Dưới đây là một số biện pháp xử lý vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục trong lĩnh vực thú y thủy sản đã được công bố tại một số điều của Nghị định số 119/2013/NĐ-CP để người nuôi nắm bắt thông tin.
Người dân cần tuân thủ phòng, chống dịch bệnh trên thủy sản Ảnh: PTC
Về phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản
Xử lý: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 300.000 – 500.000 đồng đối với hành vi vi phạm không thực hiện các biện pháp phòng bệnh bắt buộc cho động vật thủy sản.
Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 400.000 – 600.000 đồng đối với chủ cơ sở nuôi có một trong các hành vi vi phạm sau: Không chấp hành việc lấy mẫu để kiểm tra, xét nghiệm chẩn đoán bệnh, kiểm tra vệ sinh thú y đối với cơ sở nuôi thương phẩm, cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản; Không báo cho cơ quan thú y ở địa phương khi phát hiện động vật thủy sản bị bệnh hoặc chết nhiều mà không rõ nguyên nhân.
Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 500.000 – 1.000.000 đồng đối với chủ cơ sở nuôi có một trong các hành vi vi phạm sau đây: Cố ý sử dụng thuốc thú y không có trong Danh mục thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam để phòng, chữa bệnh cho động vật thủy sản; Xử lý môi trường khi có dịch bệnh xảy ra không theo đúng hướng dẫn của cơ quan thú y.
Phạt tiền 5.000.000 – 7.000.000 đồng đối với chủ cơ sở nuôi có hành vi vi phạm sử dụng thuốc thú y trong Danh mục thuốc thú y cấm sử dụng để phòng, chữa bệnh cho động vật thủy sản.
Biện pháp khắc phục: Buộc tiêu hủy thuốc thú y đối với hành vi vi phạm theo quy định của nghị định đã công bố.
Về kinh doanh, nguyên liệu làm thuốc thú y, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hóa chất dùng trong thú y; sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản
Xử lý: Phạt tiền 2.000.000 – 3.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm kinh doanh thuốc thú y, nguyên liệu làm thuốc thú y; sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản không đủ điều kiện về địa điểm, kho chứa, trang thiết bị bảo quản.
Phạt tiền 3.000.000 – 4.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Kinh doanh thuốc thú y không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh; Kinh doanh thuốc thú y; sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản chung với thuốc bảo vệ thực vật, thuốc dùng cho người, lương thực, thực phẩm; Kinh doanh thuốc thú y, sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản không thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi thay đổi địa điểm.
Phạt tiền 5.000.000 – 6.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm kinh doanh mỗi loại thuốc thú y; sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản: Có hàm lượng thuốc ngoài mức giới hạn cho phép so với hàm lượng ghi trên nhãn mà nhà sản xuất đã công bố hoặc đăng ký và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; Có khối lượng tịnh, thể tích thực ngoài mức giới hạn cho phép so với khối lượng, thể tích ghi trên nhãn mà nhà sản xuất đã công bố hoặc đăng ký và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Phạt tiền 7.000.000 – 8.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm kinh doanh mỗi loại thuốc thú y; sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản: Không đạt tiêu chuẩn chất lượng bị biến đổi về hình thức như vón cục, vẩn đục, biến đổi màu, lắng cặn, phân lớp, biến dạng; Vaccine thú y không đảm bảo một trong ba tiêu chuẩn vô trùng, an toàn, hiệu lực.
Phạt tiền 8.000.000 – 9.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm kinh doanh mỗi loại thuốc thú y; sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản không có trong Danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam hoặc chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Phạt tiền 9.000.000 – 10.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm kinh doanh mỗi loại thuốc thú y; sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản chứa hoạt chất cấm sử dụng trong Danh mục cấm sử dụng tại Việt Nam.
Hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề thú y từ 1 đến 3 tháng đối với hành vi vi phạm.
Biện pháp khắc phục: Buộc thu hồi, tái chế thuốc thú y, sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đối với hành vi vi phạm; Buộc thu hồi, tiêu hủy thuốc thú y, vaccine, sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.