(TSVN) – Thời gian gần đây, người dân, Phật tử, các nhà nghiên cứu rất quan tâm tới sáng kiến của Thượng tọa, Tiến sĩ Thích Chân Quang về việc đề xuất UNESCO công nhận sự giác ngộ của Đức Phật là một di sản văn hóa phi vật thể vô cùng quý giá của nhân loại. Nhân ngày đầu năm Quý Mão, phóng viên Tạp chí Thủy sản Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn Thượng tọa, tiến sĩ Thích Chân Quang xung quanh sáng kiến này.
Thượng toạ, Tiến sỹ Thích Chân Quang
Phóng viên: Những ngày cuối năm vừa qua, tại Thiền Tôn Phật Quang (núi Dinh, Bà Rịa – Vũng Tàu) đã long trọng tổ chức lễ Đức Phật Thành Đạo. Theo Phật giáo Bắc Tông, Đức Phật đắc đạo vào ngày 8 tháng 12 âm lịch, theo Phật giáo Nam tông thì đó là ngày rằm tháng 4. Vì sao có sự khác biệt này?
Thượng tọa, Tiến sỹ Thích Chân Quang: Cuộc đời Đức Phật có ba ngày quan trọng nhất là ngày Đức Phật ra đời, ngày Đức Phật Thành Đạo, ngày Đức Phật qua đời. Vì xưa đường xá quá xa xôi, phương tiện đi lại khó khăn, đi bộ là chính, việc Phật tử gặp được nhau rất khó khăn. Các vị trưởng lão mới họp lại thống nhất chọn một ngày để kỷ niệm 3 sự kiện trên, đó chính là rằm tháng 4 âm lịch để vinh danh ba ngày một lúc. Trong cái tiện lợi cũng nảy sinh ra sự hiểu lầm về sau, đó là nhiều người cho rằng ngày Đức Phật đản sinh, thành đạo, nhập niết bàn vào cùng một ngày.
Chùa Phật Quang theo truyền thống Bắc Tông nên phân biệt ba ngày khác nhau và vì thế tổ chức ngày lễ Đức Phật Thành Đạo vào ngày 8 tháng 12 âm lịch hàng năm. Đại lễ Phật Thành Đạo vừa qua, ngày thứ nhất (mồng 6 tháng 12) tổng kết hoạt động trong năm qua, như các hoạt động từ thiện, Phật sự, vinh danh khen thưởng cá nhân, tập thể. Ngày thứ hai làm lễ xuất gia cho một số Phật tử trẻ. Năm nay lễ này có sự chứng kiến của vị Phó tăng thống Phật giáo Campuchia, trong buổi chiều có buổi giao lưu giảng đạo giữa các vị tăng thống Campuchia và các nhà sư Việt Nam. Vị Phó tăng thống Phật giáo Campuchia xúc động kể lại việc nhà sư đang đi tu hành thì xảy ra họa diệt chủng Pôn Pốt, nhà sư bị buộc hoàn tục, không cho đi tu nữa. Năm 1979, nhờ có sự giúp đỡ của bộ đội Việt Nam mà đạo Phật tại Campuchia được khôi phục, nhà sư lại được tu hành. Giáo hội Việt Nam cũng có nhiều hoạt động giúp đỡ giáo hội Campuchia phát triển như ngày nay. Câu chuyện của nhà sư làm cho 5,5 vạn người nghe xúc động.
Buổi tối, thầy thuyết giảng. Chính trong buổi giảng này, thầy đề xuất Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Phật Giáo Campuchia, cùng đề xuất lên tổ chức UNESCO công nhận sự giác ngộ của Đức Phật là một di sản văn hóa phi vật thể vô cùng quý giá của nhân loại.
Phóng viên: Xin Thượng tọa cho biết lý do đề xuất Tổ chức UNESCO công nhận sự giác ngộ của Đức Phật là một di sản văn hóa phi vật thể vô cùng quý giá của nhân loại?
Thượng tọa, Tiến sỹ Thích Chân Quang: Thầy long trọng đề xuất vì lý do như sau. Chính nhờ sự giác ngộ của Đức Phật đã mở ra một Đạo Phật mà tôn giáo này được cả thế giới tôn trọng.
Từ năm 1999, ngày lễ Phật Đản 15/4 (âm lịch) đã được Liên Hiệp Quốc công nhận là ngày lễ hội văn hóa tâm linh thế giới. Đại lễ Phật Đản – lễ mừng Đức Phật ra đời vừa được UNESCO chính thức công nhận là một trong những ngày lễ hội tôn giáo của thế giới.
Đạo Phật là tôn giáo yêu chuộng hòa bình nhất thế giới, trong giới luật đạo Phật nghiêm cấm việc làm tổn thương đến người khác. Về văn hóa, đạo Phật đi tới đâu đều góp phần xây dựng, phát triển văn hóa nơi đó, giúp văn hóa nơi sở tại thăng hoa, phát triển mà không làm mất đi bản sắc của các vùng đất ấy. Nước nào khai thác được các giá trị của đạo Phật thì nước đó phát triển và ngày càng tốt đẹp. Chẳng hạn thời Lý Trần văn hóa Việt Nam, đất nước Việt Nam rất phát triển.
Khi khoa học phát triển, nhiều tôn giáo vất vả đối phó, thậm chí chống đỡ với khoa học để chứng minh sự đúng đắn của mình thì ngược lại, khoa học lại luôn chứng minh và tôn vinh những quan điểm của đạo Phật. Khi ta chưa có ngành thiên văn học, Đức Phật đã nói tới việc chúng ta tồn tại trong rất nhiều thế giới, đặc biệt nhiều cõi giới mà ta không nhìn thấy. Ngày nay, các khoa học đã và chứng minh những điều ấy.
Các giá trị của đạo Phật không xung đột với khoa học. Đạo Phật đã đem tới rất nhiều điều giá trị cho thế giới này, kể từ đêm Đức Phật thành đạo ấy. Vì thế, ta muốn đề xuất UNESCO công nhận ngày Đức Phật giác ngộ là di sản văn hóa phi vật thể vô cùng quý giá của nhân loại.
Phóng viên: Phải chăng theo thời gian thì ý nghĩa ngày Phật Thành Đạo đang bị mai một, rất cần được bảo tồn và tôn vinh?
Thượng tọa, Tiến sỹ Thích Chân Quang: Đúng như vậy. Đạo Phật có nhiều phái tu tập khác nhau. Dù kinh điển Phật giáo Bắc Tông và truyền thống các chùa Bắc Tông đề cao ngày Đức Phật giác ngộ dưới bồ đề, song số chùa còn giữ được truyền thống tổ chức ngày lễ Phật Thành Đạo hàng năm không nhiều. Ý nghĩa của việc tu tập, hướng đến sự giác ngộ cũng vì thế bị sao nhãng. Chùa chúng tôi là một trong số ít chùa hàng năm tổ chức Đại lễ Phật Thành Đạo. Thiền Tôn Phật Quang tổ chức Đại lễ Phật Thành Đạo thường thu hút khoảng 3 – 5 vạn người tham dự, cho thấy nhu cầu cũng như ý nghĩa của việc tổ chức tôn vinh ngày Đức Phật giác ngộ trong đời sống hiện đại.
Nếu được UNESCO tôn vinh thì chắc chắn nhiều chùa sẽ khôi phục lại lễ Phật Thành Đạo, giữ gìn và phát triển được truyền thống đạo Phật lâu đời của dân tộc. Theo tôi được biết, hiện cũng đã có một số chùa trở lại làm đại lễ này sau nhiều năm quên lãng.
Phóng viên: Được biết sáng kiến của Thượng tọa thu hút rất nhiều sự quan tâm của công luận?
Thượng tọa, Tiến sỹ Thích Chân Quang: Sau khi có bài nói chuyện của thầy về đề tài này, rất nhiều báo, tạp chí đã đưa tin và ủng hộ. Nhiều cơ quan truyền thông quan tâm.
Về kinh tế, có thể Việt Nam chưa phải là một cường quốc, nhưng về văn hóa về tinh thần thì Việt Nam vẫn là một trung tâm lớn. Thầy hy vọng Nhà nước, Giáo hội, các cơ quan chức năng và người dân sẽ cùng đề xuất lên Tổ chức UNESCO công nhận ngày Đức Phật giác ngộ là di sản văn hóa phi vật thể vô cùng quý giá của nhân loại.
Phóng viên: Một vấn đề thời sự mà nhiều bạn đọc muốn hỏi xin ý kiến Thượng tọa. Thời gian gần đây, cuộc sống của nhiều người dân bị xáo trộn do sốt đất, rồi đất đóng băng, ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống. Nhân dịp đầu xuân, xin Thượng tọa, Tiến sỹ Thích Chân Quang có vài nhận xét về vấn đề nóng bỏng này?
Thượng tọa, Tiến sỹ Thích Chân Quang: Đất là nền tảng cho mọi hoạt động xã hội. Sử dụng đất không hiệu quả sẽ lãng phí, để cho đất phát huy được tất cả giá trị của nó thì đất nước chúng ta sẽ phát triển. Đôi khi chúng ta còn có tư duy duy ý chí, tự trói đất lại, rằng khu này nên làm cái này, khu kia nên làm cái kia, nhưng lại không hợp lý, khiến người dân canh tác không hiệu quả, thậm chí đất bỏ hoang nhiều.
Việc quy hoạch là rất cần thiết, đất nước nào cũng có quy hoạch. Nhưng quy hoạch phải thực tế, sát với nhu cầu của người dân và xã hội. Chỗ nào cần quy hoạch thì quy hoạch, chỗ không cần thì hãy để người dân tự mình khai thác, canh tác theo luật pháp. Không một quốc gia nào lại quy hoạch đến từng mét vuông đất được cả.
Cách hay nhất là vừa quản lý đất đai, nhưng phải để đất đai “có quyền tự do” để phát triển đem lại hiệu quả cao nhất. Cần có sự định hướng và lãnh đạo khéo léo, tránh duy ý chí. Có quy hoạch, nhưng đừng để quy hoạch trói buộc đất đai. Ví như người ta có cây gậy, chức năng của cây gậy là để chống, tránh cho người bị té, nhưng cây gậy có thể đuổi rắn rết, để chỉ đường, gặp trộm cướp cầm gậy tự vệ… cây gậy giá trị là nhờ có nhiều chức năng. Giờ có người tới vỗ vai bảo: này cây gậy này chỉ dùng để chống, không được làm việc khác thì cây cây gậy bị trói. Đất đai cũng vậy: đất có thể nuôi tôm cá, có thể lập công xưởng, có thể làm nhà ở, có thể làm hội chợ, tìm khoáng sản… đừng trói đất. Hãy để con người tự do với mảnh đất của anh ta, thì anh ta sẽ đầu tư tiền bạc, tài sản để làm đất đó phát sinh tài sản cho cộng đồng. Nếu ta chỉ cho phép người ta làm một việc nào đó thôi, nhiều người sẽ bỏ đi, đất bỏ hoang nhiều.
Phóng viên: Theo Thượng tọa, tiến sỹ thì nên “cởi trói cho đất” như thế nào?
Thượng tọa, Tiến sỹ Thích Chân Quang: Người nông dân ngày nay đầu tư vào nông nghiệp hiện đại, nhưng lại không được cất nhà để ở tại ruộng đồng, đầu tư thâm canh. Cất nhà kiên cố liền bị phạt, nhưng làm lều lán nhà tạm thì bị mưa bão phá hủy, không đảm bảo sức khỏe cho người nông dân, kỹ sư. Mảnh đất của người ta, người ta có quyền khai thác làm sao cho tốt nhất.
Có những vùng đất đai chật hẹp làm nông nghiệp không hiệu quả, nhưng chuyển sang đất thổ cư thì rất khó khăn, thậm chí phải chờ quy hoạch trong vòng nhiều năm. Đất của họ, nhưng họ lại phải chờ đợi người khác cho phép được làm gì, như thế nào và không biết đến khi nào thì được phép.
Muốn quy hoạch đất đai, việc đầu tiên phải tham khảo ý kiến người dân. Người dân có quyền sử dụng đất đai và có nghĩa vụ sử dụng đất đai, nhưng có mấy người được cơ quan chức năng quy hoạch đất đai hỏi ý kiến?
Luật chúng ta phải cởi trói cho đất để người ta có thể trồng thủy canh trên đất của họ, họ có thể nuôi trồng thủy sản công nghệ cao trên đất của họ, họ có thể làm các xưởng phục vụ sản xuất nông nghiệp ngay trên đất của họ, miễn đảm bảo các tiêu chí vệ sinh môi trường, không xung đột lợi ích với láng giềng xung quanh.
Về nông thôn, chúng ta thấy đất bỏ hoang rất nhiều, rồi bán qua bán lại, dẫn đến khủng hoảng bất động sản. Nếu người dân khai thác lợi ích kinh tế tốt thì người ta có bán đất đi không?
Đơn cử có chùa muốn trồng cây thủy canh kỹ thuật cao sản lượng lớn để phục vụ cho chùa và Phật tử, nhưng làm nhà trồng cây thủy canh thì xin giấy phép thủ tục rất phức tạp, xin được rồi, cơ quan chức năng chỉ cho phép làm nhà thủy canh trong 5 năm. Vậy sau 5 năm sẽ phá nhà thủy canh đi sao? Vậy là chùa ngần ngại không dám làm nông nghiệp nữa. Qua những ví dụ như thế để thấy việc quản lý đất đai hiện nay còn thiên về tư duy kiểm soát đất đai hơn là giải phóng tiềm năng đất đai.
Phóng viên: Thượng tọa, Tiến sỹ có góp ý gì về việc “giải phóng” đất đai trong thời gian tới?
Thượng tọa, Tiến sỹ Thích Chân Quang: Chúng ta cần “cởi trói” cho đất bằng luật pháp.
Tôi hy vọng luật đất đai mới sẽ được quốc hội xem xét thông qua sắp tới, sẽ cởi trói cho đất, hạn chế được việc đất đai bỏ hoang và thu hút sức lực, trí tuệ của toàn xã hội làm ra nhiều tài sản của cải từ đất đai, giúp con người cải thiện đời sống, giúp đất nước thêm phồn vinh.
Phóng viên: Xin cám ơn Thượng tọa, Tiến sỹ Thích Chân Quang đã trả lời phỏng vấn!
Nguyễn Anh
(Thực hiện)
Một số hình ảnh tại buổi Lễ Phật Thành Đạo trên núi Dinh, Bà Rịa – Vũng Tàu:
Tôi rất ủng hộ sáng kiến này của Thượng tọa, Tiến Sỹ vì bởi ngày mà Đức Phật Thích Ca Thành đạo là một ngày thiêng liêng, cao quý và duy nhất trên thế giới. Nhân loại cần phải tôn vinh và kỉ niệm vì những giá trị mà Đạo Phật đã mang lại là vô cùng to lớn.