Thừa Thiên Huế: Thời tiết bất lợi ảnh hưởng tới thủy sản nuôi

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Những ngày gần đây, người dân nuôi cá lồng ở xã Hải Dương (TP Huế) lo lắng trước tình trạng cá nuôi chết hàng loạt, thiệt hại nặng. Một số hộ nuôi, lồng nuôi cá đặc sản gần như chết hoàn toàn, mất trắng. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do mưa kéo dài có thể đã làm cho đối tượng nuôi bị “sốc”.

Theo Chi cục Thủy sản Thừa Thiên Huế, ngày 20/12, vùng nuôi cá lồng trên đầm phá tại thôn Thai Dương Hạ Nam, xã Hải Dương (TP Huế) có 22 lồng cá bị chết với số lượng hơn 14 nghìn con cá các loại như: hồng, mú, nâu, dìa, vẩu, hanh,…

Nhận được thông tin, Chi cục Thủy sản Thừa Thiên Huế đã kiểm tra, lấy mẫu nước để phân tích các yếu tố môi trường. Kết quả cho thấy, có hai thông số về độ mặn và độ đục không phù hợp để nuôi thủy sản nước lợ, việc ngọt hóa hoàn toàn do mưa kéo dài thời gian qua có thể làm cho đối tượng nuôi bị “sốc”. Riêng độ đục có thể bám vào mang làm cho đối tượng nuôi không thể hô hấp và gây chết, đặc biệt đối với thủy sản còn non, kích thước nhỏ.

Cần đảm bảo cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho thủy sản nuôi. Ảnh: BTTH

Cùng đó, do ảnh hưởng các cơn bão và áp thấp nhiệt đới trong tháng 11 kéo dài đến nay nên tại một số địa phương như xã Quảng Công (Quảng Điền), xã Hải Dương (TP Huế), xã Phú Xuân (Phú Vang), xã Giang Hải (Phú Lộc) có thông số về sắt vượt giới hạn cho phép (0,5 mg/lit), có thể ảnh hưởng thủy sản nuôi nước lợ.

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Thừa Thiên Huế, trong thời gian tới, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường nên rất có khả năng trên địa bàn tỉnh sẽ xảy ra mưa vừa, mưa to trên diện rộng, nhiệt độ giảm thấp. Do đó, Chi cục Thủy sản Thừa Thiên Huế khuyến cáo người dân tại các vùng nuôi trên cát ven biển (tôm thẻ chân trắng, ốc hương, cá,…), vùng nuôi dưỡng giống thủy sản và vùng nuôi thủy sản nước ngọt có lịch thả giống vào đầu năm 2025 cần theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, tình trạng sức khỏe của đối tượng nuôi để có biện pháp chống rét phù hợp cho vật nuôi và phát hiện các bất thường để xử lý kịp thời.

Đối với các ao nuôi còn lưu giữ các loại thủy sản chưa đạt kích cỡ thu hoạch phải bố trí ao chứa lắng, có biện pháp kỹ thuật phù hợp khi bổ sung nước. Đồng thời, quá trình nuôi phải đảm bảo cung cấp đầy đủ dinh dưỡng, sử dụng thức ăn có chất lượng cao, bổ sung Vitamin C để tăng sức đề kháng và tính toán lượng thức ăn phù hợp để tránh dư thừa gây ảnh hưởng đến chất lượng nước ao nuôi. Khi nhiệt độ nước ao nuôi xuống dưới 150C thì ngừng cho ăn, tranh thủ các thời điểm nắng ấm trong ngày để cho thủy sản ăn với lượng phù hợp.

Các cơ sở đang nuôi chưa đến kỳ thu hoạch, hoặc thả giống nuôi dưỡng cho vụ nuôi năm 2025 (sau ngày 23/10 Âm lịch) lưu ý thực hiện một số giải pháp để phòng chống mưa lớn, không khí lạnh vào thời điểm cuối năm. Phải duy trì mực nước ao nuôi/bể đảm bảo độ sâu 1,5 – 2 m, mực nước khu vực lồng nuôi từ 2 – 3 m nhằm ổn định và tránh biến động đột ngột nhiệt độ nước nuôi và di chuyển lồng bè đến khu vực ít gió. 

Cơ sở nuôi cá lồng cần chọn ao, hoặc vùng nước có môi trường thuận lợi, phù hợp để di chuyển vào lưu giữ, chăm sóc. Việc di chuyển đối tượng nuôi phải tránh xây xát, mất nhớt và “sốc” trong môi trường mới và cần tiến hành thu hoạch số cá đã đủ kích cỡ thương phẩm.

Với các cơ sở nuôi tôm vụ Đông, ngoài duy trì mực nước trong ao nuôi/bể phù hợp cần có các biện pháp chống rét như làm khung và che phủ bề mặt ao nuôi/bể để bảo vệ tôm nuôi.

Vào mùa đông cần hạn chế thả giống, chỉ tổ chức thả giống đối với các cơ sở đáp ứng đủ điều kiện, có thể chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống rét cho thủy sản. Đồng thời, các hoạt động gây sốc/stress cho thủy sản như kéo lưới, đánh bắt, vận chuyển,… cần phải hạn chế để tránh làm cá yếu và giảm nguy cơ nhiễm bệnh.

Thanh Hiếu

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!