Nhờ biển, gia đình ngư dân Đỗ Thanh Hùng ở thôn 6, xã Vinh Thanh (Phú Vang) có cuộc sống ấm no, khấm khá.
Nhiệt tình dẫn khách đến ngôi nhà mới xây kiên cố, bề thế, người dân trong thôn giới thiệu: “Nhà anh Đỗ Thanh Hùng mới xây cách đây 3 năm. Lúc trước, nhà tạm bợ lắm”.
Ngày biển động nên anh Hùng ở nhà. Vợ chồng con cái cùng nhau cặm cụi vá lưới, chuẩn bị để khi thời tiết đảm bảo sẽ sẵn sàng cho chuyến đánh bắt tiếp theo. Kể về những nỗi vất vả của những năm tháng bám biển, bám nghề, nhưng lại luôn nở nụ cười thật tươi, vợ chồng anh Hùng “đúc kết”: “Nhờ biển, nhờ chịu thương chịu khó, nên gia đình chúng tôi mới có cuộc sống ngày càng ấm no, khấm khá như ngày hôm nay”.
Trước đây, cũng như hầu hết ngư dân trên địa bàn, cha của anh Hùng có con thuyền chèo tay, chở được hai người, khai thác “loanh quanh” gần bờ, với các loại hải sản giá trị không cao. Cuộc sống khó khăn nên năm 13 tuổi, anh Hùng quyết định trở thành ngư dân thực thụ. Hai cha con, cứ 2-3 giờ sáng là ra biển. Chăm chỉ, cần cù nhưng cũng chỉ đủ nuôi sống gia đình. Nhà cửa mãi vẫn tạm bợ, tuềnh toàng.
Ngày biển động, vợ chồng anh Hùng tập trung vá lưới, chuẩn bị cho chuyến ra khơi tiếp theo
Anh Hùng quyết định theo các tàu lớn ở Đà Nẵng vươn khơi xa, câu mực xà. Sau 4 năm tích lũy kinh nghiệm, có phần nào vốn liếng, anh Hùng lại đưa ra một quyết định quan trọng khác, đó là trở về quê, vay thêm tiền, mua chiếc tàu cũ 90 CV.
Mặc dù lần này vẫn đánh bắt gần bờ, nhưng tàu và máy móc, ngư lưới cụ hiện đại hơn, nên khai thác hiệu quả hơn. Ngoài lo cho cuộc sống gia đình, anh cố gắng tích lũy, gom góp. Cách đây 6 năm, anh bán chiếc tàu cũ, cùng 4 ngư dân khác sắm chiếc tàu 750 CV và các thiết bị, ngư lưới cụ tổng trị giá hơn 2,5 tỷ đồng. Bây giờ, anh vươn khơi, tập trung khai thác các loại hải sản giá trị kinh tế cao để xuất khẩu.
Người ngư dân mấy chục năm gắn bó, buồn vui với biển, với nghề bộc bạch với niềm tự hào, rằng không có chuyến ra khơi nào là lỗ cả. Nếu thời tiết thuận lợi, mỗi chuyến khai thác từ 3-5 tấn, lãi ròng từ vài chục đến trăm triệu đồng. Không may thời tiết bất lợi, phải cập bờ sớm hơn dự định, thì cũng đủ các chi phí và có cái ăn.
Trong lúc anh Hùng mải miết với những chuyến ra khơi, chị Nguyễn Thị Gái luôn là “hậu phương” vững vàng, hỗ trợ cho chồng. Trước đây chồng đi biển về, người vợ gánh cá oằn vai chạy trên cát nóng về tận chợ An Bằng (xã Vinh An) ngồi bán. Bây giờ hải sản đánh bắt được đã có thương lái thu mua. Chị Gái dành hết thời gian ở nhà vá lưới. “Chuyến biển nào về, lưới cũng rách, phải vá lại, chuẩn bị cho chuyến sau. Ngày nào cũng từ sáng sớm đến 9-10 giờ đêm mới kết thúc. Nếu thuê người thì phải tốn mất khoản tiền bình quân hơn 5 triệu đồng mỗi tháng. Vậy nên phải chịu thương, chịu khó. Con cái khi rảnh rỗi cũng phụ cha mẹ vá lưới”- chị Gái mộc mạc.
Bám biển, bám nghề, cần cù, gom góp, từ hai bàn tay trắng, vợ chồng ngư dân Đỗ Thanh Hùng nuôi các con học hành tử tế, phụng dưỡng cha mẹ già, xây được ngôi nhà kiên cố, to đẹp với số tiền gần 1 tỷ đồng. Trong câu chuyện, anh Hùng luôn nói về việc “nhờ biển” bằng rất nhiều biết ơn, trân trọng. Cũng như hộ anh Hùng, rất nhiều hộ ngư dân ở Vinh Thanh làm giàu, đi lên, có cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn nhờ biển, nhờ sự cần cù chịu thương, chịu khó.