Thực hiện Đề án 52 tại Sầm Sơn – Thanh Hóa: Hiệu quả nhờ vai trò tích cực của cộng tác viên

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Năm 2011 là năm thứ ba Đề án 52 được triển khai ở Sầm Sơn. Mặc dù quá trình thực hiện còn gặp nhiều khó khăn nhưng nhờ vai trò của các tích cực của đội ngũ cộng tác viên dân số, Đề án 52 đã phát huy hiệu quả.

Khó khăn ban đầu

Với vị trí địa lí giáp biển, trong đó lao động ngư nghiệp chiếm khoảng 6.420 người, Sầm Sơn nằm trong diện triển khai thực hiện Đề án 52 của tỉnh Thanh Hóa. Khi có Đề án 52, Phòng DS-KHHGĐ thị xã đã sớm phối hợp với Bệnh viện Đa khoa, UBND các xã, phường triển khai tuyên truyền, phổ biến đến cho người dân. Mục tiêu tập trung ở những vùng trọng điểm đông dân cư như cửa sông, cửa biển, âu thuyền, cảng cá, khu công nghiệp, khu du lịch; hình thành ý thức cho người dân về nhu cầu sử dụng các dịch vụ về CSSKSS/KHHGĐ; nhằm cung cấp các kiến thức, kỹ năng cần thiết cho cán bộ y tế cơ sở và mạng lưới cộng tác viên dân số.

Ở huyện Sầm Sơn, vai trò của công tác viên dân số trong công tác CSSKSS/KHHGĐ là rất lớn

Sầm Sơn có quy mô dân số lớn (61.900 người), tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên rất cao, chiếm gần 15%, cao hơn mức trung bình của tỉnh. Người dân có tâm lý thích sinh đông con, nhất là con trai để có người đi biển, có thêm nhân lực làm kinh tế gia đình, kiến thức về chăm sóc sức khoẻ sinh sản, chăm sóc trẻ sơ sinh… của người dân còn nhiều hạn chế. Có những hộ gia đình cả bố mẹ, con cái đi biển hàng tuần, hầu như họ khôngđược tiếp cận các thông tin truyền thông về chính sách kinh tế, xã hội, chính sách DS – KHHGĐ. Bố mẹ ít có điều kiện tiếp cận với cán bộ địa phương, ít quan tâm đến kiến thức khoa học, con cái cũng chưa được chăm sóc, nuôi dưỡng chu đáo… Bên cạnh đó, việc tiếp cận để tuyên truyền, cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ còn nhiều khó khăn, cán bộ dân số rất vất vả khi tiếp cận với ngư dân. Người dân mang nặng tâm lý e ngại khi đề cập đến việc sử dụng các dịch vụ về CSSKSS. Ngoài ra, nguồn kinh phí để hỗ trợ công tác truyền thông hạn chế, ảnh hưởng đến chất lượng triển khai Đề án (phụ cấp cho cộng tác viên dân số cơ sở trước đây là 70.000 đồng/tháng, mức hỗ trợ thấp nên nhiều cộng tác viên cơ sở đã bỏ làm).

 

Vai trò của cộng tác viên dân số

Từ thực tế ấy, Phòng công tác DS-KHHGĐ thị xã đã xác định khó khăn trước mắt cần khắc phục là bổ sung và duy trì đội ngũ cộng tác viên. Mức phụ cấp cho cộng tác viên được tăng thêm 70%, phấn đấu duy trì mỗi xã phường phải có tối thiểu 10 cộng tác viên dân số thường xuyên bám địa bàn để tuyên truyền cho người dân về các chính sách DS-KHHGĐ. Ngoài ra, UBND thị xã Sầm Sơn đã thành lập Tiểu ban quản lý Đề án 52 để chỉ đạo cụ thể và sát sao đối với các cấp cơ sở.

Đẩy mạnh tuyên truyền tới mỗi người dân là ưu tiên trong công tác DS – KHHGĐ

Từ năm 2009 đến 2011, UBND thị xã Sầm Sơn đã tập trung chỉ đạo thực hiện nhiều đợt chiến dịch truyền thông lồng ghép với dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ trên phạm vi toàn thị xã (riêng năm 2010 đã tổ chức được 4 đợt). Trong các đợt chiến dịch, Bệnh viện Đa khoa và Trung tâm Y tế thị xã đã chọn các bác sỹ, kỹ thuật viên có tâm huyết và tay nghề cao để thành lập các đội dịch vụ lưu động xuống giúp các xã, phường tổ chức cung cấp dịch vụ KHHGĐ. Đội ngũ cộng tác viên DS-KHHGĐ đã trực tiếp xuống tận nơi các tàu đánh cá của ngư dân để tư vấn, cấp phát thuốc tránh thai, bao cao su tới tận tay đối tượng. Trong quá trình thực hiện, công tác hoạt động truyền thông được đẩy mạnh, chủ yếu tập trung tại địa bàn thôn, xóm, cụm dân cư, tổ dân phố, tập trung vào các vùng đông dân cư như: cảng cá, âu thuyền, cửa sông, cửa lạch, khu công nghiệp, khu du lịch.

Nói về mấu chốt để thực hiện Đề án 52 có hiệu quả, ông Đinh Xuân Quế – Chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn cho biết: “Do đặc thù về kinh tế biển nên ngay từ đầu, chính quyền thị xã Sầm Sơn xác định làm tốt Đề án 52 là ưu tiên hàng đầu về chính sách dân số. Tuyên truyền KHHGĐ cho người dân vùng đất liền khó một thì tuyên truyền cho bà con đi biển khó gấp mười bởi người dân đi biển xa, chỉ có những ngày mưa bão họ mới ở nhà. Gặp họ đã khó, nói chuyện cho họ hiểu và thực hiện còn khó hơn. Những kết quả đạt được của Đề án 52 hôm nay có phần đóng góp không nhỏ từ sự nhiệt tình, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ làm công dân số”.

Nhờ tháo gỡ những khó khăn, Đề án 52 ở Sầm Sơn đã đi vào hoạt động có hiệu quả. Người dân vùng biển về cơ bản đã hiểu một cách sâu sắc trong việc giảm sinh, giảm sinh con thứ ba trở lên có ý nghĩa tích cực như thế nào đối với phát triển kinh tế xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống.

>> Trong 3 tháng đầu năm 2011, đã có gần 2.000 đối tượng thuộc lứa tuổi từ 15 đến 49 ở các phường Trường Sơn, Bắc Sơn, Trung Sơn, xã Quảng Tiến, Quảng Cư của thị xã Sầm Sơn tham gia tư vấn cộng đồng, gần 4.300 đối tượng tham gia sinh hoạt nhóm, hơn 1.200 lượt đối tượng được khám và điều trị phụ khoa, trên 680 đối tượng thực hiện soi tươi, 415 người thực hiện điều trị, 267 người sử dụng vòng tránh thai, 352 người sử dụng bao cao su, 210 người sử dụng viên thuốc tránh thai và 52 người thực hiện tiêm tránh thai.

          Hoàng Sơn

 

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!