Thực hiện Đề án 52: “Đầu vào” chất lượng nguồn nhân lực được nâng cao

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Được triển khai từ năm 2009, đến nay, Đề án Kiểm soát dân số vùng biển, đảo và ven biển (Đề án 52) đã ngày càng khẳng định được ý nghĩa và vai trò quan trọng trong công tác Dân số – KHHGĐ tại 28 tỉnh, thành thuộc địa bàn Đề án nói riêng và trên cả nước nói chung.

 

Đạt và vượt mục tiêu

Sau 2 năm hoạt động, 28/28 tỉnh, thành (100%) ven biển trực thuộc Trung ương đã phê duyệt Đề án 52 giai đoạn 2009-2020. 100% các tỉnh đã thành lập Ban quản lý Đề án cấp tỉnh; 151 quận, huyện thành lập Ban quản lý cấp huyện. Đặc biệt, 11/28 tỉnh, thành phố hỗ trợ thêm kinh phí từ nguồn của địa phương (Hải Phòng, Thái Bình, Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên – Huế, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận và Kiên Giang) với tổng kinh phí hơn 6 tỷ đồng.

Từ những nguồn kinh phí này, nhiều địa phương đã có những cách làm hay, sáng tạo. Theo bà Hoàng Thị Tâm – Phó Giám đốc Sở Y tế, kiêm Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Thừa Thiên – Huế, ngoài đội lưu động cung cấp dịch vụ (theo mô hình chung của Đề án), Huế còn trích nguồn kinh phí hỗ trợ công tác dân số hàng năm của tỉnh xây dựng mô hình "đội truyền thông lưu động", đến từng nơi khó khăn như đầm phá, cửa sông, sử dụng loa đài phát nội dung tuyên truyền, bà con vừa làm, vừa nghe, vừa được tuyên truyền, hướng dẫn cụ thể. Hay ở Phú Yên, sau cơn bão số 11 năm 2009, vùng biển Phú Yên bị tàn phá nặng nề, bà con chỉ tập trung vào xây dựng lại nhà cửa, tổ chức sinh hoạt ổn định. Để "giữ nhịp" công tác DS-KHHGĐ, Chi cục Dân số tỉnh đã phối hợp cùng Bộ đội Biên phòng xây dựng các chương trình văn nghệ, các vở kịch tuyên truyền về SKSS/KHHGĐ. Các tiểu phẩm sân khấu hóa đó được đông đảo bà con xem và hưởng ứng.

Ngoài đội lưu động tuyên truyền, tư vấn, cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, KHHGĐ; chăm sóc SKSS cho các nhóm đối tượng của Đề án, các mô hình tại địa phương như: Mô hình tư vấn và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân, mô hình sàng lọc trước sinh và sơ sinh ngày càng khẳng định được ý nghĩa nhân văn, góp phần thực hiện nhiệm vụ mà ngành Dân số được giao là "lo đầu vào" của chất lượng nguồn nhân lực.

Theo tổng hợp báo cáo từ 28 tỉnh, thành thuộc phạm vi Đề án 52, trong 2 năm qua, số bà mẹ có nguy cơ cao vùng biển, đảo và ven biển đã được khám và tư vấn trong quá trình mang thai là 9.210 người; cấp 8.862 gói đẻ sạch cho các bà mẹ không có điều kiện sinh con tại cơ sở y tế; thực hiện xét nghiệm soi tươi và làm phiến đồ âm đạo cho 103.277 ca; 30.969 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ từ 15-49 tuổi đã tham gia sinh hoạt nhóm, sinh hoạt câu lạc bộ. Dân số vùng biển, đảo, ven biển đến cuối năm 2010 là 31,1 triệu người, vượt mục tiêu đề ra là "quy mô dân số vùng biển, đảo, ven biển không quá 32 triệu người vào năm 2010". Tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đạt 70% (đạt mục tiêu).

 

Nhìn chung, nhận thức về DS-KHHGĐ của ngư dân vùng biển, đảo còn chưa cao            Ảnh: Huy Hùng

 

Đối phó với thách thức

Mặc dù đạt được những kết quả đáng khích lệ, người dân sinh sống và làm việc tại các vùng biển, đảo, và ven biển đồng tình hưởng ứng, tuy nhiên, công tác DS-KHHGĐ nơi đặc thù này vẫn còn nhiều thách thức, khó khăn. Trong số 28 tỉnh chưa đạt mức sinh thay thế trên cả nước, có 12 tỉnh ven biển. Cũng trong năm 2010, vẫn còn 26 tỉnh có tỷ suất sinh thô cao hơn mức trung bình cả nước, trong đó có 6 tỉnh ven biển là: Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam, Ninh Thuận. Cả nước có 35 tỉnh, thành có tỷ số giới tính khi sinh ở mức cao trên 110, trong đó có 18 tỉnh, thành phố ven biển.

Theo ông Phan Chí Thành – Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh), một người gắn bó lâu năm với ngành Dân số, tại các xã vùng biển, phần lớn chị em đều tham gia buôn bán nhỏ và nội trợ là chính, đời sống bấp bênh phụ thuộc vào các mẻ lưới nên nhận thức rất hạn chế, y thức bảo vệ sức khỏe rất kém, tình trạng viêm nhiễm đường sinh dục rất cao, chiếm trên 70% số phụ nữ đến khám. Bên cạnh đó, nhiều cán bộ làm dân số chia sẻ, do trình độ dân trí tại địa bàn không đồng đều, đặc thù công việc người dân vùng biển vắng nhà thường xuyên, nhiều phong tục tập quán lạc hậu còn tồn tại, lại thêm tư tưởng sinh con trai để "nối dõi tông đường", lấy sức lao động làm trụ cột gia đình, do đó, công tác tuyên truyền vận động, cung cấp dịch vụ gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra, đối với dân cư vùng này, tình trạng chuyển cư xảy ra rất thường xuyên, đối tượng chủ yếu là người trong độ tuổi sinh đẻ, khi đó, người ở lại địa phương sẽ chỉ còn người già và trẻ em. Già hóa dân số là thách thức lớn được đặt ra cho ngành dân số. Thêm vào đó, cư dân vùng biển mải mê kiếm kế sinh nhai, việc học hành của trẻ em hạn chế, do đó, chất lượng sống, chất lượng dân số còn rất thấp.

Để góp phần giải quyết những khó khăn và thách thức đó, theo các chuyên gia, cần phải đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, giáo dục, vận động, thuyết phục nhân dân vùng ven biển nhằm nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi có lợi trong việc chăm sóc sức khoẻ cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Ở góc độ khác, cần sớm có các chính sách đặc biệt về dịch vụ CSSKBMTE, SKSS/KHHGĐ để thu hút và khuyến khích mạnh mẽ nhân dân làm ăn sinh sống dài ngày trên biển, sống gắn bó lâu dài trên đảo để vừa phát triển kinh tế, vừa làm nhiệm vụ bảo vệ vùng biển quốc gia. Đó, có thể là cử, luân chuyển cán bộ y tế, dân số, giáo viên… phục vụ tại đảo, cung cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, trường học, có chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người dân….

 

>> Theo mục tiêu Đề án 52, phấn đấu đến năm 2015, quy mô dân số vùng biển, đảo, ven biển đạt 34 triệu người, năm 2020 là 37 triệu người. Tỷ lệ các cặp vợ chồng áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đạt 72% (2015-2020). 28 tỉnh, thành phố thuộc Đề án 52 sẽ đạt mức sinh thay thế.

 Xuân An

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!