(TSVN) – “9 bài tham luận và hàng chục ý kiến” đã được các đại biểu nêu ra tại Hội nghị bàn giải pháp thực hiện Đề án phát triển ngành chế biến thủy sản giai đoạn 2021-2023 và kế hoạch của Bộ NN&PTNT triển khai đề án.
Hội nghị diễn ra ngày 09/12/2023 tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa do Cục Thủy sản tổ chức. Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân và Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Khánh Hòa Lê Văn Hoan đồng chủ trì Hội nghị.
Ngày 27/04/2022, Bộ NN&PTNT đã phê duyệt Quyết định số 1572/QĐ-BNN-TCTS Ban hành Kế hoạch của Bộ về triển khai Đề án phát triển ngành chế biến thủy sản giai đoạn 2021 – 2030. Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1408/QĐ-TTg ngày 16/8/2021.
Hội nghị do Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân và Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Khánh Hòa Lê Văn Hoan đồng chủ trì
Phát biểu khai mạc, ông Trần Đình Luân Cục trưởng Cục Thủy sản cho biết: Sau khi Đề án được thông qua, Bộ NN&PTNT đã sớm có kế hoạch triển khai hành động. Chúng ta đặt ra nhiều chỉ tiêu như trở thành nơi chế biến sâu, chế biến thêm nhiều giá trị gia tăng, chuyển trạng thái tăng trưởng từ số lượng như trước kia sang tăng về chất lượng nhưng vẫn phải đảm bảo đến năm 2030 xuất khẩu thủy sản từ 14-16 tỷ USD theo Chiến lược thủy sản. Đây là thách thức không hề nhỏ và để đạt được các mục tiêu quan trọng đó rất cần các giải pháp phù hợp.
Do vậy, thông qua Hội nghị, Cục trưởng Trần Đình Luân mong muốn có nhiều hơn nữa các ý kiến đóng góp, gợi mở từ các đại biểu nhằm đề xuất giải pháp chiếm lĩnh thị trường thủy sản thế giới, từ đó giúp Cục Thủy sản có định hướng phát triển, góp phần chung tay xây dựng ngành thủy sản đạt được mục tiêu đề ra.
Được biết mục tiêu của Đề án đến năm 2030: Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng sản lượng thủy sản chế biến đạt trên 6%/năm; Tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm thủy sản chế biến giá trị gia tăng đạt trung bình trên 40%; Trên 70% số lượng cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu đạt trình độ và năng lực công nghệ sản xuất từ trung bình tiên tiến trở lên; Hình thành một số tập đoàn, doanh nghiệp chế biến thủy sản hiện đại, có tiềm lực kinh tế và trình độ quản lý ngang tầm thế giới; Giá trị chế biến thủy sản tiêu thụ nội địa đạt 40.000 – 45.000 tỷ đồng.
Hiệp hội cá ngừ Việt Nam cho biết: Tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ 10 tháng đầu năm đạt: 692,939 triệu USD, giảm 21,6% so với cùng kỳ 2022. Hiện nay số liệu sản lượng lên bến được thu thập đầy đủ, tuy nhiên việc cập nhật còn chậm. Số liệu chính thức chỉ được cập nhật và công bố thông qua cuộc họp VTFACE hằng năm, gây khó khăn cho các đơn vị khi áp dụng, kiểm soát. Do vậy, cần phải tách biệt cá ngừ khai thác trong nước và nguồn nguyên liệu cá ngừ nhập khẩu.
Về phía doanh nghiệp, đại diện Công ty TNHH Trí Tín – doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam di nhập nguồn rong giống từ Okinawa (Nhật Bản) về trồng thành công Rong nho biển thương phẩm chia sẻ: Ngành rong biển ở nước ta có tiềm năng rất lớn, nhưng phát triển còn khiêm tốn chưa tạo ra giá trị cao.
Nguyên nhân là do: Chưa có sự định hình rõ về hướng đi và đối tượng chính cần tập trung để phát triển; Chưa áp dụng khoa học và kỹ thuật vào công nghệ nuôi trồng, thu hoạch và chế biến nên năng suất và chất lượng sản phẩm chưa cao, chưa tạo ra được giá trị gia tăng cao cho các sản phẩm rong biển; Cách sản xuất còn nhỏ lẻ, tự phát, chưa có sự kết nối thành chuỗi liên kết nên chưa tạo được sản lượng hàng hóa ổn định về số lượng và chất lượng nên khó tìm đầu ra. Điều này dẫn đến hoạt động trồng rong biển chưa ổn định, chưa hấp dẫn doanh nghiệp và các nhà đầu tư lớn.
Để nâng cao hiệu quả triển khai Đề án, ông Lê Văn Hoan, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Khánh Hòa cho biết Sở xác định thời gian tới tổ chức triển khai có hiệu quả các cơ chế chính sách thu hút đầu tư, phát triển chế biến thủy sản; Phát triển khoa học công nghệ.
Bên cạnh đó, tỉnh Khánh Hòa sẽ nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thủy sản chế biến; Đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng, hiện đại hóa công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả chế biến thủy sản; Phát triển thị trường tiêu thụ; Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ ngành chế biến thủy sản; Đảm bảo truy xuất nguồn gốc nguyên liệu thủy sản đưa vào chế biến.
Về giải pháp thúc đẩy chế biến dài hạn, Cục Chất lượng, chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) đề xuất: Cần tổ chức điều tra, đánh giá định kỳ về trình độ công nghệ và năng lực chế biến để xây dựng cơ sở dữ liệu, phục vụ tham mưu chính sách phát triển chế biến; Hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức sản xuất nguyên liệu, phát triển các cụm liên kết sản xuất – chế biến – tiêu thụ nông sản; Tổ chức kết nối thông tin để hỗ trợ chuyển giao công nghệ chế biến bảo quản,…
Kết luận Hội nghị, Cục trưởng Trần Đình Luân đánh giá cao chất lượng của các bài trình bày tham luận với rất nhiều ý kiến đóng góp, chia sẻ xuất phát từ các kinh nghiệm thực tiễn quý báu của các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp. Cục trưởng nhấn mạnh: Để ngành chế biến thủy sản Việt Nam đạt được mục tiêu như kỳ vọng thì rất cần sự gắn kết hơn nữa giữa các bên liên quan: nhà nghiên cứu, nhà quản lý, người nuôi, doanh nghiệp. Việt Nam có nhiều sản phẩm nuôi trồng thủy sản tiềm năng trong đó có rong biển. Do vậy thời gian tới Cục Thủy sản sẽ tham mưu Bộ NN&PTNT định hướng phát triển rong biển cũng như các sản phẩm phát triển bền vững.
Thùy Khánh