THỰC HIỆN ĐỀ ÁN 52 Ở QUẢNG BÌNH: Cơ hội nâng cao chất lượng dân số

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Vùng biển và ven biển của Quảng Bình có dân số trên 180.000 người, chiếm 21,2% dân số toàn tỉnh và 21,04% tổng số lao động. Do nhận thức còn hạn chế, trước đây, tỷ lệ gia tăng dân số ở Quảng Bình, nhất là sinh con thứ 3 trở lên còn cao, công tác CSSKSS – KHHGĐ gặp nhiều khó khăn. Đề án 52 được triển khai mở ra nhiều cơ hội cho người dân tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ.

Thực trạng

Trong tổng số trên 180.000 người sinh sống ở vùng biển và ven biển của tỉnh Quảng Bình, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có chồng là 40.856 người, chiếm tỷ lệ 58,59% trong tổng số phụ nữ từ 15 – 49 tuổi. Tỷ suất sinh ở khu vực biển, ven biển Quảng Bình thường cao hơn tỷ lệ chung của cả tỉnh. Năm 2009, tỷ lệ này là 16,5%0 (cả tỉnh  là 1,46%0). Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên là 20,19% (cả tỉnh là 4,03%). Tỷ lệ các cặp vợ chồng áp dụng các biện pháp tránh thai mới chỉ đạt 63,31%. Tình hình CSSKSS cho phụ nữ có thai đạt 60,8%, tỷ lệ trẻ em sơ sinh chết và sơ sinh sớm là 0,65%…

Nguyên nhân có thể là do lao động ở khu vực này chủ yếu hoạt động trên biển, thường xuyên xa nhà, nên công tác tuyên truyền, vận động thực hiện các chính sách dân số còn gặp nhiều khó khăn. Đối với phụ nữ, do lao động trong môi trường biển lâu năm, trước khi kết hôn lại không được tư vấn, thăm khám để ngăn ngừa những yếu tố có thể ảnh hưởng đến sự mang thai và chất lượng bào thai. Cơ sở vật chất, mạng lưới cung cấp dịch vụ CSSKSS và KHHGĐ còn hạn chế, vừa thiếu, vừa yếu, chưa phù hợp với đặc điểm môi trường và khí hậu vùng miền. Một số xã thậm chí chưa có trạm y tế, hoặc trạm y tế chưa có bác sỹ. Và không chỉ số lượng lao động vùng biển, ven biển tại chỗ, mà số lượng lao động liên quan đến các hoạt động kinh tế biển di chuyển từ những nơi khác đến làm ăn, sinh sống cũng còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các hoạt động CSSK nói chung và CSSKSS nói riêng…

 

Đề án 52 – giải pháp quan trọng

Có thể nói, việc triển khai thực hiện Đề án 52 ở Quảng Bình là một giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng dân số, giúp người dân được tiếp cận các dịch vụ CSSKSS và KHHGĐ, phòng chống những bệnh tật lây qua đường tình dục, phòng ngừa mang thai ngoài ý muốn, tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về dân số…

Quảng Bình đẩy mạnh công tác truyền thông dân số cho ngư dân

Theo đó, phấn đấu giữ vững dân số vùng biển, ven biển ổn định khoảng 282.000 người (năm 2015) và dừng lại ở 297.000 (năm 2020). Phấn đấu đưa tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại tăng lên 70-75% (giai đoạn 2015-2010); đến năm 2020 có 90-95% bà mẹ được tiếp cận các dịch vụ CSSKSS; tỷ lệ trẻ em bị dị dạng, dị tật, thiểu năng trí tuệ bình quân hàng năm giảm từ 3 – 5%…

 

Giải pháp

Để triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án 52, ngay từ năm 2010, cấp uỷ, chính quyền các cấp từ tỉnh đến các xã vùng biển và ven biển tỉnh Quảng Bình đã thực sự vào cuộc và có nhiều động thái tích cực. Chỉ mới 1 năm thực hiện Đề án, nhưng nhiều xã vùng biển, ven biển của tỉnh thực hiện khá đồng bộ các biện pháp để giảm thiểu dân số, nhất là tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên và nâng cao chất lượng các dịch vụ CSSK – SKSS, như Quảng Thọ, Quảng Phúc (Quảng Trạch), Hải Trạch, Nhân Trạch (Bố Trạch), Bảo Ninh (Đồng Hới), Hải Ninh, Lương Ninh (Quảng Ninh)…

Để làm được điều này, ngoài việc đầu tư xây dựng và nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất phục vụ cho công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ nhân dân, cấp uỷ, chính quyền các xã đã kịp thời xây dựng nghị quyết chuyên đề chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án. Đồng thời chỉ đạo cả hệ thống chính trị thực sự vào cuộc với những cách làm sáng tạo, phù hợp với từng địa bàn. Mặt khác, bên cạnh sự nỗ lực của đội ngũ làm công tác dân số thì công tác truyền thông dân số đến đoàn viên, hội viên và nhân dân luôn được các đoàn thể – chính trị xã hội chú trọng với nhiều cách làm sáng tạo… Tiêu biểu như cách làm lồng ghép tuyên truyền của các xã ở huyện Quảng Ninh trong lễ hội đua thuyền truyền thống dịp Quốc khánh mồng 2/9 hàng năm; lồng ghép truyền thông công tác dân số trong lễ hội cầu ngư đầu năm của xã vùng biển Nhân Trạch (Bố Trạch); lồng ghép tuyên truyền chính sách dân số trong các buổi sinh hoạt thường kỳ của các đoàn thể như Hội Nông dân, Hội LHPN, Hội Cựu Chiến binh, Đoàn Thanh niên ở xã Bảo Ninh (Đồng Hới)…

Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, tin chắc rằng Đề án 52 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình sẽ thu được nhiều kết quả quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận được các dịch vụ CSSK, nhất là CSSKSS, góp phần nâng cao chất lượng dân số nói riêng và nâng cao đời sống mọi mặt cho người dân vùng biển và ven biển nói chung.

Trương Văn Hà

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!