Thừa Thiên – Huế: Cung ứng tôm giống chất lượng

Chưa có đánh giá về bài viết

Theo quy hoạch phát triển tôm giống đến năm 2020, Thừa Thiên – Huế sẽ có 11 trại sản xuất giống thủy sản; trong đó, tôm sú 8 trại, 1 trại tôm thẻ chân trắng; đáp ứng nhu cầu tôm chất lượng cho người dân trong tỉnh.

Chủ động nguồn giống   

Theo thống kê của Sở NN&PTNT Thừa Thiên – Huế, trong tháng 4,  diện tích nuôi thủy sản toàn tỉnh đạt 5.942 ha nuöi thuy sản, trong đó, nuôi tôm 2.466 ha, tăng 6,2%, riêng nuôi tôm sú 2.123 ha, tăng 5,6%, tôm thẻ chân trắng 242 ha, tăng 12,6%. Trong nuôi nước lợ, ngoài diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng, hầu hết diện tích còn lại cơ quan chức năng khuyến cáo tránh nuôi độc canh, nên nuôi xen ghép đa dạng hóa các đối tượng nuôi để hạn chế dịch bệnh xảy ra.

Về sản xuất giống, trong tháng 4 toàn tỉnh sản xuất được 11 triệu con tôm sú, tăng 10%, chủ yếu cung cấp cho các cơ sở nuôi trong tỉnh. Lũy kế 4 tháng đầu năm, Thừa Thiên – Huế sản xuất được 53 triệu con tôm sú giống, tăng 3,9%. Lượng tôm giống thả nuôi trong tháng 4 đạt 23 triệu con, tăng 27,8% so tháng 4/2015; tôm thẻ chân trắng thả nuôi 90 triệu con, tăng 34,3%.

Người nuôi lựa chọn tôm giống từ những cơ sở uy tín – Ảnh: Minh Triết

Trong năm 2015, toàn tỉnh có 22 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản nước lợ, mặn cung ứng con giống cho nuôi trồng của tỉnh (8 cơ sở nội tỉnh và 14 cơ sở ngoại tỉnh), với khoảng 1,2 tỷ con tôm thẻ chân trắng, 235 triệu con tôm sú PL15, trong đó, các cơ sở trên địa bàn tỉnh chỉ đáp ứng khoảng 20%… Năm 2016, nhu cầu giống tôm thẻ chân trắng là 1,5 tỷ con, 250 triệu tôm sú giống, địa phương đang nỗ lực tập trung mọi nguồn lực để thúc đẩy việc sản xuất tôm giống chất lượng, đáp ứng nhu cầu nuôi, tránh tình trạng người dân phải nhập tôm không có nguồn gốc, không kiểm định được chất lượng.

Điển hình cho mô hình sản xuất con giống là ông Hồ Ngọc Vân, xã Phú Thuận, huyện Phú Vang đã mạnh dạn đầu tư trại nuôi tôm giống và trở thành ông chủ. Ông Vân cho biết, Phú Vang là địa phương có tình hình nuôi trồng thủy sản phát triển, nhất là con tôm, cùng đó nhu cầu con giống rất lớn; tuy nhiên, số lượng trại giống lại khá khiêm tốn; chính vì vậy mà ông quyết tâm đầu tư vào lĩnh vực con giống. Hiện, mỗi năm trại giống của ông cung ứng ra thị trường 60 – 70 triệu tôm sú giống. Nhờ áp dụng quy trình sản xuất tôm sú giống chất lượng cao, đã mang lại nguồn thu nhập hàng chục tỷ đồng mỗi năm và ông được mệnh danh là “vua” tôm giống. Ông Vân chia sẻ thêm, quy trình nuôi tôm giống kéo dài khoảng 1 tháng sau khi tôm mẹ đẻ con; tôm bố mẹ được chăm sóc với chế độ ăn và vệ sinh đặc biệt. Sau đó, tôm giống được tách khỏi tôm bố mẹ và chăm sóc cẩn thận trong bể với môi trường nhiệt độ được theo dõi thường xuyên.

 

Để có nguồn giống chất lượng

Để chủ động nguồn giống chất lượng phục vụ nhu cầu tôm giống của người dân trong tỉnh, địa phương đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ cho việc sản xuất tôm giống. Như: quy hoạch vùng sản xuất tôm thẻ chân trắng tại xã ven biển Điền Môn, quy mô 20 ha; trong giai đoạn 2015 – 2017 vận động các doanh nghiệp nuôi tôm chân trắng trên địa bàn hình thành các vùng ương dưỡng giống tôm thẻ chân trắng để cung cấp cho người dân tại các điểm: xã Điền Lộc 1,5 ha, xã Điền Hương 10 ha. Đến giai đoạn 2017 – 2020, khi các trại giống hình thành và đi vào hoạt động tùy theo nhu cầu con giống để có phương án điều chỉnh giảm cơ sở ương dưỡng giống. Còn với tôm sú, ngoài cơ sở sản sản xuất giống của Trung tâm Giống thủy sản ở Phú Hải và doanh nghiệp đã được cấp đất xây dựng tại xã Vinh Xuân, hình thành vùng sản xuất tập trung giống nước lợ (kể cả giống cá nước mặn) tại xã Vinh Xuân, huyện Phú Vang để di dời các cơ sở sản xuất tôm sú giống tại thị trấn Thuận An, xã Phú Thuận đến vùng quy hoạch mới với quy mô 6 ha. Thành lập các vùng ương dưỡng giống tập trung tại các điểm: xã Vinh Hưng (huyện Phú Lộc); xã Phú Xuân (huyện Phú Vang); xã Quảng Công (huyện Quảng Điền) để ương dưỡng giống tôm sú, diện tích 10 – 20 ha/xã.

Theo đó, để đạt mục tiêu đề ra nhiều giải pháp đã được các ban, ngành địa phương tập trung triển khai như: vốn (để giải quyết vốn cho quy hoạch hệ thống nghiên cứu chuyển giao, sản xuất cung ứng giống nông lâm thủy sản trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, vốn được hình thành từ nhiều nguồn: ngân sách nhà nước, từ chương trình, dự án, vốn vay ưu đãi và vốn tự có của người dân); khoa học công nghệ, đầu tư, quản lý nhà nước, hợp tác quốc tế (phối hợp với các viện nghiên cứu, trường đại học và các tổ chức, cá nhân, cơ quan chuyên ngành trong và ngoài tỉnh tham gia, nghiên cứu đào tạo, mở lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ thuật về công tác giống; khảo nghiệm giống, phổ cập kiến thức về sản xuất và kinh doanh giống cây nông lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản cho người sản xuất); thu hút và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia đầu tư, mở rộng vùng sản xuất tôm giống…

Theo ông Lê Trần Minh Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, bên cạnh vấn đề bất cập từ cơ sở hạ tầng trong nuôi tôm cùng với đó là ý thức nuôi tôm của người dân chưa cao, ô nhiễm môi trường vẫn xảy ra thì yếu tố con giống cũng cần phải được quan tâm hơn. Để nuôi tôm hiệu quả, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát các cơ sở cung cấp tôm giống trên địa bàn cũng như nguồn giống nhập tỉnh; đồng thời, các cơ sở cung ứng tôm giống cũng phải cam kết đạt chất lượng, tạo nguồn giống hiệu quả sản xuất cao cho người nuôi.

 >>  Ông Nguyễn Minh Đức, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Thừa Thiên – Huế cho biết, từ đầu năm đến nay, toàn tình đã thả nuôi 6.000 ha tôm, vấn đề dịch bệnh không xuất hiện nhiều. Hiện, địa phương cơ bản đáp ứng nhu cầu con giống cho người nuôi với các thương hiệu hàng đầu như C.P, Việt – Úc, Nam Miền Trung với chất lượng tốt, hiệu quả cao trong nuôi trồng. Địa phương cũng khuyến cáo người nuôi cần lựa chọn tôm giống chất lượng, rõ ràng, được kiểm soát chặt chẽ…

Linh Chi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!