Bước vào vụ nuôi trồng thủy sản mới, người dân trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức: con giống, thời tiết, dịch bệnh…
Thiếu giống chất lượng
Theo Chi cục Thủy sản Thừa Thiên – Huế, trên địa bàn tỉnh hiện có 8 cơ sở sản xuất, ương giống thủy sản; trong đó 5 cơ sở tôm, cua giống, 3 cơ sở cá trê và rô phi. Các cơ sở đều có sự chuẩn bị khá tốt về điều kiện vệ sinh, giống được nhập về từ các công ty ngoại tỉnh có uy tín, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Tuy nhiên, số lượng giống do các cơ sở sản xuất, ương dưỡng chỉ đáp ứng khoảng 20% nhu cầu sản xuất trên địa bàn tỉnh.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất tôm giống cho rằng, thiếu sự hỗ trợ mặt bằng, quy hoạch và nguồn vốn đầu tư là trở lực lớn đối với cơ sở trong quá trình hoạt động, mở rộng quy mô sản xuất tôm giống. Gần 10 năm hoạt động nhưng đến nay quy mô sản xuất của cơ sở chỉ khoảng 200 triệu con tôm giống. Trong khi đó, bình quân mỗi vụ nuôi tôm toàn tỉnh cần khoảng 2 tỷ con giống các loại.
Ảnh minh họa
Ông Võ Văn Chương ở xã Quảng Công (huyện Quảng Điền) cho biết, các khâu chuẩn bị thả tôm đã xong, giờ ông chỉ liên hệ, chọn cơ sở giống uy tín, chất lượng để mua về nuôi. Tuy nhiên, tại địa phương không có cơ sở cung cấp giống nên phải mua ở phía Nam. Các cơ sở sản xuất đều xuất trình các thủ tục kiểm dịch, nhưng thực tế tôm có tiềm ẩn các loại dịch bệnh hay không thì ông Chương cũng như các hộ nuôi khó biết.
Theo khuyến cáo của Chi cục Chăn nuôi – Thú y tỉnh, giống trước khi thả nuôi phải qua kiểm tra, kiểm dịch bằng máy PCR để phát hiện, xử lý các loại dịch bệnh. Song, phần lớn các hộ nuôi không tuân thủ với lý do tốn chi phí, nhưng thực chất mỗi lần kiểm dịch chỉ vài triệu đồng. Số tiền rất nhỏ so với chi phí đầu tư cho vụ nuôi đến hàng trăm triệu đồng.
Vẫn nhiều nỗi lo
Ngoài tôm giống kém chất lượng, thời tiết thất thường… thì hạn, mặn khiến cho người nuôi tôm đứng ngồi không yên. Theo các hộ có kinh nghiệm nuôi tôm, mỗi khi xảy ra nắng hạn thì nguy cơ xâm nhập mặn rất cao. Độ mặn trong ao, hồ thay đổi đột ngột, hoặc vượt quá giới hạn cho phép khiến tôm không kịp thích nghi dẫn đến chết hàng loạt, hoặc chậm sinh trưởng, dịch bệnh.
Khi xảy ra nắng nóng, mực nước trong ao nuôi phải thường xuyên cao hơn 1,3 m và có mức ôxy luôn cao hơn 4 ppm. Lượng thức ăn phải được kiểm soát chặt chẽ thông qua lặn đáy, đánh giá tỷ lệ tôm sống để ước lượng thức ăn chính xác. Đáy ao phải được xử lý sạch, không bị nhờn nhớt, màu nước ổn định. Quá trình cho ăn cần tăng cường thêm vitamin, đặc biệt Vitamin C, khoáng… bổ sung vào thức ăn. Diệt khuẩn nước và cho ăn thuốc khi phát hiện nước bẩn và tôm nhiễm khuẩn. Thực tế cho thấy, nhiều vụ nuôi gặp nắng hạn đều “thất bát” do dịch bệnh, xâm nhập mặn khiến tôm, cá khó thích nghi.
Theo Trung tâm Khuyến nông Thừa Thiên – Huế, trong quá trình nuôi tôm mùa nắng nóng, người dân cần thường xuyên quạt ôxy; bổ sung Vitamin B1, C vào thức ăn; Những ngày nắng nóng cần giảm khẩu phần ăn hoặc ngừng lại…