Những người đàn ông lưng trần, kề vai nhau cõng thuyền mà ánh mắt rạng ngời, người phụ nữ “hồn treo cột buồm” bồng con đợi chồng sau chuyến khơi xa, nụ hôn của họ mặn mà hương vị của yêu thương, của biển mẹ là cuộc sống đầy sinh động của ngư dân Việt Nam trong bộ ảnh “Biển trong chúng ta” của Nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Mỹ Dũng.
“Đời cha cho tới đời con, mây phủ Sơn Trà trời đà chuyển mưa” là một trong số những câu ca dao về đời ngư dân
Ra mắt cuối năm 2018, bộ ảnh hơn 100 tác phẩm thể hiện nhiều câu chuyện khác nhau, khắc họa về cuộc sống người dân làng chài từ Móng Cái đến Cà Mau, ghi lại những văn hóa biển tồn tại hàng trăm năm của người Việt hay những cảnh đẹp của bờ biển quê hương khiến bất kỳ ai cũng ngỡ ngàng. Xúc động hơn, những câu chuyện về biển qua ảnh ấy còn được kể bằng những câu ca dao thấm đẫm vị mặn của biển, của mồ hôi nước mắt những ngư dân Việt Nam. “Lấy chồng nghề ruộng em theo, lấy chồng làm biển hồn treo cột buồm”, “Không có gì bằng cơm với cá. Không có gì bằng má với con”, “Thuận vợ thuận chồng tát Biển Đông cũng cạn”… NSNA Mỹ Dũng chia sẻ: “Biển giữ trong mình một nền văn hóa đồ sộ mà với tôi, đó là một trong những ngọn nguồn của dân tộc Việt Nam. Được may mắn sinh ra ở biển, lớn lên và mang trong mình tình yêu của biển, tôi thấy mình có trách nhiệm phải làm một cái gì đó, để có nhiều người biết về vẻ đẹp của biển, của những văn hóa đang tồn tại ở từng vùng biển quê hương, trong từng con người xứ sở. Vẻ đẹp của đời sống bên biển rất bình dị nhưng lại khiến người ta thấy to lớn”.
Nụ hôn của biển
Những người ngư dân, kề vai nhau cõng con thuyền, cả đời họ “ăn sóng nói gió” nhưng tự do, tự tại giữa biển khơi
Đời sống sinh hoạt của ngư dân Việt Nam vẫn đầy sôi nổi, nồng nhiệt như chính tính cách con người nơi đây
Bờ biển Việt Nam đẹp rạng ngời
Lễ cúng Nghinh ông của người dân miền Biển – một nét văn hóa rất đặc trưng của ngư dân Việt Nam
Tình yêu giữa thuyền và biển