Không chỉ di chuyển vào các âu thuyền trú tránh, các chủ tàu, thuyền cần biết cách neo đậu để tránh hư hỏng thiết bị, máy móc, ngư cụ khi có bão và biển động.
Nhiều tàu về bờ neo đậu an toàn
Chuyến đánh bắt xa bờ trở về mới đây của ngư dân trên địa bàn tỉnh có thể là chuyến biển cuối cùng trong năm nay khi mùa mưa bão đã đến. Mới đây là cơn bão số 3 và dự báo thời tiết trên biển đang diễn biến phức tạp, đặc biệt áp thấp nhiệt đới sẽ mạnh lên thành bão số 4. Vùng biển và đất liền Thừa Thiên Huế được dự báo sẽ ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão mạnh này, nên tàu, thuyền phải tìm nơi neo đậu, trú tránh an toàn.
Trước cơn bão số 3, chiếc tàu công suất lớn của ông Trần Quốc ở phường Thuận An (TP. Huế) cũng như tất cả các tàu đánh bắt xa bờ trên địa bàn tỉnh đã vào cảng biển, âu thuyền neo đậu. Mùa bão, lũ năm nay là lần đầu tiên ngư dân bớt phần chật vật việc neo đậu tàu, thuyền khi cảng biển Thuận An mới kết hợp khu neo đậu đã hoàn thành, đưa vào sử dụng.
Ông Quốc chia sẻ, ngư dân thật sự rất vui từ khi có cảng biển mới, không chỉ thuận tiện cho việc cập bến, vận chuyển hải sản, hàng hóa mỗi khi ra vào biển mà cả đảm bảo neo đậu trú tránh bão, biển động. Điều mà ngư dân cần phải quan tâm hiện nay là việc neo đậu đúng cách, theo hướng dẫn của ngành thủy sản, chính quyền địa phương nhằm đảm bảo an toàn cho các phương tiện.
Chiếc tàu công suất lớn là tài sản có giá trị rất lớn của ngư dân, nhiều chiếc có giá trị lên đến vài chục tỷ đồng đối với tàu vỏ thép, 5-10 tỷ đồng đối với tàu vỏ gỗ. Tất cả các hạng mục, thiết bị, máy móc, ngư cụ trên tàu đều có giá trị, nếu để xảy ra hư hỏng sẽ gây thiệt hại lớn, ảnh hưởng đến đời sống của ngư dân.
Những năm trở về trước, nhiều tàu, thuyền đã từng xảy ra hư hỏng thiết bị, chân vịt, vỡ mạn… gây thiệt hại từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng. Rút kinh nghiệm từ đó, bà con ngư dân luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, chú trọng và cẩn trọng hơn mỗi khi di chuyển, neo đậu tàu, thuyền trú tránh bão.
Theo kinh nghiệm của ông Quốc, hiện nay luồng lạch ra vào cảng biển, các âu thuyền có nơi bị bồi lắng, gây trở ngại cho việc di chuyển của các tàu công suất lớn. Các chủ phương tiện, thuyền viên phải nắm rõ luồng lạch và tuân thủ theo sự hướng dẫn của chính quyền địa phương, ban ngành trong quá trình di chuyển vào âu thuyền. Do số lượng tàu, thuyền trên địa bàn tỉnh khá lớn buộc các phương tiện phải neo đậu sát nhau, điều này đặt ra yêu cầu ngư dân phải gia cố thêm phao, lốp xe, các vật có lực đàn hồi… nhằm tránh va đập gây hư hỏng mạn tàu trong thời điểm gió lớn, sóng mạnh.
Một điều mà ngư dân phải đặc biệt quan tâm là phải chấp hành các yêu cầu, quy định của các ban ngành, chính quyền địa phương trong quá trình kêu gọi tàu, thuyền tìm nơi trú bão an toàn. Trong quá trình khai thác, trên đường trở về bờ hay trong lúc giằng chống, neo đậu tàu, ngư dân phải mặc áo phao và các điều kiện để đảm bảo an toàn tính mạng. Các trang thiết bị, ngư lưới cụ phải được đưa về bờ bảo quản an toàn. Trong lúc sóng to, gió lớn tuyệt đối không lưu lại trên tàu, thuyền nhằm tránh nguy cơ tai nạn đáng tiếc.
Chủ tịch UBND xã Phú Thuận (Phú Vang), ông Nguyễn Quang Dân thông tin, địa phương luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc kêu gọi tàu, thuyền trở về bờ cũng như hướng dẫn ngư dân neo đậu trú tránh bão an toàn. Trước khi có dự báo bão trên Biển Đông, chính quyền địa phương phối hợp với các ban ngành kêu gọi các chủ phương tiện, thuyền viên di chuyển, tìm nơi trú tránh an toàn. Khi tàu vào bờ, đến các âu thuyền được cán bộ địa phương đến kiểm tra, giám sát và nhắc nhở bà con neo đậu hợp lý, đúng theo quy định, tránh nguy cơ hư hỏng và tránh xảy ra tranh giành, xô xát làm mất an ninh trật tự.
Không riêng lo cho tàu công suất lớn, đánh bắt xa bờ, các địa phương vùng bãi ngang cũng quan tâm tuyên truyền, vận động ngư dân bảo vệ an toàn cho các phương tiện khai thác gần bờ. Dù giá trị tài sản không lớn so với tàu đánh bắt xa bờ, nhưng mỗi phương tiện khai thác gần bờ cũng có giá trị hàng trăm triệu đồng trở lên là tài sản lớn đối với nhiều ngư dân còn khó khăn, cần được bảo vệ an toàn trong mùa bão, lũ.
Ông Hoàng Văn Sửu, Chủ tịch UBND xã Phong Hải (Phong Điền) cho biết, ngoài kinh nghiệm của ngư dân, vào mùa mưa bão hằng năm, chính quyền địa phương tổ chức tuần tra, kiểm soát để nhắc nhở bà con kịp thời đưa thuyền lên các vùng an toàn trú tránh trước khi bão đổ bộ vào đất liền. Nhờ sự chủ động của người dân và sự tích cực của chính quyền địa phương nên nhiều năm trở lại đây, trên địa bàn xã không để xảy ra tình trạng hư hỏng thuyền, ngư cụ, máy móc do bão và biển động.
Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, trên địa bàn tỉnh hiện nay có khoảng 1.900 thuyền bãi ngang khai thác gần bờ và 676 tàu cá đánh bắt xa bờ (trong đó tàu có chiều dài từ 15 mét trở lên 433 chiếc). Qua kiểm tra bước đầu, tính đến ngày 17/9, tất cả các tàu, thuyền không còn hoạt động trên biển, đã trở về bờ và tìm nơi neo đậu an toàn. Tuy nhiên, các ban ngành, chính quyền địa phương vẫn tiếp tục kiểm tra, giám sát nhằm theo dõi, ngăn chặn kịp thời các phương tiện lén lút ra biển khai thác hải sản trong lúc bị nghiêm cấm.