CHỦ NHẬT, ngày 4/5/2025

T2, 06/07/2020 01:01

Thượng tọa Thích Chân Quang: Tận tâm cống hiến, niềm vui ngập tràn

Chưa có đánh giá về bài viết

Thượng tọa Thích Chân Quang được biết tới với nhiều bài giảng gần gũi nói về văn hóa Việt Nam và cách sống, các ứng xử của con người trong thế giới hiện đại. Nhân dịp Tết đến xuân về, phóng viên có cuộc trao đổi với Thượng tọa quanh chủ đề niềm vui ngày Tết.


Niềm vui và hạnh phúc

Thưa Thượng tọa, nói về ngày Tết là nói về niềm vui, vậy xin thượng tọa nói đôi điều về niềm vui ngày Tết?

Thượng tọa Thích Chân Quang: Vì sinh kế người ta phải xa nhau, đến ngày Tết, mọi người tìm về với nhau, những người thân yêu gặp nhau đó là niềm vui ngày Tết. Ngày Tết đi thăm nhau, chúc tết, ăn bữa cơm đầm ấm, thăm gia đình hàng xóm lâu không gặp… đó là niềm vui ngày Tết. Nhưng cũng có những người ngày Tết không biết làm gì cho vui, nghĩ ra những việc để mua vui cho qua ba ngày Tết từ đó cũng dẫn đến các tệ nạn ngày này.

Nói về niềm vui, có hai loại niềm vui. Có niềm vui vì ta được cái gì đó mà vui, vui vì ta may mắn hơn người khác, thành công hơn người khác, đó là niềm vui lấy bản thân ta làm trung tâm. Có niềm vui vì làm được điều gì đó tốt cho người khác vui, lấy niềm vui người khác làm trung tâm, đó là niềm vui cao thượng hơn. Muốn có được niềm vui thứ hai thì cần có đức tính hy sinh, những người hy sinh để đem lại niềm vui cho người khác sẽ có được niềm vui lâu dài hơn và xét về luật nhân quả thì người đó sẽ gặp nhiều may mắn hơn.

Ngày Tết, người ta thường có thời gian lắng đọng để suy ngẫm về giá trị thật sự của cuộc đời, suy nghĩ về niềm vui và hạnh phúc của con người sau một năm vất vả bon chen?

Thượng tọa Thích Chân Quang: Đúng vậy! ngày Tết ta chiêm nghiệm thế nào là hạnh phúc, thế nào là niềm vui? Chúng ta thường quan niệm Tết phải vui! Nhưng thế nào là niềm vui và muốn có niềm vui thì phải làm thế nào? Hạnh phúc, niềm vui, sự đoàn tụ, sum họp, đó là niềm vui ai cũng thấy. Có niềm vui khác là thăm viếng bạn bè, bữa tiệc nhẹ. Chúng ta cũng nghĩ đến niềm vui cho cả năm, cho cả đời, cả kiếp người và cho nhiều kiếp sau. Khi đó ta có tâm hồn thanh cao đạo đức, cơ hội thành công. Nhưng cũng có những người nhân ngày Tết tìm vui trong những việc sai lầm như bia rượu, cờ bạc, nhậu nhẹt triền miên, nhân Tết nhất để biếu xén, lợi lộc…

Nếu lấy mọi người, lấy đất nước làm trung tâm, ngẫm lại một năm con người và đất nước phát triển thế nào thì niềm vui thâm trầm ít sôi động, khó thấy, nhưng đó là niềm vui lâu dài. Nếu lấy mình làm trung tâm, chỉ biết những cái gì mà mình được trong năm làm thì vui, thì niềm vui đó sôi động, dễ thấy nhưng cũng chóng qua, chứa ẩn nhiều sự đau khổ. Ông bà ta nói “ở hiền gặp lành”, có những lúc ta cảm thấy mình thiệt thòi, mất mát, nhưng đem lại thành công cho người khác thì ta lại được biết bao điều tốt đẹp sau này. Người không mưu cầu hạnh phúc cho mình bằng cách chạy vạy, giành giật cho bản thân mà ta mưu cầu hạnh phúc cho mình bằng cách tạo dựng mưu cầu hạnh phúc cho người khác, có đức tính cống hiến và phụng sự thì niềm vui mới bền lâu.

Xem niềm vui của người khác là niềm vui của bản thân mình là việc không dễ dàng, thưa Thượng tọa?

Thượng tọa Thích Chân Quang: Nói thì dễ nhưng làm thì khó. Liệu chúng ta có dám hy sinh niềm vui của mình cho người khác hay không? Như người ta thường nói “đồng tiền liền khúc ruột”, khi chúng ta cần tiền, chúng ta có dám sẻ chia cho người khác đang cần như mình? Khi chúng ta đang nghỉ ngơi, chúng ta có giúp người khác khi họ đang vất vả? Liệu khi ta có cơ hội vượt lên, nhưng ta thấy người khác xứng đáng hơn, ta có dám nhường họ hay không? Nếu người nào can đảm, gan dạ, dám sống với triết lý hy sinh, nhường nhịn, chia sẻ, có niềm tin vào sự công bằng của trời đất, thủ trưởng có thể quên ta nhưng trời đất không quên ta, mọi người không quên ta, sống vì sự cao thượng của ta, chúng ta sẽ có cuộc sống giúp đời giúp người, những người như thế sẽ tìm thấy niềm vui dài lâu.

Đức hy sinh

Thượng tọa nói tới đức hy sinh, nhưng trong xã hội hiện đại, nhu cầu hưởng thụ và văn hóa hưởng thụ ngày càng tràn lan. Vậy hiểu hưởng thụ như thế nào cho đúng?

Thượng tọa Thích Chân Quang: Xã hội hôm nay, khoa học công nghệ đang cuốn con người đi theo. Công nghệ liên tục thay đổi. Thậm chí có nơi công nhận quyền công dân của người máy. Sự hấp dẫn của các trò chơi điện tử là một thí dụ về sức hút của công nghệ. Thậm chí với nhiều người, công nghệ thu hút họ hơn cả tôn giáo. Người ta có thể bỏ ra nhiều thời gian cho các thú vui công nghệ hơn thời gian họ dành cho tôn giáo, văn hóa.

Chúng ta cần có sự giáo dục, trong hiểm họa công nghệ, trong một xã hội hưởng thụ, tiêu dùng, chúng ta cần sự sống chậm lại, giản dị lại, sống gần gũi với thiên nhiên. Con người cần sự trầm mặc, sự giản dị. Ngày Tết chúng ta đi thăm người thân, thăm người nghèo khó, đi thăm bạn bè, giúp đỡ những người họ hàng nghèo khó, chúc mừng những người thành công. Chúng ta có những khoảng thời gian thoát ra khỏi thế giới công nghệ.

Theo Thượng tọa, niềm vui của doanh nhân, những người kinh doanh là gì?

Thượng tọa Thích Chân Quang: Người kinh doanh đi tìm lợi nhuận. Triết lý nằm ở chỗ lợi nhuận để làm gì? Một loại doanh nhân đi tìm lợi nhuận phục vụ cho cá nhân, phục vụ cho bản thân, chạy đua những hạng mục vinh quang, chẳng hạn năm nay đứng mấy trong số những người giàu nhất trong xã hội? Còn có những người khác nghĩ rằng việc làm giàu là để giúp cho người khác, công ty càng lớn càng có nhiều người làm việc, mỗi người như thế lại có thể góp phần nuôi được một gia đình. Hạnh phúc chân chính của một doanh nhân đó là việc đóng thuế cho ngân sách và nuôi sống được bao nhiêu gia đình trong bối cảnh xã hội ngày càng nhiều người thất nghiệp.

Những người làm công chức, làm ở các tổ chức xã hội cũng có niềm vui riêng của mình?

Thượng tọa Thích Chân Quang: Từ thời xưa, nếu một ông quan liêm chính thì không thể giàu. Phải chấp nhận một điều rằng làm công chức là phải cống hiến. Niềm vui của người làm công chức không phải là kiếm được bao nhiêu tiền mà nhìn thấy những người dân nghèo có nhà mới, các em thơ được học trong ngôi trường to đẹp… đó mới là niềm vui của người làm công chức. Nếu muốn tìm niềm vui trong quyền lợi riêng, thu nhập cao thì không nên làm công chức mà nên chọn những công việc khác.

Nhiều người cho rằng việc thực hiện triết lý sống vô ngã khó quá, phải hy sinh nhiều quá nhiều nên không làm được, triết lý như vậy xa vời quá?

Thượng tọa Thích Chân Quang: Vô ngã đến tận cùng thì khó lắm, bởi vậy lâu lâu mới xuất hiện các bậc La Hán, Đức Phật. Những người như chúng ta là người bình thường, chúng ta thực hiện vô ngã dần dần, thực hiện vô ngã từng bước. Thực hiện vô ngã trước tiên là thực hiện một triết lý đúng, là đi đúng hướng trước đã. Rồi từ con đường đúng đó, chúng ta dần dần tiến lên. Chúng ta bớt đi một chút bản ngã thì sẽ thêm một chút vô ngã, thêm một chút vô ngã chúng ta thấy lòng mình vui hơn. Thêm một chút hy sinh thì chúng ta bớt đi sự lười biếng, vì nghĩ tới người khác, chúng ta trở nên siêng năng hơn. Vì lòng vị tha mong muốn người khác thành công, lòng đố kỵ bớt đi, tham vọng bớt đi, vì ngưỡng mộ những người thành công chúng ta sẽ hỗ trợ cho người khác được thành công. Những bước đi của chúng ta hướng về vô ngã, chúng ta không uổng công mà chúng ta đi tới nhiều niềm vui.

Vô ngã mà không đánh mất mình, không chạy theo kẻ khác, không làm theo điều người muốn mà quên đi bản thân?

Thượng tọa Thích Chân Quang: Ban đầu vô ngã là để đánh đổ sự vị kỷ trong mỗi người. Vì từ lâu con người sống vị kỷ, mới đầu, chúng ta cần sự hy sinh bản thân mình cho mọi người nhằm thoát khỏi lòng vị kỷ. Nhưng đến một lúc nào đó, chúng ta sẽ đạt độ cân bằng. Ví dụ trước kia thầy tập luyện ăn uống là vì bản thân thầy, còn bây giờ thầy làm thế là vì để mình có sức khỏe làm việc, để mọi người khác không phải lo cho mình. Cũng là một hành động nhưng ý nghĩa khác nhau. Vô ngã không phải anh ăn cơm mà tôi thì nhịn. Khi lòng vị kỷ còn cao, cần phải làm như vậy để chế ngự lòng vị kỷ của mình. Nhưng khi lòng vị kỷ ít đi và không còn nữa, thì vô ngã khi đó là anh ăn cơm, tôi cũng ăn cơm, chúng ta đều cần phải sống để lo cho mọi người. Anh ăn, tôi cũng ăn, tất cả là vị tha, mọi thứ đều vì mong muốn làm tốt cho người khác mà thôi.

Trân trọng cảm ơn Thượng tọa!


Tết đoàn viên, Tết sum vầy luôn là bản sắc riêng biệt của văn hóa Việt Ảnh: Xuân Trường

>> Thượng tọa Thích Chân Quang: Ngày Tết chính là cơ hội để chúng ta đem đến niềm vui cho mọi người, từ việc chúc Tết, thăm viếng, làm việc thiện, nhắc nhở bảo ban nhau làm việc tốt… Từng người từng người đều làm như vậy thì niềm vui sẽ lan rộng ra trong xã hội.


Trần Nguyễn Anh (Thực hiện)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: Content is protected !!