Một số loài thủy đặc sản nước ngọt như ba ba, lươn, cá chình… khi nuôi thường sử dụng thức ăn tươi sống. Những thức ăn này giúp thủy sản tiêu hóa tốt, nhanh lớn nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu không được sơ chế cẩn thận.
Các loại thức ăn chính
Hiện nay, nhiều đối tượng thủy đặc sản nước ngọt, lợ, mặn đã có thức ăn công nghiệp hoặc thức ăn tự chế biến. Bên cạnh đó, thức ăn tươi vẫn được sử dụng như một biện pháp hiệu quả để thúc đẩy sự phát triển của vật nuôi. Các loại thức ăn tươi sống bao gồm: cua, ốc, cá tạp, tép, trùn. Những thức ăn này được băm (cắt) nhỏ hoặc cho ăn nguyên con tùy từng giai đoạn phát triển của vật nuôi.
Đối với một số thủy đặc sản nước ngọt như ba ba, cá chình, lươn, cá lóc thức ăn tươi sống là thức ăn chính trong suốt quá trình nuôi. Thức ăn tươi sống có mùi vị mạnh, kích thích vật nuôi bắt mồi và tiêu hóa thức ăn tốt hơn. Có thể cho ba ba, cá lóc, ăn trực tiếp thức ăn sống hoặc hấp chín, sơ chế với một số nguyên liệu khác thành thức ăn.
Thức ăn tươi được cắt nhỏ hoặc cho ăn nguyên con tùy giai đoạn phát triển của vật nuôi – Ảnh: Thanh Nhã
Nâng cao hiệu quả sử dụng thức ăn tươi sống
Điểm yếu của thức ăn tươi sống là dễ gây ô nhiễm môi trường nước nếu cho ăn thừa và nguy cơ lây bệnh từ thức ăn đến vật nuôi. Để khắc phục vấn đề này, khi cho vật nuôi ăn cần chú ý:
– Cho ăn theo địa điểm quy định để vật nuôi dễ bắt mồi, dễ vệ sinh khu vực cho ăn.
– Không cho ăn thức ăn đã bị ươn, thối, loại bỏ những phần cứng như xương, vây. Vớt thức ăn thừa sau khi cho ăn.
– Cần bổ sung thêm vitamin, premix, men vi sinh vào thức ăn tươi sống. Khi vật nuôi bị bệnh có thể tiêm thuốc vào thức ăn tươi sống và cho cá ăn.
– Ao nuôi thủy đặc sản thường là trong ao đất, diện tích nhỏ, vì vậy khi nuôi cần phải tăng cường thay nước cho ao để giúp giảm độ ô nhiễm.
– Không cho ba ba, cá chình, ăn khi nhiệt độ xuống thấp hoặc giảm thức ăn khi nhiệt độ cao.
Hiện nay, nhiều hộ nuôi thủy sản, nhất là nuôi thủy đặc sản đã tự nuôi trùn (giun quế) làm thức ăn tươi sống. Ưu điểm của thức ăn này là người nuôi có thể nuôi sinh khối nên chủ động nguồn thức ăn. Trùn quế dễ nuôi, sinh sản nhanh. Có thể tận dụng rác, phân gia súc làm thức ăn nuôi trùn. Trùn quế làm thức ăn cho cá, đất mùn trong chuồng nuôi trùn có thể tận dụng làm phân bón cho cây rất tốt.
Ngoài việc cho vật nuôi ăn trực tiếp trùn sống, còn có thể xay trùn lấy nước trộn vào thức ăn cho một số loại vật nuôi thủy sản khác như tôm. Trùn quế còn có thể phơi khô, tán thành bột để dành hoặc trộn vào thức ăn cho tôm cá ăn như một loại thức ăn tươi sống có giá trị dinh dưỡng cao.