. Những lão ngư, những thợ săn giàu kinh nghiệm đã khéo léo xếp hàng ngàn viên đá thành bậc thang. Trên những bậc thang chuẩn bị sẵn những giếng nước ngọt tự nhiên. Thợ săn giấu mình vào cây cỏ, cầm chắc tay lưới. Từng đàn chim Cu Kỳ sau thời gian bay mỏi cánh và khát nước trên biển thấy có nước ngọt liền sà xuống. Chọn đúng thời cơ, những chiếc lưới được chụp lên, có lúc bắt gọn cả trăm con Cu Kỳ. Chim Cu kỳ chỉ to bằng con gà thường, lông màu nâu hoặc xanh, có chấm xanh viền ở cổ. Thịt chim Cu Kỳ có vị thơm, ngon đặc biệt.
Bên cạnh đó, du khách có thể leo lên đỉnh ngọn núi cao 108m so với mặt biển để phóng tầm mắt dõi theo những con thuyền đang miệt mài thả lưới và những người dân chài hồn hậu, chịu thương chịu khó, quanh năm trung thành với biển. Họ yêu biển như yêu chính bản thân mình.
Cái nắng, cái gió của vùng biển Thiên Cầm trong trẻo và dịu dàng. Ở đây, thiên nhiên hòa quyện khiến cho con người có thể trút bỏ những lo âu toan tính cuộc đời, vươn mình đón nhận thiên nhiên kỳ thú.
Các điểm du lịch khác trong khu vực:
– Chùa Yên Lạc xây dựng từ thế kỷ 13 gần bãi tắm, chùa có bộ tranh “Thập Điện Diêm Vương” nổi tiếng (sống trên đời và sự trừng phạt dưới âm phủ).
– Thăm quan núi Thiên Cầm hùng vĩ, có bàn cơ tiên trên núi, có dấu chân trái của người khổng lồ in trên phiến đá qua hàng triệu năm giờ vẫn rõ.
– Đền Cầm Sơn được xây dựng từ trước thế kỷ thứ 13, hay còn gọi là đền cha con Hồ Quý Ly, nay còn thờ cả phật và có tên là chùa Cầm Sơn. Núi cao 108m so với mực nước biển, đứng trên đỉnh có thể nhìn rõ toàn bộ bãi biển và đảo gần đó.
– Đi tàu thăm quan đảo Én, Bóc với nước suối Tiên trong vắt ngọt lành.
– Thăm khu du lịch sinh thái hồ Kẻ Gỗ, nơi có phong cảnh sơn thủy hữu tình và có sóng giống như biển hồ.
Huy Hoàn