Thổi bùng khát vọng chinh phục biển

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Hội thảo “Khai thác tiềm năng biển đảo vì sự phát triển bền vững” vừa qua tại Quảng Ngãi đã khai mở nhiều vấn đề. “Phải làm gì để chúng ta không chỉ đứng trước biển mà phải hòa nhập vào biển, trở thành quốc gia mạnh về biển?” là một trong nhiều câu hỏi được các nhà khoa học đặt ra.

Phải tiến ra biển cả

Tổng hợp ý kiến của các nhà khoa học tại diễn đàn “Thương hiệu biển Việt Nam” lần thứ 2 đã được tổ chức tại tỉnh Quảng Ngãi cách đây chưa lâu và Hội thảo “Khai thác tiềm năng biển đảo vì sự phát triển bền vững” vừa qua, có rất nhiều ý kiến buộc mọi người phải suy ngẫm: “Nếu chúng ta suy nghĩ sâu thì một đất nước, một dân tộc đã sống và tồn tại hàng ngàn năm trên dãy đất ven biển như thế mà cho đến nay vẫn chưa có một đội thương thuyền hùng mạnh, chưa có một cảng biển đủ mạnh làm cửa ngõ giao thương với thế giới?”

“Dù là dân tộc sống ven biển, nhưng chúng ta vẫn nặng tư duy nông nghiệp, tư duy lục địa. Phải chăng, chúng ta chưa hình thành được tư của dân tộc biển cả như dân tộc Anh, Nhật. Đó là tư duy khám phá, rộng mở, dám ra khơi đương đầu với sóng gió và cũng biết vào bờ tránh bão theo quy luật sinh tồn của thiện nhiên?”   

Hơn 37.000 ngư dân tỉnh Quảng Ngãi đang làm chủ các vùng biển xa bờ          Ảnh: Lê Văn Chương

Kinh tế biển và vùng ven biển Việt Nam bình quân đạt khoảng 47 – 48% GDP của cả nước, nhưng kinh tế “thuần biển” chỉ đạt khoảng 20 – 22% tổng GDP cả nước. Trong đó, đóng góp của các ngành kinh tế diễn ra trên biển chiếm tới 98%. Nguồn thu này chủ yếu có từ khai thác dầu khí, hải sản, hàng hải, du lịch. Riêng các ngành kinh tế có liên quan trực tiếp tới khai thác biển như: Đóng và sửa chữa tàu, chế biến dầu khí, chế biển hải sản, thông tin liên lạc thì chỉ chiếm khoảng 2% kinh tế biển và 4% tổng GDP của cả nước.

Điều này đã giải thích tại sao một đất nước có hơn 3.000 km bờ biển với diện tích vùng đặc quyền kinh tế biển lớn hơn 3 lần diện tích đất liền nhưng lại chỉ có doanh thu từ biển khoảng hơn 10 tỷ USD, so với 33 tỷ USD của Hàn Quốc, 468 tỷ USD của Nhật và 1.300 tỷ USD của toàn cầu.

Việt Nam có hơn 100 bãi biển đẹp. Tuy nhiên, nhiều người nước ngoài đến Việt Nam làm việc, cuối tuần vẫn đi nghỉ tại Phu ket của Thái Lan hoặc bay qua Indonesia chứ không phải ở Việt Nam. Có thể nói, chúng ta chưa quản lý khai thác có hiệu quả về biển.

 

Tượng đài Hùng binh Hoàng Sa trực chỉ hướng Hoàng Sa

 

Ý chí chinh phục biển

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng: “Đã đến lúc cần có những đột phá mới trong tư duy và chiến lược phát triển kinh tế biển. Phải chuyển nhanh từ phương thức “mò cua bắt ốc” sang phương thức kết hợp: Khai thác mặt tiền, tự do hóa (tức thể chế vượt trước). Đây là công thức thành công của nhiều quốc gia đi trước trong nỗ lực phát triển kinh tế biển và trở thành cường quốc biển…”.

Hiện nay chúng ta phải bỏ cách làm cũ. Đó là mọi tỉnh đều kêu gọi đầu tư gần giống nhau rồi cạnh tranh nhau trong khi mọi nơi đều dựa vào tiềm năng thiên nhiên. Bởi như vậy sẽ dẫn đến tàn phá môi trường thiên nhiên và sẽ lãng phí vốn đầu tư.

Nhiều nhà khoa học đã phân vân: “Việt Nam phải coi trọng bản lĩnh chinh phục biển, loại bỏ tư duy nương nhờ biển. Hiện nay, trình độ phát triển kinh tế biển của Việt Nam rất thấp. Việt Nam mới thể hiện mình là một quốc gia ven biển nhiều hơn là một quốc gia biển. Ước mơ trở thành một cường quốc biển vẫn còn xa”.

Hội thảo khoa học quốc gia về “Khai thác tiềm năng biển đảo vì sự phát triển bền vững”

Tam sơn, tứ hải, nhất phần điền – tức ba phần tư của Việt Nam là biển – biển là nét đặc trưng cơ bản của lãnh thổ nước ta. “Quốc gia biển phải có công dân biển, quốc gia biển phải có thương hiệu biển”. Đó là những con người hiểu biển, yêu biển, biết gìn giữ biển, biết khai thác và sử dụng biển bền vững, sẵn sàng bảo vệ chủ quyền biển đảo. Đó là những bàn chân Việt bước ra biển với trách nhiệm là cho đất nước giàu mạnh. Đó cũng là những cái tên, hình ảnh của các vùng biển, từng hòn đảo, sản phẩm… đi vào cảm xúc và tâm trí của mọi người, được khắc ghi dấu ấn đúng với tầm vóc và vị trí của nó. Và hơn thế nữa, nó cũng là niềm tự hào của dân tộc Việt. 

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Sinh, Viện Khoa học và Xã hội: Từ những cuộc khai quật đã chứng minh, người Quảng Ngãi khai thác biển Đông từ thời cổ đại. Cách đây 2.000 – 3.000 năm, nhiều làng mạc ven biển Quảng Ngãi đã sầm uất, hòn đảo Lý Sơn thời bấy giờ cũng đã được khai phá để tiến ra biển Đông. Người cổ ở Quảng Ngãi cách đây hàng ngàn năm là những cư dân đi biển giỏi nhất Đông Nam Á. Họ dựa vào biển để quảng giao khắp thế giới. Biển đối với họ là nhà.

Bước chân của cổ nhân dù đã cách xa hàng ngàn năm, nhưng trong thế giới đương đại, dân tộc ta vẫn phải tìm lại để trở thành một quốc gia có ý chí chinh phục biển, biển phải trở thành hình tượng thiêng liêng đối với mỗi người dân Việt Nam.   

>> Việt Nam có 28 tỉnh, thành có biển, với tổng chiều dài bờ biển hơn 3.260 km và 1 triệu km2 vùng đặc quyền kinh tế. Ngoài ra, Việt Nam còn nằm trong số 10 quốc gia trên thế giới có chỉ số cao nhất về chiều dài bờ biển so với diện tích lãnh thổ; bờ biển lại mở ra cả ba hướng: Đông, Nam và Tây Nam nên rất thuận lợi cho việc giao lưu thương mại quốc tế qua đại dương. Theo “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, kinh tế biển sẽ đóng góp 53 – 55% GDP, 55 – 60% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện đáng kể đời sống của nhân dân vùng biển và ven biển.                                                 

 LÊ VĂN CHƯƠNG

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!