Thông tin trên được Sở NN&PTNT xác nhận chiều 14/4, sau khi có kết quả quan trắc môi trường tại một số vùng nuôi thủy sản chính.
Nắng nóng, thời tiết diễn biến phức tạp khiến môi trường nước trên vùng đầm phá thay đổi đột ngột, nhiều yếu tố môi trường độc hại phát sinh gây bất lợi cho thủy sản nuôi. Tại một số vùng như Tân Lập, thị trấn Sịa và Bàu Làng, xã Quảng An (Quảng Điền) có độ mặn quá thấp, cho thấy yếu tố khá bất thường so với nhiều năm.
Người dân vùng đầm phá Quảng Điền theo dõi môi trường nước trước khi cấp vào ao nuôi
Sở Nông nghiệp và PTNT khuyến cáo, tại vùng cửa Thuận An, người dân cần giữ nước trong ao lắng 3 – 5 ngày, vận hành quạt khí để loại bỏ tồn dư các chất khử trùng và các loại khí độc; sau đó kiểm tra lại các thông số môi trường trước khi cấp vào ao nuôi.
Với những vùng có độ mặn quá thấp, một số yếu tố môi trường vượt ngưỡng cho phép, người nuôi phải theo dõi tích cực đối tượng nuôi trong ao, sử dụng Zeolite hoặc các loại chế phẩm sinh học, kết hợp kiểm soát pH và nhiệt độ nước để giảm quá trình chuyển đổi các yếu tố môi trường sinh ra khí độc, gây hại đối với thủy sản nuôi.
Các hộ nuôi cần có giải pháp phù hợp khi cấp nước vào ao nuôi, như chọn lúc triều cường, bơm nước thời điểm đỉnh triều cao nhất. Với các ao chuẩn bị thả giống, cần cân bằng độ mặn tương đồng từ cơ sở bán giống để nâng cao tỷ lệ sống sau khi thả nuôi.
Tin, ảnh: Hoàng Thế
Nguồn: Báo Thừa Thiên – Huế