“Điệp khúc” thủy sản chết, lũ cuốn trôi là câu chuyện đã cũ, kèm theo bao thiệt hại, mất mát. Đã đến lúc cần cơ cấu lại khung lịch thời vụ hợp lý, đảm bảo ứng phó biến đổi khí hậu, lũ lụt.
Ông Nguyễn Văn Sử cũng như nhiều người dân xã Giang Hải (Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) bỗng chốc trắng tay khi trận lũ lớn bất ngờ tràn về, khiến hàng trăm ha nuôi trồng thủy sản ngập chìm trong biển nước. Một lượng lớn thủy sản phục vụ nhu cầu thị trường tết đã bị cuốn trôi. Trước khi nước lũ dâng cao, người dân kịp be bờ, gia cố đê bao, chắn lưới bảo vệ; tuy nhiên trong tổng diện tích 223 ha bị ngập có đến hơn 30% bị thiệt hại hoàn toàn.
“Những năm gần đây, các diện tích cao triều ít ngập nên năm nay nhiều hộ chủ quan, một phần thủy sản còn nhỏ và một lượng phục vụ nhu cầu tiêu thụ dịp tết nên chưa thu hoạch. Không ngờ lũ lớn quá, ngập hoàn toàn gây thiệt hại nặng”, ông Nguyễn Thanh Liên ở xã Vinh Thanh (Phú Vang) cho hay.
Chủ tịch UBND huyện Phú Vang, ông Trần Thanh Long thông tin, địa phương có diện tích nuôi thủy sản cao triều, hạ triều rất lớn. Trận lũ đặc biệt lớn bất ngờ đổ về cộng với triều cường dâng cao làm ngập toàn bộ diện tích trên địa bàn 1.465ha. Số diện tích thủy sản của huyện bị ngập, thiệt hại trong trận lũ này chưa từng xảy ra kể từ sau trận lũ lịch sử 1999.
Người dân sửa chữa, khắc phục lồng cá nuôi trên sông Bồ
Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PPTT&TTCN tỉnh, ông Đặng Văn Hòa thông tin, các huyện Phong Điền, A Lưới, thị xã Hương Thủy có khoảng 50 ha ao hồ nuôi cá nước ngọt, hàng chục lồng cá nuôi trên sông bị lũ ngập, cuốn trôi. Tại Phong Điền có hai hồ nuôi ốc hương tại xã Điền Hương với diện tích 1.000 m2, thả nuôi 4,5 tháng (250 con/kg) do mưa quá lớn, độ mặn giảm đột ngột nên bị chết với số lượng khoảng 1,5 tấn.
Lũ lớn đàn cá bố mẹ tại Trại Giống thủy sản nước ngọt Cư Chánh bị trôi, ước khoảng 20kg (50% tổng đàn); cá giống (2-3cm/con) chờ nghiệm thu bị trôi khoảng 8.000-10.000 con. Một lượng ngao bố mẹ tại bãi ngang Phú Hải bị trôi khoảng 70kg (70% tổng đàn + chi phí thức ăn). Đàn cá giống tại Tân Mỹ bị trôi ước tính khoảng 15kg (50% tổng đàn + chi phí thức ăn).
Theo ông Hoàng Công Phong, Chủ tịch UBND xã Quảng Thọ (Quảng Điền), các biện pháp giằng neo lồng bè như lâu nay chỉ mang tính nhất thời, không an toàn. Phương án này chỉ đảm bảo an toàn trong các trận lũ nhỏ, còn lũ lớn thì không thể. Chưa kể, nguồn nước bạc, đỏ ngầu từ đầu nguồn đổ về khiến cá lồng nuôi trên các sông bị chết. Cách đây mấy năm, tại các xã Quảng Thọ, Quảng Phú đã từng thiệt hại hàng chục tỷ đồng do cá diêu hồng chết hàng loạt.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hương Phong (TX. Hương Trà), ông Trần Viết Chức cho rằng, lũ lụt đang diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường. Nuôi trồng thủy sản là một trong những lĩnh vực thường bị thiệt hại lớn do lũ ngập, cuốn trôi. Hằng năm, các địa phương yêu cầu, hướng dẫn thu hoạch trước khi lũ đến nhưng người dân vẫn thiếu chủ động, do nhiều loại thủy sản còn nhỏ, hoặc giữ lại nuôi phục vụ tết… Đã đến lúc phải cơ cấu lại khung lịch thời vụ cho nuôi trồng thủy sản, tránh thiệt hại do lũ lụt.
Ông Nguyễn Văn Thông, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phú Lộc yêu cầu, các cấp, ban ngành cần sớm nghiên cứu các biện pháp quy hoạch vùng nuôi thủy sản một cách hợp lý. Trong đó, tập trung ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng đảm bảo phục vụ sản xuất. Hệ thống điện, nước, đê bao, thủy lợi… đảm bảo cấp nước sản xuất, thoát nước trong mùa mưa lũ. Nuôi cá lồng trên các sông, đầm phá cần phải khảo sát các điều kiện như độ sâu hợp lý, môi trường đảm bảo không bị ô nhiễm…
Nhiều loại thủy sản nuôi lâu nay, người dân thường thả giống vào tháng 2-3 kéo dài đến cuối năm mới thu hoạch. Hoặc nuôi cá lồng trên các sông thường thả nuôi từ đầu năm, kéo dài đến cuối năm. Với lịch thời vụ này sẽ “dính” cả thời điểm nắng nóng và bão lũ.
Theo TS. Mạc Như Bình, Khoa Thủy sản, Trường đại học Nông lâm – Đại học Huế, ngoài quy hoạch vùng nuôi, cơ sở hạ tầng cần phải tính toán ngay về khung lịch thời vụ. Trong điều kiện nguồn vốn, thời tiết, hạ tầng đảm bảo, với nuôi tôm và nuôi xen ghép có thể nuôi hai vụ chính/năm; đồng thời ứng dụng các biện pháp khoa học công nghệ, kỹ thuật tiên tiến nhằm thúc đẩy thủy sản sinh trưởng, phát triển tốt, kịp thời thu hoạch. Mỗi mùa vụ nuôi đảm bảo chỉ kéo dài trong vòng 4-5 tháng.
Ngay sau mùa lũ, bà con cần cải tạo ao hồ, xuống giống đảm bảo sau 4-5 tháng thu hoạch. Đến tháng 6 (qua đỉnh điểm nắng nóng) bắt đầu thả nuôi vụ hai, đến cuối tháng 9 đầu tháng 10 phải hoàn thành thu hoạch. Đối với cá lồng nuôi trên các sông Bồ, Đại Giang, Ô Lâu, kể cả các hồ thủy lợi, thủy điện… nên thả giống ngay sau khi mùa lũ đi qua, đến tháng 7-8 tiến hành thu hoạch sẽ tránh lũ lụt. Để đảm bảo thu hoạch đúng tiến độ, người dân có thể thả giống kích cỡ lớn hơn so với trước đây nhằm đảm bảo sinh trưởng tốt, thu hoạch đúng khung lịch thời vụ.
Theo Sở NN&PTNT, trước mắt, các địa phương, người dân cần tuân thủ quy hoạch, áp dụng các biện pháp kỹ thuật nuôi trồng hợp lý, quy định về kích cỡ, mật độ thả giống…đảm bảo thủy sản sinh trưởng tốt, thu hoạch kịp thời, tránh mưa lũ. Trong điều kiện biến đổi khí hậu, mưa lũ thất thường, ngành thủy sản sẽ phối hợp với các địa phương rà soát, nghiên cứu, cơ cấu lại khung lịch thời vụ một cách hợp lý. Ngành thủy sản sẽ có biện pháp hỗ trợ các địa phương khắc phục nguồn giống thủy sản cho vụ nuôi sắp đến.