Ngành thủy sản đang bước vào mùa làm ăn quan trọng nhất trong năm khi nhiều thị trường tăng tốc nhập khẩu hàng chuẩn bị cho các ngày lễ lớn như Giáng sinh, năm mới… Tuy nhiên, do thiếu nguyên liệu sản xuất, nhiều doanh nghiệp (DN) đang “rối bời” vì không biết “đào” đâu ra nguồn hàng để xuất khẩu.
Nguyên liệu chế biến khan hiếm
Thời điểm cuối tháng 10, trên khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, giá cá tra thu mua tại ao đã lên mức 23.500 – 24.500 đồng/kg nhưng người nuôi cũng không có hàng để bán. Tại tỉnh An Giang, cá tra nguyên liệu đạt tiêu chuẩn xuất khẩu có giá lên đến 27.500 – 28.500 đồng/kg. Riêng với cá tra quá lứa, vốn bị DN chê trước kia, nay cũng được các nhà máy chế biến tranh nhau thu mua. Còn tại nhiều tỉnh khác như Đồng Tháp, Vĩnh Long…, sau thời gian dài tuột dốc nay giá cá tra bắt đầu tăng mạnh trở lại, từ 2.000 – 2.500 đồng/kg, so với tháng 9.
Bước vào mùa cao điểm chế biến xuất khẩu, nhưng nhiều doanh nghiệp thủy sản đang đau đầu với bài toán thiếu nguyên liệu chế biến.
Tương tự, những ngày này, con tôm cũng đang được thương lái ra sức săn lùng. Hiện giá tôm nguyên liệu dao động ở mức cao. Cụ thể, tôm sú loại 20 con/kg được thương lái mua ở mức 260.000 – 265.000 đồng/kg; loại 30 con/kg giá 200.000 – 210.000 đồng/kg; tôm thẻ loại 60 – 70 con/kg giá 90.000 đồng/kg… Những tỉnh có diện tích nuôi tôm lớn như Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng… đang xảy ra tình trạng thiếu tôm nguyên liệu gay gắt và các DN chế biến thủy sản đang tranh mua đã đẩy giá tôm nguyên liệu lên cao nhất từ trước đến nay, với mức tăng từ 40.000 – 50.000 đồng/kg.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam, cho biết, giá cá tra xuất khẩu tăng 0,2 – 0,25 cent/kg, lên mức 2,6 – 3 USD/kg nhưng nhiều DN không còn hàng để xuất khẩu. Do thiếu nguyên liệu, nhiều DN chỉ hoạt động 30 – 40% công suất. “Ngoài yếu tố dịch bệnh làm tôm chết hàng loạt, sự cạnh tranh thu mua nguyên liệu từ các thương lái nước ngoài đã làm cho tình hình thiếu hụt căng thẳng, đẩy giá tôm nguyên liệu tăng mạnh. Trong khi đó, do liên tục thua lỗ, thiếu vốn tái nuôi, nhiều hộ nuôi cá tra treo ao cũng khiến nguồn nguyên liệu chế biến trở nên khan hiếm”, ông Hòe giải thích.
Xây dựng chuỗi cung ứng
Theo tính toán, từ nay đến cuối năm 2013, các DN xuất khẩu cá tra cần khoảng 300.000 tấn cá nguyên liệu để cung cấp cho các nhà nhập khẩu. Tuy nhiên, tổng sản lượng cá tra sản xuất của toàn vùng chỉ có thể đáp ứng được 15 – 20%. “Các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 70 nhà máy chế biến cá tra nhưng chỉ có chưa tới 40% số nhà máy có vùng nguyên liệu. Số còn lại phụ thuộc vào người nuôi cá bên ngoài và nguồn cung cấp này đang rất bấp bênh”, ông Hòe cho biết.
Con tôm cũng không khá hơn khi tỉnh Cà Mau, vùng trọng điểm của tôm Việt Nam, cũng chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu về nguyên liệu cho các DN chế biến.
Theo các chuyên gia kinh tế, giải pháp căn cơ tháo gỡ tình trạng trên đã có nhưng việc áp dụng, triển khai vẫn hết sức chậm chạp. Theo đó, DN cần xây dựng vùng nguyên liệu riêng, chủ động liên kết với nhà máy thức ăn chăn nuôi, hỗ trợ con giống và kỹ thuật cho nông dân… Dựa trên nhu cầu sản xuất kinh doanh, DN sẽ ký hợp đồng bao tiêu cho nông dân. Tuy nhiên, để làm được điều này, bản thân DN không thể tự bơi mà cần sự nhập cuộc quyết liệt của các ngành chức năng, đặc biệt là ngành ngân hàng trong việc liên kết xây dựng chuỗi cung ứng chăn nuôi, chế biến, xuất khẩu…
Ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho rằng, thời gian tới, ngành sẽ rà soát lại diện tích, khuyến cáo người dân chỉ nuôi khi đã có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm; hướng người nuôi và doanh nghiệp thiết lập cơ chế chia sẻ lợi nhuận, chia sẻ rủi ro, hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục nghiên cứu xây dựng quy trình hướng dẫn người nuôi cá làm sao giảm được chi phí sản xuất; vận động các bên tham gia chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu…