Thực hiện “2 trong 1” mục tiêu chiến lược biển Việt Nam

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Đề án Kiểm soát dân số các vùng biển, đảo và ven biển giai đoạn 2009 – 2020 (Đề án 52) được triển khai gần 2 năm, bước đầu đã đem lại hiệu quả. Nhìn lại chặng đường đã qua, PV Tạp chí Thủy sản Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Hồng Quân (ảnh) – Phó Giám đốc Ban Quản lý Đề án 52.

Ông có thể cho biết mục tiêu cơ bản của Đề án 52?

Có thể nói mục tiêu của Đề án 52 nhằm hướng tới góp phần thực hiện được “2 trong 1” của mục tiêu Chiến lược biển Việt Nam đến 2020: Hai ở đây là mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội phải gắn với giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển, đảo của Tổ quốc. Một ở đây là Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 đã được Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá X thông qua, để đạt được mục tiêu tổng quát “đến năm 2020 phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển”, mục tiêu cụ thể từng bước hoàn thiện và ban hành chính sách đặc biệt về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, chăm sóc sức khỏe sinh sản – kế hoạch hóa gia đình (SKSS – KHHGĐ), từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống và chất lượng dân số để thu hút và khuyến khích mạnh mẽ nhân dân ra đảo định cư lâu dài và làm ăn dài ngày trên biển, vừa phát triển kinh tế, vừa làm nhiệm vụ bảo vệ vùng biển của Tổ quốc”.

 

Đề án 52 đi vào thực tế đã gần 2 năm, đến nay, hiệu quả mà Đề án mang lại cho dân số vùng biển, đảo và ven biển là gì, thưa ông?

Triển khai Đề án 52, từ trung ương tới địa phương đã nỗ lực hoàn thành kế hoạch đề ra. Tại trung ương, công tác chỉ đạo điều hành được Ban Quản lý đề án phối hợp với các đơn vị trong Tổng cục đã tham mưu, trình lãnh đạo Tổng cục và Bộ Y tế  ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai Đề án. Song song là việc thực hiện các biện pháp tuyên truyền, vận động, điều tra, khảo sát… Tại địa phương, thực hiện đồng bộ 6 nhiệm vụ của Đề án cũng đã mang lại kết quả. Như nhiệm vụ: Đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em và KHHGĐ ở vùng biển, đảo và ven biển. Tính đến tháng 5/2010, tổng số trong 28 tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc trung ương đã có 138 Đội lưu động được thành lập trong năm 2009 và 2010. 20/28 tỉnh, thành phố (71,4%) đã thành lập đủ các Đội lưu động cho các huyện thuộc địa bàn Đề án 52 của tỉnh…

 

Trong năm qua, mô hình cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS luôn được chú trọng. Theo ông, để xây dựng các mô hình này đạt yêu cầu cho người dân vùng biển, đảo, ven biển chúng ta phải làm gì?

Về vấn đề này, Lãnh đạo Tổng cục luôn chỉ đạo các đơn vị thực hiện Đề án 52 các cấp theo định hướng và xác định rõ là ngành dân số đã trực thuộc Bộ Y tế, vì vậy công tác tuyên truyền và cung cấp dịch vụ không thể tách rời nhau mà phải luôn đồng hành và hỗ trợ cho nhau. Cụ thể ở đây các mô hình đều có sự lồng ghép truyền thông và cung cấp dịch vụ. Năm 2009 và 2010, trong việc thiết kế các mô hình, Tổng cục DS-KHHGĐ đã huy động các đơn vị y tế đầu ngành, có kinh nghiệm trong việc chăm sóc sức khỏe nói chung và sức khỏe sinh sản nói riêng, cụ thể như  Học viện Quân y, Đại học Y Hà Nội, Đại học Y Hải Phòng, Viện Y học Biển Việt Nam tham gia thực hiện các hoạt động thuộc nhiệm vụ của Đề án 52 trong việc thiết kế, thử nghiệm và triển khai nhân rộng các mô hình cho các địa bàn Đề án theo tiến độ thời gian đã nêu ở trên.

Để mô hình đạt yêu cầu, dưới sự chỉ đạo và lãnh đạo của Tổng cục, kinh phí thuộc Đề án 52 không đầu tư dàn trải mà phải có mục tiêu cụ thể phù hợp đối với từng địa bàn, đối tượng cụ thể, nhu cầu thực tế, có đánh giá để từ đó cái gì có hiệu quả sẽ cho nhân rộng…. Vì vậy, để thiết kế mô hình chúng tôi đều triển khai theo 5 bước:

 

Bước 1: Khảo sát các chỉ số ban đầu phục vụ việc thiết kế mô hình

Bước 2: Thiết kế mô hình khả thi

Bước 3: Thử nghiệm mô hình tại địa bàn

Bước 4: Đánh giá tính khả thi của mô hình đề xuất thông qua thử nghiệm can thiệp thực tế tại địa bàn

Bước 5: Nhân rộng mô hình cho các địa bàn thuộc Đề án.

 

Vậy để thực hiện tốt Đề án 52, Tổng cục Dân số có kế hoạch chỉ đạo với các địa phương như thế nào?

Như chúng ta biết, đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và có hiệu lực từ 25/5/2009, do vậy năm 2009 thời gian thực hiện chỉ có 7/12 tháng kế hoạch. Đặc biệt, các hoạt động của Đề án là mới và có nhiều nét đặc thù, triển khai tại các địa bàn có nhiều yếu tố không thuận lợi về địa lý, giao thông, đặc thù nghề nghiệp, phong tục tập quán… . Với những khó khăn, thách thức nêu trên, Tổng cục DS-KHHGĐ đề nghị các tỉnh/thành phố cần nỗ lực, khắc mục mọi khó khăn để phấn đấu thực hiện hoàn kế hoạch 2009, làm tiền đề cho việc thực hiện Đề án năm 2010 và giai đoạn 2011- 2015.

 

Thưa ông, triển khai Đề án 52 trong việc chăm sóc sức khỏe BMTE, SKSS/KHHGD cho người dân vùng biển, đảo và ven biển, mong muốn của Tổng cục Dân số là gì?

Theo chủ đề ngày Dân số Thế giới năm 2010: “Mọi người đều được quan tâm”. Từ đó mong muốn của chúng tôi là người dân các vùng ven biển, đảo đặc biệt là ở các đảo xa nơi có nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng, trang thiếu bị và cán bộ y tế còn thiếu và yếu, giao thông đi lại khó khăn…sẽ được hưởng đầy đủ các chính sách và các dịch vụ xã hội cơ bản, đặc biệt là dịch vụ tư vấn và cung cấp dịch chăm sóc SKBMTE- SKSS. Cụ thể, người dân muốn được chăm sóc sức khoẻ nói chung và SKSS/KHHGĐ nói riêng phải đến các cơ sở y tế để được nhận dịch vụ, họ có thể đến các cơ sở y tế gần và thuận tiện nhất, hoặc sẽ được cung cấp các dịch vụ tại nơi người dân các vùng biển, đảo sinh sống và làm việc, nơi địa bàn có nhiều yếu tố không thuận lợi về địa lý, môi trường, giao thông không thuận lợi.

 

Phương hướng thực hiện Đề án 52 trong năm 2011và định hướng mới nào sẽ được chú trọng, thưa ông?

Định hướng cơ bản cho giai đoạn 2011 – 2015, Tổng cục xác định những nội dung cơ bản: Kiện toàn và nâng cao năng lực tổ chức bộ máy quản lý thực hiện Đề án từ Trung ương đến địa phương; Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền vận động nhằm tạo thuận lợi về môi trường chính sách, đầu tư nguồn lực và tạo dư luận xã hội cho tổ chức thực hiện Đề án. Chú trọng kênh truyền thông trực tiếp, lấy đội ngũ cộng tác viên và tuyên truyền viên DS-KHHGĐ, y tế cở sở làm lực lượng chủ đạo. Thí điểm và nhân rộng các mô hình can thiệp có hiệu quả, xây dựng các mô hình can thiệt mới phù hợp trong việc đáp nhu cầu chăm sóc sức khỏe BMTE/KHHGĐ. Ưu tiên tổ chức Đội lưu động y tế – KHHGĐ tuyến huyện.  

Củng cố hệ thống thu thập dữ liệu, thông tin phục vụ việc xây dựng kế hoạch, quản lý và tổ chức triển khai hoạt động. Tăng cường, phối hợp kiểm tra, giám sát và hỗ trợ kỹ thuật cho các địa phương để thực hiện các nhiệm vụ và các hoạt động của Đề án 52.

Trân trọng cảm ơn ông!

Một số kết quả đạt được khi thực hiện Đề án 52 tính đến tháng 5/201: có 62.774 bà mẹ mang thai đã được khám thai; 432.990 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ được khám phụ khoa và các dịch vụ KHHGĐ. Trong đó, 86,0% các dịch vụ được thực hiện tại Trạm Y tế xã và 14,0% được thực hiện tại các xe lưu động. 31.102 trẻ em qua báo cáo của 7 tỉnh, thành phố (Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hoá, Đà Nẵng, Quảng Nam và Phú Yên) đã được các Đội lưu động khám kiểm tra sức khỏe và điều trị các bệnh thông thường. Tổ chức khám và điều trị các bệnh phụ khoa, các bệnh lây truyền qua đường tình dục cho 285.500 trường hợp (theo báo cáo của 22 tỉnh, thành phố). Quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận với các cơ sở dịch vụ. Thực hiện một số xét nghiệm như siêu âm, soi tươi (80.558 trường hợp), làm phiến đồ âm đạo (18.057 trường hợp)…

Giang Nam

 

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!