T5, 21/11/2024 10:13

Thúc đẩy hiệu quả bảo vệ môi trường ngành thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Sáng 20/11, tại Hà Nội, Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) phối hợp với Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) tổ chức “Hội nghị bảo vệ môi trường lĩnh vực thủy sản năm 2024″. Đây là hoạt động được thực hiện trong khuôn khổ Dự án “Bảo vệ Hệ sinh thái ven biển vùng ĐBSCL (MDC)” do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa kỳ (USAID) tài trợ, bắt đầu triển khai từ năm 2024 – 2025.

Hội nghị lần này nhằm đánh giá kết quả bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản từ Trung ương đến địa phương, trao đổi với các bên liên quan về giải pháp triển khai hiệu quả các mục tiêu đã đặt ra tại Đề án nêu trên, đồng thời xác định ưu tiên cho công tác quản lý và bảo vệ môi trường ngành thủy sản trong thời gian tới.

“Hội nghị bảo vệ môi trường lĩnh vực thủy sản năm 2024″ do Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) phối hợp với Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) tổ chức. 

Thủy sản được xác định là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn trong nền kinh tế biển của Việt Nam với tốc độ tăng trưởng nhanh. Song trong quá trình phát triển, ngành thủy sản cũng đang phải đối mặt với không ít những thách thức, trong đó có vấn đề môi trường và suy thoái hệ sinh thái ven biển. Đây được đánh giá là ngành chịu tác động mạnh mẽ của ô nhiễm môi trường và cũng là ngành sản xuất gây ra ô nhiễm môi trường.

Trong những năm qua, Đảng và Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo, ban hành nhiều chính sách liên quan đến phát triển bền vững ngành thủy sản như Nghị Quyết 36/NQ-TW năm 2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2045; Quyết định số 339/QĐTTg ngày 11/3/2021 của Chính phủ về Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…

Đặc biệt, để giải quyết vấn đề môi trường ngành thủy sản, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 911/QĐ-TTg ngày 29/7/2022 về Đề án Bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản giai đoạn 2021 – 2030. Mục tiêu nhằm kiểm soát, ngăn ngừa ô nhiễm trong các hoạt động thủy sản; phòng ngừa và giải quyết các sự cố môi trường; bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản và môi trường sống, góp phần ngăn chặn suy giảm đa dạng sinh học; nâng cao năng lực thích ứng biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong hoạt động thủy sản để bảo vệ môi trường và phát triển bền vững ngành thủy sản.

Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân nhấn mạnh “Phát triển thủy sản bền vững, có trách nhiệm, thân thiện với môi trường là xu hướng tất yếu của quá trình đưa ngành thủy sản Việt Nam hội nhập với quốc tế”.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Đình Luân – Cục trưởng Cục Thủy sản, cho biết: Sau hơn hai năm triển khai Đề án, bước đầu đã ghi nhận một số kết quả tích cực. Các tỉnh thành trên cả nước đều ban hành kế hoạch, văn bản chỉ đạo tổ chức thực hiện các hoạt động cụ thể của Đề án phù hợp với điều kiện của địa phương. Các tổ chức quốc tế đã phối hợp với cơ quan quản lý chuyên ngành xây dựng các chương trình, dự án lồng ghép các nội dung liên quan đến công tác bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học trong hoạt động thủy sản, góp phần phát huy các nguồn lực phục vụ sự phát triển bền vững của ngành… 

Tuy nhiên, cũng theo ông Trần Đình Luân, trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nước biển dâng ngày càng gia tăng, khó dự báo, nhất là ở vùng ĐBSCL, bên cạnh những kết quả đạt được, việc giải quyết các vấn đề môi trường trong hoạt động thủy sản vẫn phải đối mặt với không ít hạn chế cũng như khó khăn, thách thức.

Cụ thể, việc điều tra, đánh giá chất thải phát sinh từ hoạt động sản xuất thủy sản chưa được thực hiện một cách tổng thể để xác định đúng vai trò, mức độ các tác động đến môi trường, từ đó chưa có nhiều biện pháp giảm thiểu. Hệ thống, thiết bị xử lý chất thải từ hoạt động thủy sản chưa được đầu tư và quan tâm đúng mức, nhất là ở quy mô nhỏ; Hệ thống, thiết bị xử lý chất thải từ hoạt động thủy sản chưa được đầu tư và quan tâm đúng mức, nhất là ở quy mô nhỏ; Các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong chuỗi giá trị thủy sản mới trong giai đoạn phát triển ban đầu, chưa trở thành động lực để tạo sức mạnh phát triển bền vững toàn chuỗi…

Ông Andrew Wyatt, đại diện Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), Trưởng Dự án MDC phát biểu tại Hội nghị

Đồng quan điểm, ông Andrew Wyatt – đại diện Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), Trưởng Dự án MDC, đánh giá: ĐBSCL là một khu vực quan trọng đối với đa dạng sinh học và nghề cá của Việt Nam. Tuy nhiên, khu vực hiện đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng như ô nhiễm, mất đa dạng sinh học, và tác động của biến đổi khí hậu. 

“Trong khuôn khổ Dự án, các bên tham gia đang triển khai nhiều hoạt động. Cụ thể, dự án đánh giá tác động của chất thải từ đánh bắt, nuôi trồng và chế biến đối với các hệ sinh thái thủy sinh tại các tỉnh Kiên Giang và Sóc Trăng; Các chất ô nhiễm như nhựa, hóa chất và chất thải hữu cơ chưa qua xử lý gây hại cho các loài thủy sản. Dựa trên các đánh giá này, chúng tôi sẽ đề xuất các giải pháp để hỗ trợ cộng đồng và doanh nghiệp giảm thiểu chất thải, cải thiện xử lý rác thải, và áp dụng các phương pháp sạch hơn. Những nỗ lực này nhằm bảo vệ hệ sinh thái thủy sinh và cải thiện tính bền vững lâu dài của nghề cá”, ông Andrew Wyatt nhấn mạnh.

Thông qua Hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và đề xuất các biện pháp thiết thực để triển khai tốt công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản cũng như quản lý hiệu quả mạng lưới Khu bảo tồn biển, góp phần thực hiện Nghị quyết 36 của Đảng và các Chiến lược, Đề án phát triển của ngành thủy sản.

Năm 2025 sẽ là thời điểm tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Đề án 911. Do đó, thời gian tới, để thúc đẩy hiệu quả bảo vệ môi trường ngành thủy sản, các bên liên quan cần tiếp tục triển khai một số nhiệm vụ ưu tiên, tập trung vào một số nội dung như: Phát triển và nhân rộng các mô hình xanh, kinh tế tuần hoàn; mô hình sản xuất thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải; mô hình sinh thái thân thiện với môi trường; Quản lý tốt chất lượng môi trường (nước, chất thải…) trong các hoạt động sản xuất thủy sản, giảm tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch thủy sản; Quan tâm sát sao các hoạt động bảo vệ môi trường tại các cảng cá và trên tàu cá; Tăng cường nhận thức về trách nhiệm bảo vệ môi trường ngành thủy sản, bao gồm cả việc giảm thiểu rác thải nhựa đại đương; Đồng thời xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, nhất là sự tham gia của cộng đồng ngư dân, các doanh nghiệp trong các lĩnh vực nuôi, khai thác, chế biến, hậu cần dịch vụ.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân nhấn mạnh: Đề án là cơ hội để chúng ta sử dụng nguồn lực trong nước và nguồn hợp tác quốc tế nhằm làm cho môi trường của chúng ta ngày một xanh – sạch – đẹp hơn. Việt Nam là nước xuất khẩu thủy sản mà môi trường không tốt thì việc khai thác bền vững về lâu dài rất khó. Bảo vệ môi trường chính là bảo vệ hình ảnh cho các sản phẩm thủy sản, hoạt động thủy sản, du lịch và các hoạt động kinh tế xã hội tại địa phương để phát triển một cách bền vững.  

“Phát triển thủy sản bền vững, có trách nhiệm, thân thiện với môi trường là xu hướng tất yếu của quá trình đưa ngành thủy sản Việt Nam hội nhập với quốc tế; phù hợp với các cam kết chính trị của Việt Nam trong việc giải quyết những thách thức nghiêm trọng của toàn cầu về khí hậu, môi trường, suy giảm của các hệ sinh thái, hướng đến mục tiêu phát triển đất nước ta theo con đường “xanh”, Cục trưởng Trần Đình Luân khẳng định.

Thu Hồng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!