(TSVN) – Nhiều hãng chế biến tôm châu Âu đangchuẩn bị khởi động thị trường tôm cho mùa Giáng sinh và cuối năm. Đơn hàng được đặt sớm tạo cơ hội để các nước xuất khẩu tôm đẩy mạnh bán hàng.
Theo Sophia Balod, chuyên gia tư vấn thương mại thủy sản tại Seafood Trade Intelligence Portal, hầu hết hãng chế biến tôm tại châu Âu đã bắt đầu đặt hàng để chuẩn bị cho Lễ Giáng sinh và năm mới sớm hơn mọi năm do lo ngại COVID-19 có thể quay lại và bùng phát bất cứ lúc nào. Thị trường tôm sắp tới chắc chắn sẽ có nhiều biến động và rơi vào tình trạng khan hiếm hàng. Tuy nhiên, đây chỉ là hiệu ứng tạm thời do các đơn đặt hàng từ châu Âu tăng đột biến nhưng cũng mang lại cơ hội cho các nước xuất khẩu tôm, đặc biệt là châu Á và Mỹ Latinh.
Phát biểu trong một sự kiện trực tuyến do Cơ quan NTTS quốc gia Ecuador (CAN) tổ chức vào ngày 27 và 28/8/2020, bà Balod khẳng định, các đợt phong tỏa đầu tiên đã giáng một đòn nặng nề vào thị trường tôm tại châu Âu. Tuy nhiên, khi các nhiều nước châu Âu nới lỏng phong tỏa thì nhu cầu nhập khẩu tôm Ecuador bắt đầu phục hồi. Các đơn đặt hàng chủ yếu đến từ các nhà máy chế biến lớn tại châu Âu với số lượng thu mua tương đối lớn để phục vụ các ngày lễ cuối năm.
Ảnh minh họa
Theo Balod, nhiều khách hàng là các công ty chế biến thủy sản lớn tại Tây Ban Nha và Pháp đều nhận thức được khâu chuẩn bị hàng hóa cho Giáng sinh và năm mới sẽ mất nhiều thời gian hơn mọi năm do COVID-19, nên họ đã bắt đầu mua hàng tích trữ từ rất sớm. Tuy nhiên, các công ty xuất khẩu tôm không nên nhầm lẫn giữa nhu cầu tăng cao từ các nhà máy này với nhu cầu trên thị trường tôm nói chung. Thị trường tôm toàn cầu sẽ ghi nhận sự tăng trưởng đột phá trong khoảng thời gian ngắn hạn và ngay sau đó có thể sẽ phải đối mặt với sự sụt giảm cầu đột ngột.
Đợt bùng phát COVID-19 bắt đầu vào đầu năm tại Trung Quốc và các đợt phong tỏa nghiêm ngặt sau đó đã đánh sập gần như hoàn toàn lĩnh vực dịch vụ ẩm thực tại nhiều nước châu Á. Kết quả, giá tôm nhập khẩu giảm và sau đó mới phục hồi đôi chút vào tháng 4 và tháng 5.
Sau khi các đơn đặt hàng trong tháng 4 và tháng 5 phục hồi, nhu cầu tiêu thụ lại bắt đầu chững lại và chậm dần trở lại vào tháng 6 và tháng 7 khi đợt bùng phát virus corona lần thứ hai xuất hiện ở Trung Quốc và chính phủ nước này đã áp dụng các biện pháp phong tỏa và kiểm soát hải quan nghiêm ngặt.
Các ca nhiễm COVID-19 tăng cao càng khiến người tiêu dùng Trung Quốc nghi ngờ về sự an toàn của các sản phẩm thủy sản. Nguyên nhân chính do giới truyền thông đăng tin đợt bùng phát corona lần thứ hai có liên quan đến cá hồi nhập khẩu từ Na Uy bán tại một chợ thủy sản ở Trung Quốc cũng như hàng loạt lệnh cấm nhập khẩu tôm từ Ecuador do bao bì nhiễm virus corona.
Ngành dịch vụ ẩm thực của Trung Quốc cũng đang phục hồi chậm chạp; trong khi một số nhà hàng đã mở cửa trở lại thì số khác vẫn đóng cửa im lìm và rất ngại phục vụ thực khách các món ăn liên quan thủy, hải sản. Alicia Gallardo, Giám đốc Viện NTTS quốc gia Chilê (Sernapesca) khẳng định, khách hàng người Trung Quốc khá cảnh giác và dè dặt trước các sản phẩm thủy sản nhập khẩu.
Theo Balod, các công ty nhập khẩu tôm tại Trung Quốc còn tồn nhiều tôm đông lạnh trong kho nhưng các gian hàng tôm của một vài kênh bán lẻ trực tuyến như JD.com lại luôn trong tình trạng hết hàng. Điều này cho thấy, người tiêu dùng không có nhu cầu mua tôm. Đồng thời, sự kiểm soát gắt gao của hải quan cũng khiến cho hoạt động nhập khẩu tôm vào thị trường Trung Quốc trở nên khó khăn hơn.
Các chuyên gia thị trường đều cảnh báo về một mối đe dọa thực sự từ làn sóng bùng phát virus corona lần thứ hai có thể dẫn đến nhiều đợt phong tỏa vùng quy mô lớn hơn trên toàn châu Âu. Các hãng sản xuất tôm cũng cần phải cân nhắc đến khả năng xảy ra làn sóng dịch bệnh thứ hai này.
Tại châu Âu, ngành thực phẩm đang phục hồi chậm chạp với tỷ lệ hoạt động chỉ bằng 30% so thời điểm trước dịch. Balod cho biết, một số nhà hàng đang mở cửa trở lại và đã cung cấp dịch vụ ăn uống cho khách hàng; song nhiều nhà hàng chỉ phục vụ khách đặt bàn trước. Do đó, mặc dù ngành dịch vụ ẩm thực đang phục hồi, nhưng nhu cầu tiêu thụ vẫn chưa về mức bình thường suốt mùa hè vừa qua. Thực tế, ngành du lịch tại châu Âu cũng đang hồi phục, đặc biệt tại các vùng ven biển, nhưng lượng tiêu thụ thủy, hải sản, đặc biệt là mặt hàng tôm từ khách du lịch cũng thấp hơn hẳn mọi năm do lệnh hạn chế đi lại.
Theo Balod, tùy từng quốc gia, người bán tôm nên tập trung vào các sản phẩm tiện dụng như tôm lột vỏ, giá trị gia tăng, tôm ăn liền; đồng thời quảng bá các lợi ích đối với sức khỏe của tôm để kích cầu. Điều quan trọng với nhà xuất khẩu là phải xây dựng cộng đồng, đặc biệt là cộng đồng số hóa vì nhiều người tiêu dùng đang hoạt động trực tuyến ngay tại nhà suốt quá trình thắt chặt kiểm dịch. Đây cũng là thời gian các hãng xuất khẩu tiếp cận khách hàng mới và tung các chiêu tiếp thị online. Chú trọng truy xuất nguồn gốc và câu chuyện phía sau từng sản phẩm cũng cực kỳ quan trọng bởi đây là yếu tố giúp thúc đẩy doanh số bán hàng.
>> Theo các hãng nhập khẩu thủy sản châu Âu, nhu cầu tiêu thụ từ kênh bán lẻ suốt kỳ nghỉ lễ vào cuối năm nay sẽ thấp hơn nhưng họ vẫn cố gắng mua nguyên liệu và hy vọng có thể bán ra với giá tốt hơn vào dịp lễ. Sản lượng tôm của Ấn Độ và Indonesia được kỳ vọng phục hồi từ tháng 9 trở đi; vụ thu hoạch vào tháng 9 và tháng 10 tới đây sẽ làm gia tăng nguồn cung tôm thế giới và có thể ảnh hưởng đến giá bán trong ngắn hạn. |
Vũ Đức