(Thủy sản Việt Nam) – Trước nay, nhiều người quen với con số bờ biển nước ta dài 3.260 km, chưa kể các đảo. Nếu tính thêm bờ các vịnh, eo biển, tức là chiều dài bờ tiếp giáp Biển Đông của nước ta là 3.444 km, theo tổ chức CIA World Factbook.
Lại có cách tính cả bờ các đảo, bờ trong các đầm phá và cửa sông chịu tác động mạnh của thuỷ triều, thì theo Viện Tài nguyên thế giới, chiều dài bờ biển nước ta tới 11.409 km. Còn vùng biển của nước ta theo công bố chính thức rộng đến 1.000.000 km2. Nước ta đã là một trong 6 nước xuất khẩu thủy sản hàng đầu thế giới. “Thương hiệu biển Việt Nam” cần được đặt ra.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Nguyễn Chu Hồi và Nguyễn Đăng Đạo đã nhiều lần nhắc đến vấn đề này. Ông giải thích, biển Việt Nam có tài nguyên phong phú, cần xây dựng thương hiệu để định vị kinh tế biển, nâng tầm giá trị, góp phần bảo vệ và phát triển bền vững biển và hải đảo Việt Nam. Trong đó, có việc nghiên cứu xây dựng các sản phẩm, sản vật biển. Chẳng hạn như nước mắm Phú Quốc, yến sào Nha Trang, mỗi sản phẩm, sản vật mang giá trị đặc trưng, để khách hàng nhận diện được đó là của biển Việt Nam.
Ông Đạo cho biết thêm, tài nguyên biển cũng rất lớn và có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển đất nước, đặc biệt như dầu khí, giao thông vận tải. Nhiều khoáng sản quen thuộc như cát ven biển đang chứa trữ lượng lớn các sa khoáng mà giá trị chưa hiểu hết. Không thể không nhắc đến nguồn lợi hải sản, vùng biển nước ta có trữ lượng khoảng 5 triệu tấn, khả năng đánh bắt mỗi năm 2,3 triệu tấn. Vùng ven biển có gần 1.000 ha bãi triều và các đầm, vịnh, phá rất thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản.
Song cũng có một thực tế đáng quan tâm là môi trường biển đang bị ô nhiễm, làm giảm nghiêm trọng nhiều tài nguyên biển: Hải sản cạn kiệt; rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn bị tàn phá. Theo ông Đạo, hiện diện tích thảm cỏ biển đã giảm tới 40-60%, rừng ngập mặn năm 1943 có 408.500 ha thì năm 2007 chỉ còn 209.741 ha.
Vấn đề cấp bách trong xây dựng “Thương hiệu biển Việt Nam” lại là bảo vệ môi trường biển, ngăn ngừa suy thoái và có biện pháp phù hợp phục hồi các hệ sinh thái quan trọng như rạn san hô, rừng ngập mặn, thảm cỏ biển. Song song, giảm số lượng tàu thuyền đánh bắt cá nhỏ; chấm dứt khai thác biển, đảo và vùng ven biển một cách tự phát; tổ chức lại đội hình đánh bắt hải sản để tăng cường hiệu suất khai thác.
Xây dựng “Thương hiệu biển Việt Nam” nhằm khai thác có quy hoạch, kế hoạch, hiệu quả và bền vững tiềm năng biển. “Thương hiệu biển Việt Nam” do đó cần được nhận thức ở các cấp, các ngành để tạo ra những sản phẩm biển Việt Nam đặc trưng và ngày càng thân thiện với môi trường.
Sáu Nghệ